Không biết tin vào đâu để điều hành kinh tế vĩ mô

Số liệu thống kê không chuẩn xác, không những cản trở việc đưa ra những quyết định điều hành của chính phủ, mà còn cản trở khả năng vận hành của nền kinh tế, khi nó đưa ra những phân tích và dự đoán s
Không biết tin vào đâu để điều hành kinh tế vĩ mô
Số liệu thống kê không chuẩn xác, không những cản trở việc đưa ra những quyết định điều hành của chính phủ, mà còn cản trở khả năng vận hành của nền kinh tế, khi nó đưa ra những phân tích và dự đoán sai lệch về hiệu quả kinh tế của các dự án đầu tư quy mô lớn.
Đó là lời cảm thán của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trong buổi làm việc với Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành vào ngày 16.8 vừa qua, khi nhận xét về sự thiếu chính xác của các số liệu thống kê về tình trạng của nền kinh tế Việt Nam. Theo Phó thủ tướng, chưa nói đến những số liệu thống kê kinh tế vĩ mô quan trọng, mà ngay cả những thống kê tưởng như đơn giản nhất cũng không chuẩn xác. Điển hình như số liệu thịt heo xuất khẩu, số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 200.000 tấn, trong khi số liệu của Bộ Công thương thì lên tới 300.000 tấn. Số liệu thống kê không chuẩn xác, không những cản trở việc đưa ra những quyết định điều hành kinh tế của chính phủ, mà còn cản trở khả năng vận hành của nền kinh tế, khi đưa ra những phân tích và dự đoán sai lệch về hiệu quả của các dự án kinh tế quy mô lớn. Một chủ doanh nghiệp không thể điều hành công ty của mình nếu không nắm được chính xác số liệu cần thiết; với một nền kinh tế cũng tương tự.
Lời nhận xét của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: “Chúng tôi không biết tin vào con số nào để điều hành kinh tế vĩ mô”, có lẽ không chỉ có nội dung gói gọn trong phạm vi các số liệu của Tổng cục Thống kê, mà còn hướng đến việc không thể đưa ra những phân tích và dự đoán chính xác về hiệu quả của các dự án quy mô lớn trong nền kinh tế Việt Nam nhiều năm qua. Không phải ngẫu nhiên khi tình trạng “đếm cua trong lỗ” xuất hiện một cách thường xuyên, liên tục trong rất nhiều dự án lớn của Nhà nước, gây thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng do những đánh giá hiệu quả kinh tế không chính xác. Khi đưa trình dự án để xét duyệt và thông qua, hầu như báo cáo nào cũng khả quan với những con số lợi nhuận rất lớn; nhưng đa phần sau đó đều rơi vào diện làm ăn thua lỗ, tạo ra những khoản nợ khổng lồ cho ngân sách và đất nước.Có thể nói, tình trạng này đã trở thành một căn bệnh trầm kha diễn ra trong nền kinh tế Việt Nam nhiều năm qua, và hiện vẫn đang tồn tại ở không ít các dự án có quy mô cực lớn. Điển hình gần nhất có thể kể tên là dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư 9 tỉ USD tại Thanh Hóa. Theo thông tin đăng tải từ báo cáo đánh giá tác động của dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đối với ngân sách nhà nước do Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) thực hiện, thì khi dự án này đi vào hoạt động, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) sẽ phải bù lỗ bình quân 80-110 triệu USD/năm, tương đương khoảng 1.800-2.500 tỉ đồng/năm, chưa tính đến khoản hỗ trợ trực tiếp 3.833 tỉ đồng để đầu tư các công trình bên trong nhà máy. Sở dĩ có tình trạng đó là do cam kết của Chính phủ dành cho dự án này là cơ chế thuế nhập khẩu 7% đối với các sản phẩm lọc dầu, 5% với LPG và 3% với sản phẩm hóa dầu. Cùng với đó là bảo lãnh nghĩa vụ Petro Vietnam bao tiêu sản phẩm của cụm nhà máy.Điều này dẫn tới một số tác động không thực sự tích cực về khía cạnh tài chính. Về tác động tới ngân sách nhà nước, khi dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, tổng thu ngân sách sẽ giảm do số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm. Cụ thể, năm 2017 thu ngân sách dự kiến sẽ giảm 1.377 tỉ đồng, năm 2018 là 10.929 tỉ đồng, năm 2019 là 10.632 tỉ đồng và năm 2020 sẽ giảm 14.110 tỉ đồng. Về tác động tới Petro Vietnam, thì dự kiến sẽ phải bù lỗ cho dự án này 1,54 tỉ USD/10 năm (nếu giá dầu ở mức 45 USD/thùng), nó sẽ tăng lên mức 1,8 tỉ USD/10 năm (nếu giá dầu ở mức 50 USD/thùng) và 2 tỉ USD/10 năm (nếu giá dầu ở mức 70 USD/thùng). Nguyên nhân chủ yếu cho mức bù lỗ cao ngất ngưởng này là cam kết bảo lãnh nghĩa vụ bao tiêu sản phẩm của Petro Vietnam với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), là đơn vị đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động trên, lại cho rằng thông tin dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn khi đi vào hoạt động sẽ làm ảnh hưởng đến ngân sách là không chính xác vì đó mới chỉ là số liệu tính toán bước đầu, và chưa có đủ dữ liệu để có thể khẳng định dự án kém hiệu quả về kinh tế. Cụ thể, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước cho biết: “Để có con số cuối cùng thì phải dựa vào đầy đủ nguồn dữ liệu liên quan. Cụ thể là thông tin từ Tập đoàn Petro Vietnam, thông tin giá dầu, các đối tác, chi phí hạch toán của nhà máy như thế nào, chứ giờ vẫn đang trong quá trình xây dựng thì chưa thể chính xác và cũng không thể đưa vào bình luận, nhận định được”.Tóm lại, vì dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn đang ở trong quá trình xây dựng và chưa đi vào vận hành nên chưa thể có con số thống kê chính xác về hiệu quả kinh tế. Nói cách khác, chỉ khi nào nhà máy đi vào vận hành và có đầy đủ các số liệu cần thiết thì mới biết được chính xác dự án này là lỗ hay lãi, và có ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước hay không. Phát biểu này vì thế đồng nghĩa với việc, Việt Nam trên thực tế đã chấp thuận cho tiến hành một dự án có trị giá lên tới 9 tỉ USD (và là một trong những dự án có tổng vốn đầu tư lớn nhất trong nền kinh tế nhiều năm qua) mà không biết được rằng hiệu quả kinh tế của nó.Đúng là nếu cần đánh giá một cách chính xác nhất có thể hiệu quả kinh tế của dự án thì phải chờ đến khi đi vào hoạt động và có các số liệu cụ thể, nhưng rõ ràng để đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế của dự án là lỗ hay lãi thì đó lại là việc cần tiến hành ngay từ giai đoạn thẩm định dự án trước khi xét duyệt. Không thể có tình trạng chấp thuận một dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 9 tỉ USD mà không biết nó có đem lại hiệu quả kinh tế hay không, kể cả khi dự án đó có một số mục đích khác như đảm bảo an ninh năng lượng và phục vụ các ngành công nghiệp phụ trợ trong nền kinh tế (như dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn) đi nữa.Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn không phải là trường hợp duy nhất rơi vào diện được chấp thuận đầu tư mà không thể chắc chắn về hiệu quả kinh tế, mà đó là một căn bệnh nghiêm trọng đang lan tràn trong nền kinh tế. Hàng loạt các dự án ngàn tỉ bị đắp chiếu hoặc sắp phá sản được liên tiếp đưa tin trong thời gian vừa qua là những ví dụ điển hình. Nói cách khác, nền kinh tế Việt Nam đang như một màn sương mù dày đặc. Chúng ta không những không biết mình đang đứng ở đâu, mà còn không biết mình sẽ phải đi về đâu. Một chủ doanh nghiệp mà không nắm chắc các số liệu cần thiết của công ty mình thì sẽ dễ rơi vào cảnh làm ăn thua lỗ và phá sản và với một nền kinh tế cũng thế.

Nhàn Đàm /MTG

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…