Dân số siêu giàu của Trung Quốc - những người có giá trị tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên - được dự báo sẽ tăng gần 50% trong vài năm tới, theo báo cáo tài sản gần đây của công ty tư vấn Knight Frank.
Vậy, trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức và tăng trưởng chậm lại, giới siêu giàu Trung Quốc đang tích cực đầu tư vào đâu?
Trả lời câu hỏi này, các nhà quản lý tài sản cho biết tâm lý đầu tư hiện tại của những người giàu có Trung Quốc là “thận trọng”, với dòng tiền đổ vào nhiều kênh tài sản quốc tế trong bối cảnh thị trường địa phương bị đình trệ. Tuy nhiên, phân khúc bất động sản cao cấp của nước này vẫn là một điểm sáng được nhiều người ưa chuộng.
BẤT ĐỘNG SẢN CAO CẤP
Như tiết lộ của ông James Macdonald - Trưởng bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc tại công ty bất động sản quốc tế Savills - có sự gia tăng đáng kể các giao dịch bất động sản cao cấp tại Thượng Hải. Nguyên nhân chính được cho là bởi trong thời gian gần đây chính phủ nước này đã có một vài biện pháp nới lỏng chính sách về mua bán bất động sản, từ đó dẫn đến sự gia tăng các dự án cao cấp ở nhiều khu vực trung tâm, đáp ứng lượng nhu cầu bị dồn nén từ lâu.
Vào tháng 5/2024, chính phủ Trung Quốc cũng đã giảm số năm người dân phải đóng thuế ở Thượng Hải trước khi được phép mua nhà ở đây từ 5 năm xuống còn 3 năm. Tỷ lệ đặt cọc bắt buộc đối với người mua nhà lần đầu cũng được hạ từ 30% xuống 20%.
Theo ông Sam Xie, trưởng bộ phận nghiên cứu của CBRE tại Trung Quốc cho biết, các căn hộ sang trọng, đặc biệt ở Thượng Hải, vốn là một khoản đầu tư hấp dẫn trong mắt các cá nhân giàu có trong những năm gần đây do tính khan hiếm của chúng. Theo dữ liệu do ông Xie cung cấp, trong quý 12/2024, khối lượng giao dịch cho các căn hộ mới xây có giá trên 2,75 triệu USD/căn đã tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 40% người mua đều là người dân Thượng Hải.
Các dự án cao cấp như Arbour ở khu mua sắm nổi tiếng Xin Tian Di của Thượng Hải, Greentown’s The Bund Garden và Shanghai Arch ở khu tài chính Lujiazui, đều được bán hết ngay khi mới ra mắt, bà Christine Li - trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Knight Frank chỉ ra.
Mặc dù vậy, thị trường bất động sản hạng sang của Trung Quốc vẫn chủ yếu tập trung ở các khu vực cốt lõi của các thành phố hạng nhất.
“Trong bối cảnh hiện nay, nhà ở hạng sang ở Thượng Hải là đại diện cho những kênh đầu tư giá trị có khả năng bảo toàn tài sản và tính thanh khoản, đặc biệt đối với các cá nhân siêu giàu có”, ông Stephen Pau, giám đốc đầu tư tại Hefeng Family Office nhận định.
Các loại hình đầu tư khác tại địa phương, chẳng hạn như bất động sản nói chung hoặc chứng khoán Trung Quốc, hiện không thu hút được giới siêu giàu.
TÀI SẢN NƯỚC NGOÀI
Trước đây, người giàu Trung Quốc thường đầu tư nhiều vào bất động sản và cổ phiếu nội địa, nhưng giờ đây, họ đang chuyển sang một loạt các loại tài sản khác đa dạng hơn, ví dụ như tiền tệ, tín dụng tư nhân, vốn cổ phần tư nhân, trái phiếu kho bạc Mỹ và cổ phiếu ở các thị trường phát triển, theo chia sẻ của ông Nick Xiao, CEO Hywin International có trụ sở tại Hồng Kông.
“Đối với nhiều người Trung Quốc, cổ phiếu Mỹ và Nhật Bản mang lại cơ hội tham gia vào các lĩnh vực tăng trưởng cao và các xu hướng ổn định không bị biến động quá lớn trong ngắn hạn,” ông Xiao giải thích.
Đồng tình với quan điểm trên, giám đốc đầu tư tại Hefeng Family Office Stephen Pau chỉ ra rằng dòng tiền từ Trung Quốc rót vào các tài sản quốc tế được phản ánh qua việc phân bổ ngày càng tăng qua “Nhà đầu tư tổ chức trong nước đủ điều kiện (QDII)” và “Quan hệ đối tác có trách nhiệm giới hạn trong nước đủ điều kiện (QDLP)”.
QDII là một chương trình cho phép các tổ chức tài chính đầu tư vào chứng khoán bên ngoài Trung Quốc. Còn QDLP là chương trình cho phép chuyển đổi đồng nhân dân tệ thành ngoại tệ để đầu tư ở nước ngoài.
Ông Stephen Pau nhấn mạnh: "Động thái này phù hợp với xu hướng phòng thủ chung của nhà đầu tư”, đồng thời cho biết thêm rằng những người giàu có ở Trung Quốc đều thận trọng hơn do những bất ổn trong nền kinh tế nội địa và không chắc chắn về tình hình địa chính trị. Họ tìm tới các kênh đầu tư bảo toàn vốn và sinh lợi cao, rủi ro thấp như trái phiếu kho bạc Mỹ, đặc biệt là sau khi đã trải qua thua lỗ trong bất động sản và cổ phiếu nội địa.
Điều này trái ngược với cách tiếp cận đầu tư đa dạng hơn của các cá nhân giàu có ở nơi khác trên thế giới, những người thường sẵn sàng phân bổ tiền vào các quỹ tương hỗ và danh mục đầu tư đa tài sản.
So với các nhà đầu tư nước ngoài, giới đầu tư giàu có Trung Quốc có tài sản phân tán trên quá nhiều ngân hàng và nhà môi giới, nhưng chưa có cái nhìn tổng thể để đo lường hiệu quả đầu tư. “Một số khách hàng Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc đưa lựa chọn từ vô số chiến lược quỹ phòng hộ trên thị trường quốc tế do thiếu kỹ năng. Những người khác vẫn chưa biết cách quản lý rủi ro với một cái nhìn tổng quan toàn diện hơn”, theo đánh giá của các chuyên gia.
Sự khác biệt trong hành vi đầu tư một lần nữa nhấn mạnh tâm lý và khẩu vị rủi ro riêng biệt của các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục so với các nhà đầu tư quốc tế. “Giới đầu tư Trung Quốc nghiêng về bảo toàn vốn và tạo ra thu nhập ổn định, trong khi giới đầu tư quốc tế có xu hướng áp dụng cách tiếp cận quản lý tài sản cân bằng và đa dạng hơn”, ông Stephen Pau nhận xét.