Thống kê kinh tế ngầm vào GDP: 'Dù khó vẫn phải quyết tâm thực hiện'

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tính thêm khu vực kinh tế chưa được quan sát vào quy mô GDP là cần thiết, dù khó nhưng vẫn phải quyết tâm thực hiện để có được một nhận định rõ và đầy đủ hơn về quy mô
Thống kê kinh tế ngầm vào GDP: 'Dù khó vẫn phải quyết tâm thực hiện'

Cần thiết hay không?

Việc Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư khẩn trương hoàn thiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát để biên soạn số liệu thống kê phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn quy mô của nền kinh tế và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đang tiếp tục là chủ đề nóng được dư luận hết sức quan tâm.

Có khá nhiều quan điểm tranh luận xung quanh quyết định thống kê toàn bộ khu vực kinh tế chưa được quan sát vào quy mô của nền kinh tế. Trong đó, không ít ý kiến cho rằng, việc tính cả khu vực kinh tế chưa được quan sát vào quy mô của nền kinh tế là cần thiết. Tuy nhiên, việc thực hiện là không hề dễ dàng và sẽ không đơn giản để thống kê được khu vực kinh tế này.

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và đầu tư) nhìn nhận, đề xuất của Chính phủ về việc thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát được vào quy mô của nền kinh tế là hoàn toàn đúng đắn.

“Khu vực kinh tế này chiếm một tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế. Lâu nay chúng ta đều biết đến việc này, song hiện chưa có cách nào làm được. Bởi muốn thống kê được khu vực kinh tế này cần phải có các hệ thống quản lý, quy định xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương”, ông Hồ nhấn mạnh.

Khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm 5 thành tố: Hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế phi pháp, hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát, hoạt động kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu, hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản.

Trong khi đó, đối với việc thống kê hiện nay, mặc dù đã có quy chế rõ ràng nhưng các địa phương vẫn chưa thể làm hết nhiệm vụ thống kê, không chấp hành nghiêm túc việc cung cấp số liệu để báo cáo lên Tổng cục Thống kê.

Những chỉ tiêu rất quan trọng còn như vậy thì việc thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát, kinh tế ngầm càng khó khăn hơn rất nhiều lần, vị chuyên gia này cho hay.

Bên cạnh đó, tại Việt Nam, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất hộ gia đình rất nhiều, các cơ quan quản lý cần có thời gian, không phải ngay trong một thời gian ngắn là thống kê và quản ký hết được.

Quan trọng hơn theo TS. Lưu Bích Hồ, phải đánh thuế được, phải quản lý được đối với các khu vực kinh tế này thì mới nên đưa vào số liệu thống kê.

"Dù khó nhưng vẫn phải quyết tâm thực hiện để có được một nhận định tương đối rõ hơn và đầy đủ hơn về quy mô của GDP và quy mô của nền kinh tế", nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển khẳng định.

Đồng quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, việc tính thêm khu vực kinh tế chưa được quan sát vào quy mô của nền kinh tế sẽ giúp giảm được việc trốn thuế, lậu thuế, giảm hàng giả hàng nhái trên thị trường hiện nay.

Theo ông Doanh, hiện kinh tế hộ gia đình chiếm một tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế nhưng không có thương hiệu, không có năng lực cạnh tranh quốc tế, không được thống kê trong GDP.

Do đó, cần khuyến khích các hộ gia đình phát triển lớn mạnh để trở thành các doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho đơn vị kinh doanh này nộp thuế, đóng góp vào năng lực cạnh tranh quốc gia.

Để thực hiện việc quản lý khu vực kinh tế này, ông Doanh cho rằng, cách tốt nhất là áp dụng Chính phủ điện tử, quản lý việc kinh doanh bằng điện tử, hoá đơn điện tử. Có như vậy mới có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động công khai, minh bạch.

Cân nhắc kỹ nếu tăng nợ công

Trước nhiều ý kiến cho rằng, việc tính thêm khu vực kinh tế chưa được quan sát vào quy mô của nền kinh tế, để từ đó làm cơ sở để tăng nợ công, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, việc dựa vào việc tăng GDP để tăng nợ công, thay đổi trần nợ công là chưa thực sự xác đáng.

Mặc dù nợ công và GDP có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nhưng nợ công không chỉ thuần tuý dựa vào GDP. Nợ công có an toàn hay không là ở khả năng trả nợ, mức chi để trả nợ trong chi tiêu ngân sách ở mức nào.

Do đó, cần hết sức thận trọng, cân nhắc kỹ trước việc tăng nợ công. Bởi hiện nay Việt Nam vẫn phải kiên quyết khống chế vay nợ công do khả năng trả nợ của ngân sách còn hạn chế. Nếu tăng nợ công sẽ là tăng thêm rủi ro cho nền kinh tế, ông Hồ nhấn mạnh.

Về vấn đề này, TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, nếu dựa vào việc GDP to ra để tăng nợ công chỉ là "thủ thuật" có tính ngắn hạn.

Về dài hạn, để phát triển nền kinh tế, Việt Nam cần tinh gọn bộ máy quản lý hành chính cồng kềnh, giảm chi phí cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể phát triển, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Với nền kinh tế mở cửa như hiện nay, “đồng tiền có chân”, doanh nghiệp thấy môi trường đầu tư trong nước không thuận lợi, họ sẽ lập tức sang nước khác đầu tư, Việt Nam sẽ mất người tài, không thu được thuế.

Do đó, Nhà nước muốn có nguồn thu tối đa thì phải thu ở mức vừa phải để doanh nghiệp có lãi, tạo nguồn thu dài hạn. Còn nếu thu hết, doanh nghiệp không sống được, Nhà nước đương nhiên sẽ không còn nguồn thu nữa, ông Doanh nhấn mạnh.

Theo The Leader

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...