Thị trường ô tô tháng 1/2018: Khan xe nhập, vỡ mộng giảm giá

Kết thúc tháng đầu tiên của năm 2018, thị trường ô tô Việt dù đã đạt mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nhưng từng đó vẫn chưa thể chứng tỏ sự nhộn nhịp sẽ quay lại trong năm nay.
Thị trường ô tô tháng 1/2018: Khan xe nhập, vỡ mộng giảm giá

Theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của thị trường ô tô Việt đạt 26.037 xe, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn giảm 7% so với tháng 12/2017. Trong tổng số 26.037 xe bán ra trong tháng 1/2018, phân khúc xe du lịch tiếp tục giữ được đà tăng trưởng mạnh mẽ 25% so với tháng trước, đạt 18.371 xe. 

Phân khúc xe du lịch có mức tăng trưởng như vậy trong tháng 1/2018 là điều có thể dự đoán trước khi nhu cầu mua sắm xe của người tiêu dùng thường rất cao do đây là khoảng thời gian cận kề dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, giá xe năm 2018 không giảm nhiều như kỳ vọng của nhiều người tiêu dùng cũng là lý do để khách hàng chịu xuống tiền tậu xe.

Ô tô nhập khẩu giảm mạnh do tác động của Nghị định 116

Trong khi đó, phân khúc xe thương mại và xe chuyên dụng so với tháng 12/2017 lại có xu hướng sụt giảm ở mức 2 con số, lần lượt là 38% (7.363 xe) và 78% (303 xe). Xét sự đối trọng giữa mảng lắp ráp và nhập khẩu nguyên chiếc, sản lượng bán hàng của các loại xe lắp ráp trong nước (CKD) đạt 20.586 chiếc, tăng 3% và lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) đạt 5.451chiếc, giảm 30% so với tháng trước.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm mạnh lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là do tác động của Nghị định 116 được ban hành vào tháng 10/2017 và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/1/2018. Cũng vì lý do này mà mới đây rất nhiều hãng xe như Toyota, Honda, Mitsubishi, Ford, Suzuki, GM... đã tuyên bố tạm thời ngừng nhập xe về Việt Nam.

So với cùng kỳ năm 2017, doanh số bán hàng toàn thị trường tháng 1/2018 vẫn đạt mức tăng 28%, trong đó doanh số bán hàng của mảng xe lắp ráp trong nước tăng tới gần 50% do người tiêu dùng gần như không có cơ hội lựa chọn các mẫu xe nhập khẩu.

Các mẫu xe lắp ráp trong nước cũng không kịp sản xuất để đáp ứng nhu cầu quá cao của thị trường

Nhìn chung, hầu hết các thương hiệu thuộc VAMA đều đã tăng trưởng về sản lượng tiêu thụ trong tháng đầu năm mới. Thaco vẫn giữ thị phần lớn nhất với 11.275 xe (bao gồm Kia, Mazda và Peugeot), chiếm 44,4%. Toyota dù giảm từ 27,1% xuống còn 20,2% nhưng vẫn là hãng xe đứng thứ 2 với 5.131 xe. Nối tiếp ngay sau đó là Ford với 2.443 xe, chiếm 9,6% và đứng thứ 4 là Honda với 1.775 xe, chiếm 6,9%.

Nhiều chuyên gia nhận nhận Nghị định 116 chỉ là giải pháp trong ngắn hạn. Tới đây, khi các đơn vị liên doanh ô tô hoàn tất các giấy tờ theo Thông tư 03 hướng dẫn thực hiện Nghị định 116, nguồn xe nhập khẩu phong phú hơn sẽ khiến doanh số bán của dòng xe lắp ráp trong nước khó có thể duy trì được mức tăng như hiện tại.

Theo Viettimes

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...