Thời tiết thuận lợi, nhiều doanh nghiệp ngành điện "bội thu" trong quý 1/2025

Trong bức tranh kết quả kinh doanh quý đầu năm 2025 của ngành điện, diễn biến thời tiết, thủy văn là yếu tố then chốt định đoạt vận mệnh của nhiều doanh nghiệp...

Tính đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp ngành điện đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2025 với xu hướng tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước. Điểm chung trong báo cáo tài chính của nhóm doanh nghiệp này là sản lượng điện thương phẩm tăng nhờ điều kiện thủy văn cải thiện, góp phần kéo theo doanh thu và lợi nhuận đồng loạt tăng trưởng. Tuy vậy, vẫn có một trường hợp đi ngược xu hướng, ghi nhận khoản lỗ sau thuế.

LỢI NHUẬN TĂNG TRƯỞNG HAI CHỮ SỐ

Một trong những cái tên ghi nhận kết quả tích cực là Công ty Cổ phần Sông Ba (mã chứng khoán: SBA). Doanh thu quý 1 của công ty đạt 81 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.

Theo giải trình từ Sông Ba, việc tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận quý 1/2025 của công ty chủ yếu đến từ lưu lượng nước về hồ thủy điện cải thiện rõ rệt, giúp sản lượng điện phát tăng tới 23,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Diễn biến cổ phiếu SBA trong thời gian qua

Diễn biến cổ phiếu SBA trên sàn cũng cho thấy phản ứng dè dặt của thị trường khi quý 1/2025, mã này giảm gần 2%. Hiện tại giao dịch ở mức 29.700 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, Công ty Cổ phần Thủy điện Nước Trong (mã chứng khoán: NTH) cũng là một trong số ít doanh nghiệp được hưởng lợi từ điều kiện thủy văn thuận lợi. Doanh thu quý 1/2025 đạt 37 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 42%, lên 21 tỷ đồng. Công ty cho biết, lượng mưa trong khu vực cải thiện giúp sản lượng điện phát tăng rõ rệt, từ đó kéo theo doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng.

Trong năm 2024, NTH cũng đã có một năm tài chính kém khả quan khi doanh thu 107 tỷ đồng, giảm gần 7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 51 tỷ đồng, giảm hơn 7%. Tuy nhiên, trên sàn chứng khoán, mã NTH lại tăng gần 7% trong quý đầu năm, hiện giao dịch ở mức 54.500 đồng/cổ phiếu.

Khép lại năm 2024 với kết quả kinh doanh vượt chỉ tiêu, Công ty Cổ phần Đầu tư Điện lực 3 (mã chứng khoán: PIC) bước vào năm 2025 với đà tăng trưởng mạnh mẽ, tiếp tục củng cố vị thế trong ngành điện. Ngay trong quý đầu tiên của năm, doanh thu của PIC ghi nhận mức 41 tỷ đồng, cao hơn 36% so với cùng kỳ năm trước. Bức tranh tài chính thêm phần nổi bật khi lợi nhuận trước thuế đạt 17 tỷ đồng, tăng hơn 53%.

Theo giải trình của công ty, tình hình thời tiết tại khu vực nhà máy thuỷ điện Đăk Pône và Đa Krông 1 có mưa, thuận lợi cho hoạt động phát điện. Theo đó, tổng sản lượng điện thương phẩm quý 1/2025 đạt 28,72 GWh (tăng 47,51% so với cùng kỳ năm 2024) và doanh thu bán điện đạt 41,24 tỷ đồng (tăng 35,87% so với cùng kỳ năm 2024). Từ nguyên nhân trên, lợi nhuận sau thuế TNDN quý 1/2025 tăng 53,39% so với cùng kỳ năm 2024.

Thành công trong quý đầu năm không phải là điều quá bất ngờ nếu nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2024. Doanh nghiệp này đã đạt 121,89 tỷ đồng doanh thu, hoàn thành 103,55% kế hoạch năm. Trong đó, phần lớn đến từ hoạt động cốt lõi là bán điện với 116,73 tỷ đồng, phần còn lại là doanh thu tài chính và các khoản khác đạt 5,16 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 32,20 tỷ đồng, vượt 14,79% so với chỉ tiêu đặt ra.

Tâm lý tích cực từ kết quả kinh doanh cũng đã phần nào phản ánh lên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu PIC hiện đang giao dịch quanh mức 19.800 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức tăng 4,7% trong quý 1/2025.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp điện nào cũng có thể hưởng lợi từ điều kiện tự nhiên. Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện Miền Bắc 2 (mã chứng khoán: ND2) là một ví dụ tiêu biểu khi báo lỗ sau thuế hơn 3 tỷ đồng trong quý 1/2025, tăng mạnh so với mức lỗ 400 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái.

Công ty cho biết, lượng mưa trong khu vực thấp hơn đáng kể khiến sản lượng điện chỉ đạt hơn 5 triệu kWh, kéo theo doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm. Dù kinh doanh sa sút, cổ phiếu ND2 vẫn tăng 7,6% trong quý 1 và đang được giao dịch ở mức 42.000 đồng/cổ phiếu.

Bức tranh ngành điện quý 1/2025 sẽ không đầy đủ nếu không nhắc đến những “ông lớn” khác như Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (mã chứng khoán: REE) và Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (mã chứng khoán: QTP). Những doanh nghiệp này chưa có báo cáo tài chính quý 1/2025 chính thức, nhưng đã đưa ra những dự báo rất khả quan.

REE ước đạt doanh thu 2.183 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mảng điện đóng góp 1.259 tỷ đồng doanh thu, tăng 23% và 605 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 40%, nhờ sự phục hồi rõ nét của thủy điện. Tổng lợi nhuận sau thuế quý 1 của REE đạt 705 tỷ đồng, tăng 28%.

Trái ngược, Nhiệt điện Quảng Ninh tuy ghi nhận doanh thu quý 1 tăng nhẹ 4% lên 3.132 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 14%, còn 195 tỷ đồng. Nguyên nhân chính đến từ giá bán điện giảm 13% trong khi giá than đầu vào tăng 7%, tạo áp lực lớn lên biên lợi nhuận.

SẮP CĂNG THẲNG ĐIỆN KHU VỰC PHÍA BẮC?

Trong báo cáo mới công bố về triển vọng ngành điện năm 2025, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo tổng sản lượng điện cả nước sẽ ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 11,3% so với năm 2024. Đặc biệt, vào các tháng mùa khô – giai đoạn tiêu thụ điện thường tăng cao – sản lượng điện dự kiến tăng bình quân tới 13%.

Tăng trưởng tiêu thụ điện mạnh mẽ này diễn ra trong bối cảnh thời tiết năm 2025 được dự báo tiếp tục chịu tác động của hiện tượng La Nina. Theo Viện Nghiên cứu quốc tế về khí hậu và xã hội (IRI), La Nina có thể còn kéo dài trong năm tới trước khi chuyển dần sang trạng thái trung tính.

Ngành điện trong năm 2025 được dự báo sẽ tăng so với cùng kỳ năm 2024

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng đưa ra xác suất xảy ra La Nina trong quý I/2025 dao động từ 55% đến 65%. Điều này đồng nghĩa với việc thời tiết có thể diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng phát điện từ thủy điện – nguồn năng lượng vốn phụ thuộc nhiều vào điều kiện khí hậu.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện lại không ngừng leo thang. VCBS ước tính phụ tải đỉnh (Pmax) toàn hệ thống có thể lên đến 54,3 GW, riêng khu vực miền Bắc có thể đạt mức 28,2 GW – tiến sát ngưỡng công suất khả dụng của toàn bộ nguồn điện khu vực này, hiện chỉ vào khoảng 29 GW.

Đáng chú ý, trong giai đoạn cao điểm từ tháng 3 đến tháng 6/2025, tỷ lệ sản lượng dự phòng tại miền Bắc chỉ dao động từ 3-4%, mức thấp đáng lo ngại. Điều này cho thấy khả năng mất cân đối giữa cung và cầu là hoàn toàn có thể xảy ra nếu không có giải pháp điều hành kịp thời và hiệu quả.

Cùng chung nhận định về xu thế tăng trưởng phụ tải, Chứng khoán Tiên Phong (TPS Research) cũng dự đoán tiêu thụ điện toàn quốc trong năm 2025 có thể đạt ngưỡng 342,3 – 354 tỷ kWh, tương ứng mức tăng trưởng từ 10,5% đến 13% so với năm trước. Đây là mức tăng trưởng rất cao trong bối cảnh kinh tế phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là ở các lĩnh vực công nghiệp và xây dựng – vốn chiếm hơn một nửa tổng phụ tải điện cả nước (51,3%).

Có thể thấy năm 2025 sẽ là giai đoạn thử thách lớn với ngành điện Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng phụ tải nhanh chóng, cộng hưởng với ảnh hưởng không lường trước từ thời tiết, đang tạo ra áp lực lớn lên hệ thống truyền tải và điều độ điện, đặc biệt tại khu vực phía Bắc.

Có thể bạn quan tâm