Theo đánh giá của giới chuyên gia và doanh nghiệp tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2021 vừa tổ chức hồi đầu tháng 12, các thương vụ M&A sẽ tiếp tục là hướng đi chính mà nhiều ông lớn trong ngành bất động sản nhắm đến để giải bài toán quỹ đất và phát triển dự án mới trong năm 2022.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ, bất chấp đại dịch khó lường, quy mô giá trị thị trường M&A Việt Nam vẫn đạt 8,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2021, tăng 18% so với năm 2020.
Trong đó, 58% tổng giá trị các giao dịch mua bán sáp nhập đến từ ngành hàng tiêu dùng thiết yếu. Bất động sản và tài chính với hơn 500 số thương vụ được công bố trong 10 tháng năm 2021.
Thị trường tiếp tục được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư nội địa. Đã có 1,6 tỷ USD được thực hiện bởi các nhà đầu tư trong nước trong 10 tháng năm 2021, trong đó, 1,13 tỷ USD được thực hiện bởi 5 công ty hàng đầu của Việt Nam và hai trong số đó là các tập đoàn bất động sản lớn như Vingroup, NovaLand.
Sức hút M&A ngày càng tăng tại Việt Nam được thể hiện một cách rõ nét không chỉ qua sự tăng trưởng của tổng giá trị giao dịch, mà còn qua giá trị bình quân trong mỗi giao dịch, ngày càng nhiều thương vụ có giá trị trên 100 triệu USD được ghi nhận.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực bất động sản, mua bán sáp nhập vẫn là cuộc chơi mà các thương hiệu lớn ưa chuộng để giải bài toán quỹ đất.
Ông Nguyễn Thái Phiên, Phó TGĐ Tập đoàn Nova Group cho biết, hiện nay chỉ khoảng 10-20% quỹ đất Novaland đang có là do tự phát triển, đền bù đất, còn lại đều là mua trên thị trường thứ cấp thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập.
“Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm và tăng giá, thủ tục triển khai dự án siết chặt, doanh nghiệp nào nắm giữ quỹ đất lớn sẽ trở thành sếu đầu đàn của thị trường”, ông Phiên nói.
Việt Nam đang có thay đổi về hành lang pháp lý khiến việc tái định cư, đền bù khó khăn hơn. Với các chủ đầu tư nước ngoài, tiêu chí luôn phải là đất sạch nên đây là thách thức lớn nhất. Nhưng với các thương vụ mua bán sáp nhập, các khó khăn này đang được giảm nhẹ.
Theo ông Trương An Dương, Giám đốc khối bất động sản nhà ở công ty Fraser Property Vietnam cho biết, hướng phát triển các năm tới đây của doanh nghiệp sẽ là bất động sản khu công nghiệp. Năm 2021 Fraser chỉ phát triển được 1 dự án nhà ở ở Thảo Điền, 2 tòa nhà văn phòng, 1 khu thương mại nhỏ để hoàn thiện mảnh ghép cuối cùng là phát triển khu công nghiệp ở Bình Dương.
Tuy nhiên, ông Dương nhận định, để chốt các thương vụ chuyển nhượng bất động sản thời điểm này là cực kỳ khó khăn, không chỉ do giá đất ở khu công nghiệp tăng nhanh mà thủ tục phức tạp và quỹ đất đẹp khó kiếm.
Mua bán sáp nhập được xem là phương thức hữu hiệu giúp những doanh nghiệp giàu tiềm lực có thể giảm bớt thời gian, chi phí trong việc tham gia thị trường, giúp các dự án đang gặp khó khăn được hồi sinh, gia tăng nguồn cung cho thị trường.
Theo các chuyên gia, đến thời điểm hiện tại, thị trường còn khá cẩn trọng, nhưng các hoạt động mua bán sáp nhập tại Việt Nam đang có vị thế tốt để phục hồi. Sức cầu bị dồn nén có khả năng sẽ đưa thị trường mua bán sáp nhập bật trở lại khi niềm tin tiêu dùng và niềm tin của các nhà đầu tư được cải thiện với các thông tin mới về việc phát triển vắc-xin ngừa và thuốc điều trị Covid-19.
Trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố cơ bản nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư, như cơ sở hạ tầng, đất đai, mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực. Hành lang pháp lý cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng không ngừng được hoàn thiện.
Sau khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2021, mới đây, Chính phủ cũng đã xây dựng và chuẩn bị trình Quốc hội xem xét dự án một luật sửa nhiều luật, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có hoạt động M&A.