Thông điệp gửi Chính phủ: Nền kinh tế đang đối mặt nhiều "dấu hiệu cảnh báo"

Mổ xẻ các động lực tăng trưởng năm 2021, tìm kiếm các dấu hiệu cảnh báo là cách các chuyên gia kinh tế gửi thông điệp tới Chính phủ mới được kiện toàn rằng, nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Thông điệp gửi Chính phủ: Nền kinh tế đang đối mặt nhiều "dấu hiệu cảnh báo"

Cảnh báo bong bóng tài sản 

Với sự thận trọng vốn có, TS. Tô Trung Thành của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, tình trạng dòng tiền đổ vào chứng khoán và bất động sản, cộng với giá cả ở các thị trường này tăng bất thường là điểm cần cảnh báo.

“Xem xét các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy, đã có dấu hiệu đáng lo ngại của hiện tượng bong bóng giá trị tài sản”, TS. Thành lý giải.

Dấu hiệu đầu tiên mà ông Thành nhắc đó, đó là tỷ lệ cung tiền M2/GDP và tín dụng/ GDP của Việt Nam đang lần lượt tiệm cận mốc 200% và 150%, vượt xa so với các nước trong khu vực ASEAN-5.

Thực tế, giới chuyên gia đánh giá, chính sách tiền tệ của Việt Nam thời gian qua đã đạt được những thành quả nhất định, đặc biệt là việc kiểm soát tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, ổn định tỷ giá, nâng cao tín nhiệm và giữ được sự ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại, chưa được giải quyết như mục tiêu đã đề ra. Tăng trưởng cung tiền và tín dụng cao hơn nhiều so với tăng trưởng kinh tế khiến sức ép lạm phát và bong bóng giá tài sản luôn thường trực.

Trong năm 2020, tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng tín dụng không thấp hơn quá nhiều, nhưng tăng trưởng kinh tế chỉ bằng chưa đầy 2/5 so với con số tăng trưởng trung bình của hai năm trước đó (năm 2018 và 2019).

“Rất có thể, một phần tăng trưởng tín dụng chỉ để giúp duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp, hơn là để tạo ra hàng hóa và dịch vụ mới”, ông Thành nhận định.

Thêm nữa, cũng có dấu hiệu cho thấy tăng trưởng tín dụng cao có thể là nhờ việc cơ cấu lại nợ, phát hành trái phiếu chính phủ và hoặc do tín dụng không trực tiếp đi vào sản xuất.

Ngoài ra, vai trò của sự mở rộng tiền tệ - tín dụng trong năm 2020 thiên về hỗ trợ đầu tư công và kéo dài sự tồn tại, chống đỡ hơn là thúc đẩy đầu tư tư nhân và tạo ra sự tăng trưởng mới của các doanh nghiệp.

Cùng với đó, lãi suất thực thấp, doanh nghiệp phụ thuộc nhiều và có hiệu quả tín dụng chưa cao và đặc biệt sức khỏe của các tổ chức tín dụng chưa thực sự lành mạnh... cũng được ông Thành nhắc đến là những nguyên nhân khiến dư địa chính sách tiền tệ hạn hẹp khi nền kinh tế gặp phải cú sốc cần hỗ trợ.

“Đây là những điểm rất cần cảnh báo ở mức cấp bách. Lúc này, chính sách tiền tệ cần thận trọng và phải đảm bảo hướng dòng tiền vào sản xuất, nếu không sẽ làm hạn chế tăng trưởng trong dài hạn”, TS Thành thẳng thắn.

Đặc biệt, nhóm chuyên gia nghiên cứu đến từ Đại học Kinh tế Quốc dân đang không thấy an tâm với tình trạng lợi nhuận của ngành ngân hàng năm 2020 tiếp tục tăng trưởng cao bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế.

“Các điều chỉnh chính sách tiền tệ trong năm 2020 đã giúp hạ các mức lãi suất thị trường, khoảng 1,3 điểm phần trăm đối với lãi suất huy động và khoảng 0,2 điểm phần trăm đối với lãi suất cho vay. Nhìn chung, lãi suất cho vay hiện đang giảm không tương xứng với sự giảm sút của lãi suất huy động”, ông Thành chia sẻ quan điểm.

Đây là lý do các chuyên gia đề xuất, trong giai đoạn khó khăn này, chính sách tiền tệ và công cụ lãi suất không phải là chính sách hiệu quả nhất, nên cố gắng giảm lãi suất tiền vay, tập trung hỗ trợ về mặt tài khóa thì tốt hơn trong ngắn hạn.

Tăng trưởng của Việt Nam dựa vào tín dụng nhiều, chưa huy động được nguồn lực trong dân, từ nhà đầu tư. Thay vào đó, nguồn lực tiết kiệm trong nền kinh tế không tập trung vào khu vực sản xuất mà dành nhiều cho các hoạt động phi sản xuất, đặc biệt là đầu tư bất động sản, chứng khoán, vàng, ngoại tệ...

Dư địa hạn hẹp của chính sách tài khoá

Trước khi COVID-19 xảy ra, Việt Nam được đánh giá đã có sự cải thiện nhẹ về tài khóa trong giai đoạn 2016 - 2019 so với giai đoạn 2011 – 2015, tuy thâm hụt ngân sách vẫn kéo dài trong cả thập kỷ qua. Việc duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá trong giai đoạn 5 năm qua cũng khiến tỷ lệ nợ công/GDP sau khi đạt đỉnh vào năm 2016 đã có xu hướng giảm dần.

Tuy nhiên, quy mô nợ gia tăng đang khiến nghĩa vụ trả nợ/thu ngân sách tăng nhanh và ước tính đã chạm mức trần 25% cho phép bởi Quốc hội trong năm 2020. So với các quốc gia trong khối ASEAN-5, Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ nợ công/GDP cao nhất. Tỷ lệ này của Việt Nam là gần gấp đôi so với Indonesia, gần gấp rưỡi so với Philippines hay Thái Lan.

Thâm hụt ngân sách dai dẳng, chi tiêu ngân sách nhà nước cao với cơ cấu bất hợp lý, tỷ lệ thu ngân sách nhà nước/GDP và tỷ lệ nợ công/GDP cao là những đặc điểm khiến cho dư địa chính sách tài khóa của Việt Nam rất hạn hẹp. “So với các nước trong khối ASEAN-5, dư địa này là thấp nhất”, TS. Thành nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhìn vào các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế năm 2021, được xác định tiếp tục đến từ khu vực kinh tế đối ngoại (gốm khu vực FDI, hoạt động xuất- nhập khẩu) và đầu tư công, dư địa tài khóa không còn nhiều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng mở rộng đầu tư công để tăng trưởng.

Năm ngoái, tổng vốn đầu tư toàn xã hội là khoảng 2.164,5 nghìn tỷ đồng, bằng 34,4% GDP, thì vốn khu vực nhà nước đạt 729 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,7% tổng vốn, tăng 14,5% so với năm trước đó. Đây là khu vực duy nhất có tăng tỷ lệ đóng góp vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2020, được cho là kết quả của việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Trong năm nay, theo các chuyên gia, để tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục cập nhật, tổng hợp phương án cắt giảm vốn của các bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp so với kế hoạch để điều chuyển cho các dự án quan trọng; cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh vốn đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương và các dự án khẩn cấp khác. Cũng phải nói thêm, động lực từ khu vực FDI cũng đang được nhìn thấy tiềm ẩn nhiều bất định khi tốc độ tăng trưởng khu vực này phụ thuộc nhiều vào cú sốc từ bên ngoài và khả năng hồi phục còn bất định của kinh tế thế giới.

“Quan điểm của chúng tôi cho rằng, đầu tư công cũng sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng 2021, bù đắp cho đầu tư khu vực ngoài Nhà nước khó khăn do đại dịch. Chính sách tài khóa cần được chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm”, TS.Thành nói.

Ổn định kinh tế vĩ mô không phải là mục tiêu xa vời

Không phải ngẫu nhiên, Báo cáo kinh tế Việt Nam năm 2021 được đưa ra ngay thời điểm Chính phủ đang được kiện toàn. “Chúng tôi muốn gửi tới Chính phủ mới được kiện toàn thông điệp là, để phần bổ nguồn lực một cách tốt nhất, điểm quan trong nhất với các chính sách ngắn hạn là phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là điểm mấu chốt, không được thay đổi”, TS. Tô Trung Thành nói khi được hỏi về thông điệp gửi tới Chính phủ.

Quan điểm của ông cũng như các cộng sự nhất quán ở chỗ, dù thế nào đi chăng nữa, quyết tâm về mặt chính trị liên quan đến đổi mới về mặt dài hạn, đổi mới mô hình tăng trương theo hướng dựa vào đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phải được Chính phủ tiếp tục quan tâm, tổ chức thực hiện. Vì các chuyên gia cho rằng, trong điều hành kinh tế, có thể Chính phủ sẽ đối mặt với những bài toán đòi hỏi sự đánh đổi giữa mục tiêu dài hạn và ngắn hạn.

Là chuyên gia tham gia nghiên cứu cùng với TS. Tô Trung Thành về Kinh tế năm 2020 và dự báo kinh tế 2021, TS Phạm Thế Anh cho rằng, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô phải được đặt hàng ưu tiên của Chính phủ trong điều hành kinh tế vào lúc này. “Giữ ổn định kinh tế vĩ mô không phải là mục tiêu xa vời trong dài hạn, mà nó phải ứng ngay với chất lượng tăng trưởng trong ngắn hạn. Thành tựu của kinh tế Việt Nam đạt được trong những năm vừa qua đều nhờ giữ được sự ổn định này khiến tỷ lệ lạm phát được kiểm soát tốt, tỷ giá ổn định, nợ công có xu hướng tiết chế được... Nhưng trước ảnh hưởng của đại dịch, những thành tựu đó đang bị đe dọa”. TS. Thế Anh lo ngại.

Rất có thể một phần tăng trưởng tín dụng chỉ để duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp hơn là để tạo ra hoàng hoá và dịch vụ mới

TS. Tô Trung Thành

Câu chuyện cụ thể được TS. Thế Anh nhắc đến là sự thiếu nhất quán trong chính sách khuyến khích đầu tư vào điện mặt trời. Khi Chính phủ khuyến khích, nguồn lực đầu tư đổ vào điện mặt trời, điện gió tăng mạnh. Nhưng chỉ sau 1 năm, vấn đề nảy sinh là cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ đầu tư, dẫn đến các vấn đề về hòa lưới điện..., chính sách buộc phải thay đổi với các quyết định tạm dừng...“Chỉ một ví dụ để thấy, nguồn lực trong nền kinh tế sẽ không được khai thác hiệu quả, không đến được đúng địa chỉ nếu thấy cơ chế bất ổn, ngắn hạn”. Ông Thế Anh phân tích. 

Sự bất ổn này cũng là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng của Việt Nam dựa vào tín dụng nhiều, chưa huy động được nguồn lực trong dân, từ nhà đầu tư. Thay vào đó, nguồn lực tiết kiệm trong nền kinh tế không tập trung vào khu vực sản xuất, mà dành nhiều cho các hoạt động phi sản xuất, đặc biệt là đầu tư bất động sản, chứng khoán, vàng, ngoại tệ...

“Giữ được ổn định kinh tế vĩ mô mới giữ được nguồn lực đổ vào sản xuất kinh doanh”, TS. Phạm Thế Anh khuyến nghị. 

Xem thêm

Không biết tin vào đâu để điều hành kinh tế vĩ mô

Không biết tin vào đâu để điều hành kinh tế vĩ mô

Số liệu thống kê không chuẩn xác, không những cản trở việc đưa ra những quyết định điều hành của chính phủ, mà còn cản trở khả năng vận hành của nền kinh tế, khi nó đưa ra những phân tích và dự đoán s
Kinh tế vĩ mô chuyển biến tích cực

Kinh tế vĩ mô chuyển biến tích cực

Báo cáo tình tình kinh tế - tài chính tháng 01/2018 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, tình hình sản xuất những tháng cuối năm 2017 và tháng đầu năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...