Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng 2024 và ngay lập tức tuyên bố ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris làm ứng cử viên chính thức của Đảng Dân chủ.
Mặc dù chưa thể chắc chắn rằng bà Harris sẽ được bổ nhiệm vào vị trí ứng cử viên chính thức do còn cần có sự bỏ phiếu của 4.000 đại biểu chủ chốt trong Đảng Dân chủ, nhưng Phó Tổng thống Mỹ hiện vẫn được xem như là ứng cử viên phù hợp nhất. "Do hạn chế về thời gian và các vấn đề hậu cần, sẽ là cực kỳ khó khăn cho bất kỳ ứng cử viên nào khác ngoài bà Harris để có thể tổ chức một chiến dịch toàn diện và kêu gọi gây quỹ," Brian Gardner, chiến lược gia trưởng Washington tại Stifel, nói trong một email.
Trong một bài phân tích của Market Watch, đã có những dự đoán được nêu ra trong trường hợp nếu bà Kamala Harris là người được chọn và chiến thắng trong cuộc tranh cử. Theo đó, bài phân tích chỉ ra rằng một chính quyền Harris tiềm năng sẽ bảo vệ các chính sách mà ông Joe Biden đã thiết lập trong nhiệm kỳ 2020-2024, bao gồm các khoản trợ cấp của Đạo luật Giảm Lạm phát cho xe điện và các dự án năng lượng xanh, tăng cường tài trợ cho IRS để truy tìm người trốn thuế, thiết lập thuế tiêu thụ đặc biệt đối với việc mua lại cổ phiếu và mức thuế tối thiểu 15% cho các tập đoàn lớn.
"Một nhiệm kỳ tổng thống của bà Harris, xét về mọi mặt, sẽ là sự tiếp nối của chính quyền Biden. Từ góc độ của Đảng Dân chủ, tôi nghĩ đó là một điểm mạnh, không phải là điểm yếu", ông Isaac Boltansky, giám đốc nghiên cứu chính sách tại BTIG chia sẻ trên MarketWatch. Ông Boltansky cũng giải thích thêm, những lo ngại về ông Joe Biden không phải vì các chính sách của ông mà vì khả năng và sức khỏe hiện tại.
Trên thực tế, bà Kamala Harris chưa có một bề dày thành tích về chính sách kinh tế, vì phần lớn thời gian hoạt động cộng đồng của bà là ở chiếc ghế công tố viên, nhưng trong khoảng thời gian ngắn đứng ở vị trí thượng nghị sĩ và ứng cử viên tổng thống năm 2020, có thể thấy một quan điểm và cái nhìn của bà về các vấn đề kinh tế, xã hội.
KHÍ HẬU VÀ NĂNG LƯỢNG
Các quan điểm về khí hậu và năng lượng của bà Harris khá tương đồng với Tổng thống Joe Biden, nhưng trong suốt sự nghiệp của mình, bà luôn khẳng định rõ rằng năng lượng sạch và công lý môi trường là những ưu tiên hàng đầu.
Khi ông Biden tuyên bố bà Harris là người đồng hành của mình trong cuộc đua năm 2020, ông đã nhấn mạnh lập trường cứng rắn của bà đối với các công ty dầu mỏ khi bà giữ các vai trò quan trọng ở California, lưu ý đến các vụ kiện mà bà khởi xướng khi còn là biện lý của San Francisco từ năm 2004 đến 2011 và sau đó là Tổng chưởng lý bang cho đến tháng 1/2017, khi bà trở thành thượng nghị sĩ Mỹ.
Năm 2023, bà Harris ra mắt tại các cuộc đàm phán khí hậu quốc tế, công bố cam kết 3 tỷ USD cho Quỹ Khí hậu Xanh và có bài phát biểu quốc tế lớn đầu tiên tập trung vào khí hậu.
Bà Harris cũng đã tham gia vào các chính sách của Cơ quan Bảo vệ Môi trường nhằm giải quyết các lo ngại về công lý môi trường, chẳng hạn như một chương trình trị giá hàng tỷ USD để thay thế các ống chì và sơn chì trên khắp cả nước.
BẢO VỆ VÀ HỖ TRỢ HỘ GIA ĐÌNH
Trong thời gian làm Tổng chưởng lý California, bà Harris đã giúp đảm bảo một khoản dàn xếp trị giá 25 tỷ USD cho các chủ nhà bị tịch thu nhà sai trái sau cuộc khủng hoảng tài chính. Bà cũng đã ủng hộ luật "quyền lợi chủ nhà" tại California, hai động thái đã củng cố vị thế của bà như một người ủng hộ người tiêu dùng trong quá trình tranh cử năm 2020.
Bà Kamala Harris luôn tập trung vào những khó khăn của các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, từng đề xuất về một kế hoạch tín dụng thuế giúp đỡ các gia đình chi tiêu hơn 30% thu nhập của họ cho thuê nhà và tiện ích, trong đó biện pháp hỗ trợ hàng tháng sẽ đến dưới dạng một tấm séc với khoản tiền tương ứng.
CÔNG NGHỆ
Một yếu tố đáng chú ý khác trong tiểu sử của bà Kamala Harris là mối quan hệ thân thiết của bà với các công ty công nghệ lớn kể từ khi ở San Francisco. Tuy nhiên, bà cũng là rất chặt chẽ và nghiêm khắc với các quy định về công nghệ. Khi còn là Tổng chưởng lý California vào năm 2012, bà Harris đã kiện eBay với cáo buộc các hành vi tuyển dụng chống cạnh tranh liên quan đến một thỏa thuận không cướp nhân tài (thu hút nhân viên của một công ty khác một cách trái phép) với Intuit dẫn đến khoản dàn xếp gần 4 triệu USD vào năm 2014.
Tiếp tục đến năm 2015, bà đã buộc công ty khởi nghiệp Houzz phải thuê riêng một giám đốc phụ trách bộ phận bảo mật sau khi có cáo buộc ứng dụng thiết kế của công ty đã ghi lại các cuộc gọi bán hàng mà không có thông báo và sự đồng ý thích hợp.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề xã hội mà bà Harris luôn đấu tranh là việc hạn chế hoạt động phân phối nội dung khiêu dâm trên mạng xã hội. Bà đã nhiều lần gây áp lực khiến Facebook, Google, Microsoft và các công ty khác phải thực hiện loại bỏ một số hình ảnh bị dán nhãn khiêu dâm trên nền tảng của họ.
TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
Khi thực hiện các nhiệm vụ của Phó Tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris đặc biệt quan tâm về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Bà cảnh báo về mối đe dọa “hiện sinh” của AI và cho biết nó có thể đe dọa sự tồn tại của nhân loại trong một bài phát biểu vào tháng 11/2023.
Trong cuộc gặp gỡ với các giám đốc điều hành công nghệ như Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella, Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman và Giám đốc điều hành Alphabet Sundar Pichai, bà Harris nhấn mạnh về nghĩa vụ “đạo đức” để bảo vệ thế giới chống lại những nguy cơ tiềm ẩn của AI.
Bà đã ủng hộ lệnh hành pháp về AI nhằm tìm kiếm các biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ cho người tiêu dùng, đặc biệt là các cuộc gọi lừa đảo do AI tạo ra và tác động của nội dung AI không được gắn nhãn.