Kết thúc phiên 15/4, chỉ số Dow Jones giảm 155,83 điểm (-0,38%) còn 40.368,96 điểm; S&P 500 mất 9,34 điểm (-0,17%) xuống 5.396,63 điểm và Nasdaq Composite trượt 8,32 điểm (-0,05%) thành 16.823,17 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, điển hình là Bank of America và Citigroup được đánh giá là “tia sáng” hiếm hoi trên Phố Wall trong phiên qua. Cả hai đều tăng mạnh sau đợt công bố kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, các lãnh đạo ngân hàng cảnh báo rằng chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ có thể đối mặt với rủi ro lớn nếu tình trạng xáo trộn do chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump tiếp diễn.
Một trong những yếu tố kéo chỉ số Dow Jones đi xuống là Boeing. Cổ phiếu này đã giảm 2,4% kể từ lúc Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết Trung Quốc đã ra lệnh cho các hãng hàng không trong nước ngừng nhận bàn giao thêm máy bay Boeing, để đáp trả việc Mỹ áp thuế 145% lên hàng hóa nước này.
Trong cùng ngày, Barclays đã hạ đánh giá đối với ngành ô tô và di chuyển tại Mỹ, cho rằng các mức thuế của ông Trump có thể gây áp lực lên lợi nhuận của các hãng xe. Cổ phiếu Ford giảm 2,7%, General Motors mất 1,3%.
Theo Hồ sơ của Cục Đăng ký Liên bang vào đầu tuần cho thấy chính quyền Trump đang tiến hành các cuộc điều tra đối với hàng nhập khẩu trong lĩnh vực dược phẩm và chất bán dẫn, một bước chuẩn bị cho các vòng áp thuế tiếp theo. Cổ phiếu Merck & Co trượt ngay 1%; Johnson & Johnson đóng cửa giảm 0,5% do không đạt kỳ vọng về doanh số thiết bị y tế, mặc dù vượt dự báo của Phố Wall về doanh thu và lợi nhuận quý 1/2025.
Giám đốc điều hành Johnson & Johnson cho biết chính sách ưu đãi sẽ là công cụ hiệu quả hơn để thúc đẩy năng lực sản xuất thuốc và thiết bị y tế tại Mỹ chứ không phải là thuế quan.
Thị trường đã chứng kiến một làn sóng hỗn loạn vào tuần trước khi Mỹ đưa ra tuyên bố về thuế quan đối ứng, làm dấy lên lo ngại về chiến tranh thương mại toàn cầu cũng như khả năng suy thoái kinh tế.
Mặc dù hoạt động giao dịch trong tuần này yên ắng hơn, nhưng nhà đầu tư vẫn chưa thể tập trung vào điều gì khác ngoài diễn biến thuế quan. “Lợi nhuận doanh nghiệp nhìn chung khá tốt, nhưng mối quan tâm hàng đầu hiện giờ là về chính sách thuế quan và thương mại. Vào những ngày không có yếu tố mới rõ rệt, thị trường sẽ trở nên mất phương hướng và đó là những gì đang xảy ra hôm nay”, ông Ross Mayfield, chiến lược gia đầu tư tại Baird cho biết.
Các công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý 1/2025 kết thúc ngày 31/3, nhưng những biến động gần đây đã khiến các lãnh đạo doanh nghiệp e ngại trong việc đưa ra kỳ vọng lợi nhuận.
Giới chiến lược gia cũng đang theo dõi sát sao biểu đồ kỹ thuật sau khi đường trung bình động 50 ngày của chỉ số S&P 500 cắt xuống dưới đường trung bình 200 ngày, tạo ra mô hình “death cross” (giao cắt tử thần), dấu hiệu cho thấy một đợt điều chỉnh ngắn hạn có thể chuyển thành xu hướng giảm dài hạn. Chỉ số S&P 500 hiện đã giảm 12,2% so với mức đóng cửa cao kỷ lục hôm 19/2 và giảm khoảng 8% tính từ đầu năm đến nay.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 15 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình khoảng 19 tỷ cổ phiếu mỗi phiên trong 20 ngày vừa qua.
GIÁ DẦU ĐI NGANG
Trên thị trường năng lượng, giá dầu gần như không đổi trong phiên khi giới đầu tư tiếp nhận các thông tin mới nhất về thuế quan và cố gắng đánh giá mức độ ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 21 cent, tương đương 0,3%, chốt ở mức 64,67 USD/thùng, trong khi dầu WTI của Mỹ giảm 20 cent, tương đương 0,3%, xuống còn 61,33 USD/thùng.
Chính sách thương mại thiếu nhất quán của Mỹ đã tạo ra sự bất ổn cho thị trường và khiến Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) phải hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đưa ra dự báo rằng nhu cầu dầu năm 2025 sẽ tăng với tốc độ chậm nhất trong vòng 5 năm, do lo ngại về tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng bởi thuế quan.
Cũng chính sự bất định đã khiến nhiều ngân hàng – bao gồm UBS, BNP Paribas và HSBC – đều hạ dự báo giá dầu thô trong ngắn và trung hạn. “Nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang, kịch bản xấu nhất, tức là suy thoái sâu tại Mỹ và kinh tế Trung Quốc “hạ cánh cứng”, có thể khiến giá dầu Brent rơi xuống khoảng 40–60 USD/thùng trong vài tháng tới”, chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của UBS nhận định.