Sự phát triển của thị trường chứng khoán, hay thị trường vốn, cũng đã góp phần giảm bớt áp lực đối với thị trường tiền tệ - hệ thống ngân hàng vốn đã quá tải trong giai đoạn 20 năm vừa qua. Không khó để nhìn nhận sự phát triển của thị trường chứng khoán thông qua các chỉ tiêu mang tính định lượng như vốn hóa, số lượng doanh nghiệp niêm yết, cơ sở nhà đầu tư, các sản phẩm đầu tư mới…v.v hay các cột mốc phát triển qua từng thời kỳ dưới góc nhìn vĩ mô từ nhà quản lý. Tuy nhiên, tại bài viết này, người viết muốn nhìn nhận sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, theo một tiêu chí mang tính định tính hơn, đó là tính chuyên nghiệp, và từ góc độ của một thành viên thị trường. Do đặc thù công việc, bài viết sẽ liên quan nhiều đến hoạt động môi giới, phân tích, tư vấn đầu tư đối với khách hàng tổ chức nước ngoài.
Nhìn một cách tổng quát nhất, trong giai đoạn 5 năm đầu 2000-2005, thị trường chứng khoán Việt Nam ở giai đoạn chập chững, số cổ phiếu niêm yết ít, quy mô nhỏ, số lượng thành viên thị trường còn hạn chế, và nhìn từ góc độ của nhà đầu tư nước ngoài thì khả năng tiếp cận thị trường còn rất hạn hẹp, nếu muốn nói là không có. Khi thị trường bắt đầu phát triển một cách bùng nổ trong giai đoạn 2006-2007, sự quan tâm đối với thị trường trở nên mạnh mẽ hơn, không chỉ từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, mà quan trọng hơn, là sự hấp dẫn của ngành chứng khoán đã lôi kéo được rất nhiều nguồn nhân lực trong ngành tài chính chuyển sang, bắt đầu một thời kỳ phát triển mới mang tính chuyên nghiệp hơn.
Báo cáo phân tích (research report)
Bắt đầu, đó là việc các công ty chứng khoán đã chú trọng hơn vào việc xây dựng đội ngũ phân tích và tư vấn đầu tư trong việc phục vụ khách hàng, chứ không chỉ đẩy mạnh phát triển môi giới hay đội ngũ đặt lệnh (trader). Các báo cáo phân tích bằng tiếng Việt, rồi sau đó có báo cáo bằng tiếng Anh, bắt đầu được phát hành với tần suất thường xuyên hơn từ các công ty chứng khoán Việt Nam, thay vì chỉ có từ các công ty chứng khoán có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các ngân hàng nước ngoài.
Tuy nhiên, giai đoạn này vẫn mang tính vừa học vừa làm, và cơ hội để học hỏi cũng khá hạn chế do ít có khả năng tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài để nắm bắt được các chuẩn mực quốc tế, còn hoạt động học/thi lấy chứng chỉ CFA cũng đã diễn ra nhưng chỉ mang tính tự phát.
Đến giai đoạn khó khăn của thị trường, 2009-2011, hoạt động tái cấu trúc của các công ty chứng khoán bắt đầu diễn ra mạnh mẽ hơn, trong đó tại một số công ty lớn đã có sự tách bạch rõ ràng giữa khách hàng tổ chức và khách hàng cá nhân, trong đó đặc biệt là các đội ngũ phân tích và tư vấn đầu tư cũng được chia thành 2 nhóm riêng biệt để phục vụ hai đối tượng khách hàng này. Thời kỳ của việc đầu tư mua gì thắng đó đã kết thúc từ 2008, và việc quay lại với các giá trị cơ bản, đầu tư giá trị được coi trọng hơn.
Việc cùng được làm việc chung với các tổ chức tài chính nước ngoài trong giai đoạn này cũng khiến cho chất lượng báo cáo phân tích được nâng lên, không chỉ về hình thức, mà còn đầy đủ nội dung và theo các phương pháp phân tích được công nhận, thay vì mang tính cảm tính. Đơn cử, báo cáo không đơn thuần đánh giá công ty theo các chỉ số đơn giản như PE quá khứ, mà còn đi theo phương pháp phân tích từ trên xuống (top-down approach), phân tích từ tình hình kinh tế nói chung, ngành, phải thảo luận, trao đổi với lãnh đạo công ty để tìm hiểu định hướng phát triển và xây dựng mô hình phân tích và định giá.
Trao đổi trực tiếp với khách hàng (interactions)
Tính chuyên nghiệp còn thể hiện ở việc hoạt động phân tích và tư vấn không chỉ dừng lại ở việc gửi báo cáo cho khách hàng, mà còn lên một tầm cao hơn là tương tác trực tiếp với khách hàng, đặc biệt là đối với khách hàng tổ chức nước ngoài. Trong thời kỳ đầu, đây có lẽ là một hoạt động quá khó khăn với cả hai bên do không chỉ hạn chế về khả năng ngôn ngữ, mà việc có tiếng nói chung trong hoạt động phân tích/đầu tư để có thể nói chuyện ngang tầm với các nhà quản lý quỹ nước ngoài. Từ mức độ giao tiếp được với các nhà quản lý quỹ gốc châu Á (có trụ sở tại Hong Kong, Singapore, Thái Lan), dần dần cũng nâng lên được việc vượt qua rào cản ngôn ngữ khi giao tiếp với các khách hàng châu Âu, Mỹ cũng là một chặng đường dài. Đến nay, theo thời gian, có thể thấy hoạt động này đã trở nên hiệu quả hơn, đặc biệt khi có sự bùng nổ về yêu cầu này từ phía khách hàng trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
Tính tuân thủ & minh bạch
Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường, hoạt động đảm bảo tuân thủ của các công ty chứng khoán nhiều khi còn vượt ra ngoài các quy định của Luật chứng khoán. Việc tuân thủ Luật chứng khoán là không đủ, và để có thể làm việc được với các tổ chức tài chính thế giới, các công ty chứng khoán cần phải tuân thủ thêm khá nhiều quy định chặt chẽ hơn. Đối với hoạt động phân tích và tư vấn đầu tư, trong thời gian đầu việc cung cấp thông tin cho khách hàng chỉ đơn thuần là càng nhiều thông tin càng tốt để hỗ trợ hoạt động đầu tư. Nhưng đến các giai đoạn sau này, khi đã làm việc chung với các tổ chức tài chính quốc tế và bắt đầu tiến hành phân phối báo cáo qua các kênh/nền tảng chuẩn của thế giới như Bloomberg, Reuters, FactSet… hay qua các công ty chứng khoán hàng đầu thế giới, thì việc tuân thủ các quy định về công bố thông tin (bao gồm việc công bố thông tin về xung đột lợi ích – ví dụ như chuyên gia phân tích có sở hữu cổ phiếu mà họ viết báo cáo hay không?), chuẩn mực về nội dung (ví dụ không được đưa ra các thông tin không chính thức – non-public information)… đã trở thành hoạt động hàng ngày. Không chỉ đối với các báo cáo phân tích, mà các hoạt động trao đổi trực tiếp với khách hàng (interactions, ví dụ như gặp gỡ trực tiếp, trao đổi qua điện thoại, tham dự các cuộc họp với công ty niêm yết, trao đổi về mô hình dự báo) cũng phải tuân thủ theo các chuẩn mực và được lưu trữ lại trên các platform chuẩn để theo dõi, đánh giá chất lượng.
Vào năm 2014, có một khách hàng nước ngoài có trò chuyện ngoài lề với người viết về việc thế giới đầu tư vào thời điểm đó luật sư mới là người quan trọng nhất, chứ không phải là các nhà quản lý quỹ - ý là nhấn mạnh vào yếu tố tuân thủ, chứ không phải giác quan thần thánh của các nhà quản lý quỹ. Vào thời điểm đó câu chuyện cũng giống như một chuyện đùa, nhưng chỉ vài năm sau, ngay tại thị trường Việt Nam, điều này dường như đã xảy ra trong thực tế. Một ví dụ là MiFID II (Markets in Financial Instruments Directive – Chỉ thị về thị trường các công cụ tài chính) của Liên minh châu Âu về minh bạch hóa thị trường lại âm thầm được áp dụng tại Việt Nam, do có rất nhiều các nhà đầu tư nước ngoài có trụ sở tại châu Âu/ hoặc do hoạt động đa quốc gia (cả ở châu Âu) nên thực hiện tuân thủ một cách toàn diện. Thế mới dẫn đến việc có lần nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu một nhóm phân tích và tư vấn đầu tư của Việt Nam không tiến hành việc trình bày về tình hình thị trường Việt Nam (vì lo ngại sẽ vi phạm MiFID II) và chỉ được nói chuyện về các chủ đề chung chung về việc hợp tác giữa hai bên. Và thế là, một quy định tưởng chừng như quá xa xôi đối với 1 thị trường cận biên như Việt Nam, lại khiến các công ty chứng khoán phải thay đổi mô hình hoạt động để có thể tuân thủ một cách toàn diện.
Để tạm kết luận, có thể nói, việc đạt được các tiêu chuẩn về tuân thủ, nâng cao tính minh bạch là một yếu tố cực kỳ quan trọng giúp thị trường Việt Nam có các bước tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới, đặc biệt sau khi Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Trong giai đoạn hiện nay, với các chính sách hiện tại, Việt Nam vẫn có thể được hưởng lợi từ việc là một thị trường cận biên được ưa thích (off-benchmark market – thường các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi vẫn có thể đầu tư 1 tỷ lệ nhất định vào các thị trường không nằm trong danh sách thị trường mới nổi – ví dụ 5% - và Việt Nam là một lựa chọn ưa thích trong số các off-benchmark market). Hơn nữa, việc có nhiều quỹ chuyên đầu tư vào thị trường Việt Nam (Vietnam dedicated fund) nên hoạt động xem xét đầu tư thường sẽ linh hoạt hơn, do các nhà đầu tư đã hiểu được cơ chế hoạt động của thị trường và sẽ linh hoạt hơn về các yêu cầu tuân thủ và minh bạch. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để có thể thu hút thêm dòng vốn từ các quỹ đầu tư lớn, chuyên nghiệp (ví dụ các mutual fund, pension fund..) vốn có tính tuân thủ rất cao thì không còn cách nào khác là mọi hoạt động trên thị trường đều phải tuân thủ các chuẩn mực và tập quán quốc tế, chứ không còn có sự nhân nhượng nhất định như trong giai đoạn hiện nay.
Công ty chứng khoán SSI