Thiên đường sa mạc Dubai chao đảo vì... mưa

Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất vừa trải qua trận mưa lớn chưa từng có để lại nhiều hậu quả. 

Thiên đường sa mạc Dubai chao đảo vì... mưa

Những ngày gần đây, thông tin về một trận mưa xối xả khiến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vốn nổi tiếng khô cằn rơi vào tình trạng hỗn loạn thu hút sự chú ý của dư luận toàn thế giới.

Cụ thể, các trận mưa đã khiến con đường cao tốc 12 làn xe của đất nước này tràn ngập ô tô bị mắc kẹt. Các trường học và doanh nghiệp buộc phải đóng cửa khiến phần lớn người lao động của đất nước bị mắc kẹt tại nhà.

Đáng nói, trước đây UAE vốn được biết đến với lối sống yên tĩnh, thoải mái. Nhưng những cơn mưa - với tần suất ngày càng tăng trong những năm gần đây - đã khiến mọi thứ trở thành cơn ác mộng hỗn loạn.

James Greenwood, một thợ cơ khí làm việc tại Dubai và đang điều hành một cửa hàng sửa chữa cho biết: “Thật là điên rồ. Tôi chưa bao giờ thấy nhiều ô tô bị mắc kẹt đến vậy”.

LỚN NHẤT TRONG 75 NĂM

Trung tâm Khí tượng Quốc gia của UAE cho biết tổng lượng mưa 256 mm (dù đã giảm trong tuần này) là mức nhiều nhất trong lịch sử 75 năm. Diana Francis, người đứng đầu Khoa Khoa học Môi trường và Địa vật lý tại Đại học Khalifa ở Abu Dhabi cho biết dòng nước lũ, chủ yếu xuất hiện vào thứ ba, tương đương với lượng mưa thường rơi ở nơi này trong khoảng một năm rưỡi.

“Đó là một lượng rất lớn”, Francis nói. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn do đặc điểm UAE có địa hình sa mạc, đất không hút nước, đường sá, cống rãnh và các cơ sở hạ tầng khác không được xây dựng để chống chọi với trận mưa như trút nước này.

Mưa đã tạnh nhưng hậu quả để lại chắc chắn sẽ còn kéo dài thêm vài ngày nữa. Cho tới thứ 5, đường phố vẫn ngập, ô tô bị bỏ lại gây cản trở giao thông và trường học phải nghỉ học cả tuần.

Hình ảnh và video trên mạng xã hội trong tuần này cho thấy những ngôi nhà bị ngập và người dân phải lội qua đường trong khi ô tô hầu như bị che lấp bởi nước. Dubai International, một trong những trung tâm hàng không bận rộn nhất toàn cầu, cũng là nơi Emirates, một trong những hãng hàng không đường dài lớn nhất thế giới neo đậu, đã bị gián đoạn chuyến bay lớn.

Nhiều video được lan truyền trên mạng xã hội X cho thấy hình ảnh đường băng ngập hoàn toàn trong nước. Chiếc máy bay trông giống một thủy phi cơ đang lướt trên mặt nước khi di chuyển trên các đường băng.

2-8983.jpg
Nhiều con đường chứng kiến lượng ô tô bị mắc kẹt lớn.

Rất nhiều du khách phải vạ vật tại sân bay, chờ chuyến bay hoặc rất khó khăn tìm cách di chuyển vào trung tâm khi taxi ngừng chạy và một số khu vực của tàu điện ngầm địa phương bị ngập lụt. Các cơ sở y tế cũng bị gián đoạn, nhân viên bảo vệ phải làm việc theo ca liên tục. Người dân dọn dẹp siêu thị, dự trữ thực phẩm vì lo ngại nguồn cung bị gián đoạn.

Liv Juele, một người giúp việc gia đình 40 tuổi đến từ Philippines cho biết tuần mưa là “một trải nghiệm khó quên”. Bà đã dành hai giờ đi bộ hơn một dặm qua vùng nước cao đến đầu gối sau giờ làm việc vào thứ ba và không thể quay lại nhà chủ vào ngày hôm sau để tiếp tục công việc.

Paul Macnamara – một bác sĩ phẫu thuật hông và đầu gối đến từ Anh đã buộc phải hủy hai ca phẫu thuật vì thời tiết. Anh đã cố gắng vượt qua những con đường ngập nước vào thứ tư để đến bệnh viện Dubai để phẫu thuật, nhưng nhà cung cấp bộ phận cấy ghép cần thiết cho thủ tục này không thể giao chúng. Thay vào đó, Macnamara để xe ở bệnh viện và đi bộ gần 6 dặm về nhà.

Đáng nói, những cơn mưa lớn đã mang mọi người trên khắp UAE lại với nhau!

Nhiều ngày qua, các tài xế sẵn sàng đón người lạ đưa về nhà, cứu họ khỏi xe ngập nước hoặc phát đồ ăn. Cả tuần, người dân đăng tải trên mạng xã hội về việc tìm kiếm chó, mèo bị lạc và thậm chí cả 1 con vẹt.

Trong một video được truyền thông địa phương đăng tải, một chiếc xe bán tải chạy dọc đường và bị ngập hoàn toàn. Sau đó, một nhóm người đàn ông lội ra ngoài và dùng búa đập vỡ cửa sổ trời của xe, điên cuồng kéo 1 hành khách ra ngoài.

Tới sáng thứ năm, một trong những chương trình phát thanh buổi sáng nổi tiếng nhất Dubai đã cố gắng giúp đỡ mọi người, truyền tải thông tin về những con đường bị ngập lụt.

Ross Burrill, một trong những người dẫn chương trình, cho biết buổi phát trực tiếp đã giúp kết nối người lái xe, có người đã phải ngồi bên đường 48 giờ đồng hồ, với phương tiện cứu hộ và những người có thể giao thức ăn và nước uống cho anh ta.

Trung tâm Khí tượng Quốc gia của UAE cho biết tổng lượng mưa 256 mm là mức nhiều nhất trong lịch sử 75 năm.

Burrill nói: “Đài phát thanh đang hỗn loạn nhưng chúng tôi chỉ đang cố gắng đảm bảo rằng mọi người đều được cập nhật tình hình”. Kể từ đó, anh ta đã đi khắp nơi trên chiếc xe gắn máy Vespa, nhặt những biển số bị trôi khỏi ô tô và đăng lên mạng, hứa sẽ trả lại cho chủ nhân của chúng.

“Các cuộc khủng hoảng tiết lộ sức mạnh của các quốc gia và xã hội”, Phó tổng thống Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum viết trên X.

Khi các trường học đóng cửa, trẻ em UAE tận dụng những cơn mưa như thể trẻ em ở Mỹ sẽ tận hưởng một ngày nghỉ học có tuyết rơi. Theo các đoạn video được đăng tải, một đứa trẻ đã lái chiếc mô tô nước nhỏ, thường được sử dụng ngoài bãi biển đầy cát của Dubai, đi vòng quanh một vũng nước lớn. Một cậu bé khác thì sử dụng mô tô và dây kéo để kéo một đứa trẻ trên ván lướt sóng xuống con phố ngập nước.

NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU?

Đáng nói, khi trận mưa như trút nước lần đầu tiên xảy ra, một số người dân UAE còn bắt đầu hỏi liệu đây có phải là kết quả của nỗ lực tạo mây mà chính phủ sử dụng trong những năm gần đây để khuyến khích nhiều mưa hơn ở đất nước vốn khô cằn sa mạc này hay không.

Trước đó, chính phủ UAE đã thực hiện quá trình bao gồm việc đưa máy bay bay vào các đám mây để tiêm hóa chất vào chúng giúp các giọt nước trở nên nặng hơn và tạo mưa.

Tuy nhiên, trung tâm Khí tượng Quốc gia của UAE (NCM) giải thích rằng hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như hiện nay không phải do nỗ lực “tạo mưa”. Các nhà khí tượng học đã dự báo sẽ có mưa trong nhiều ngày, điều này cũng ảnh hưởng đến các quốc gia khác ở Vịnh Ba Tư. Các chuyên gia thời tiết cho biết quy mô của trận mưa như trút nước không thể do mưa nhân tạo.

Omar Al Yazeedi, Phó tổng giám đốc NCM cho biết: “Chúng tôi không tiến hành bất kỳ hoạt động gieo mây nào trong thời tiết đặc biệt này. Bản chất của việc gieo mây nằm ở việc nhắm mục tiêu vào các đám mây ở giai đoạn sớm, trước khi có mưa. Tham gia vào các hoạt động gieo mây trong tình huống giông bão nghiêm trọng sẽ là vô ích”.

Trong khi đó, các chuyên gia cũng bác bỏ giả thuyết gieo mây là thủ phạm trận lũ lụt ở UAE. Maarten Ambaum, giáo sư vật lý và động lực học khí quyển tại Đại học Reading nói rằng “việc gieo mây được sử dụng cho những đám mây thường không tạo ra mưa… Thông thường bạn sẽ không gây ra một cơn bão nghiêm trọng từ việc đó”.

Ông Ambaum nói thêm: “Trong những năm 50 và 60, người ta từng nghĩ đến việc sử dụng phương pháp gieo mây để tạo ra những sự kiện thời tiết lớn hoặc thay đổi những sự kiện thời tiết lớn. Nhưng điều này từ lâu đã được công nhận là không có khả năng thực tế”.

Friederike Otto, giảng viên cao cấp về khoa học khí hậu tại Đại học Hoàng gia London nói với hãng tin Reuters rằng lượng mưa đang trở nên lớn hơn nhiều trên khắp thế giới khi khí hậu ấm lên vì bầu không khí ấm hơn có thể giữ được nhiều độ ẩm hơn. Bà Otto nói, thật sai lầm khi cho rằng việc tạo mây là nguyên nhân gây ra lượng mưa lớn.

Francis, giáo sư tại Đại học Khalifa ở Abu Dhabi cho biết, theo dữ liệu vệ tinh mà bà nghiên cứu để tạo ra một bài báo khoa học về chủ đề này, UAE đã trải qua mức độ và tần suất mưa lớn hơn trong hai thập kỷ qua.

Bà nói, xu hướng này có thể liên quan đến biến đổi khí hậu và “dự đoán mưa lớn sẽ tiếp tục trong những năm tới”.

4-3080.jpg
Trẻ em chơi đùa trên đường phố ngập nước.

Các chuyên gia cho biết, lượng mưa khổng lồ có lẽ là do hệ thống thời tiết bình thường đã trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.

Theo Esraa Alnaqbi, nhà dự báo cấp cao tại NCM, hệ thống áp suất thấp ở tầng trên bầu khí quyển, cùng với áp suất thấp ở bề mặt, đã hoạt động giống như một áp suất “ép” lên không khí. Lực ép đó, được tăng cường bởi sự tương phản giữa nhiệt độ ấm hơn ở mặt đất và nhiệt độ lạnh hơn ở trên cao, đã tạo điều kiện cho giông bão mạnh. Bà Alnaqbi nói thêm rằng biến đổi khí hậu cũng có thể góp phần gây ra cơn bão đổ vào UAE vừa qua.

Các nhà khoa học khí hậu cho biết nhiệt độ toàn cầu tăng cao do biến đổi khí hậu do con người gây ra đang dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn trên khắp thế giới, bao gồm cả mưa dữ dội.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…