Theo The Guardian, kết quả trên có thể dẫn đến "thảm họa" Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào, bất chấp những gì mà Thủ tướng Theresa May đã dày công đàm phán và nhất trí với các lãnh đạo EU cuối năm ngoái.
Nếu thỏa thuận Brexit được Hạ viện Anh thông qua thì nước này rất có thể rời EU vào ngày 22/5. Đây là hạn chót Hội đồng châu Âu ấn định cho tiến trình Brexit. Ngược lại, nếu Hạ viện tiếp tục bác bỏ thỏa thuận này thì Anh có khả năng sẽ đứng trước ba lựa chọn: rời EU vào ngày 12/4 mà không có thỏa thuận, kéo dài thời hạn Brexit hoặc tiến hành tổng tuyển cử.
Trong trường hợp thỏa thuận Brexit được thông qua trong khoảng thời gian sau ngày 29/3 và trước ngày 12/4, EU vẫn có thể đưa ra hạn chót ngày 22-5 cho tiến trình Brexit. Nếu việc trì hoãn thời hạn Brexit diễn ra trong thời gian dài, EU sẽ yêu cầu Anh tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra từ ngày 23 đến 26/5 tới.
Ngày 27/3, tiến trình Brexit càng rơi vào bế tắc hơn sau khi các nghị sĩ Anh thảo luận và bỏ phiếu về tám đề xuất mới cho Brexit nhưng không một đề xuất nào được thông qua. Trước đó cùng ngày, tại cuộc họp với Ủy ban 1922, Thủ tướng May đã tuyên bố với các nghị sĩ đảng Bảo thủ rằng bà sẽ từ nhiệm nếu họ ủng hộ thỏa thuận Brexit.
Nhận định tình hình hiện nay có thể khiến nước Anh rời EU mà không có thỏa thuận, Brussels ngày 28/3 đã triệu tập lãnh đạo 27 nước thành viên còn lại của EU để thảo luận về hai kịch bản: Brexit không thỏa thuận hoặc trì hoãn thời hạn Brexit. Hãng tin Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao EU cho biết, hội nghị bất thường của EU về Brexit rất có thể sắp diễn ra.
EU đã tuyên bố hàng loạt biện pháp nhằm hạn chế những sự gián đoạn nghiêm trọng nhất mà Brussels và London vẫn chưa giải quyết dứt điểm, đó là trao cho công dân Anh quyền tới khu vực EU mà không cần thị thực và quyết dịnh về ngân sách năm 2019 của khối này khi có hoặc không có sự tham gia của London.
>> Thủ tướng Anh sẵn sàng từ chức để cứu thoả thuận Brexit