Thủ tướng Phạm Minh Chính: Người đứng đầu chịu trách nhiệm toàn diện về giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ triển khai công việc sau khi được kiện toàn nhân sự tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Người đứng đầu chịu trách nhiệm toàn diện về giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ khẩn trương xử lý, giải quyết ngay công việc, bảo đảm liên tục, thông suốt; sớm kiện toàn cấp ủy, tổ chức đảng và công tác nhân sự; tiếp tục kế thừa, tập trung xây dựng Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, không phô trương, hình thức; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; bảo đảm mọi người dân đều có cơ hội tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận, Chính phủ quyết nghị nhiều nội dung quan trọng.

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; bảo đảm mọi người dân đều có cơ hội tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; phát triển thị trường thương mại, du lịch trong nước; phát triển ổn định, bền vững thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước bằng thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả. Bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, quan tâm hơn nữa đến an sinh xã hội và đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. 

Về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, việc xây dựng Chương trình phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, yêu cầu phát triển và tình hình thực tế đất nước. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương cùng các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện, trong đó thể hiện rõ các nhiệm vụ, đề án lớn cần triển khai thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, khả thi; thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược; trình Chính phủ ngay tại Phiên họp thường kỳ tháng 4/2021 để ban hành.

Về tổng kết Quy chế làm việc của Chính phủ: Chính phủ thống nhất cần sớm tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện để sửa đổi, bổ sung Quy chế, bảo đảm kế thừa những ưu điểm, khắc phục những hạn chế, bất cập, bám sát tình hình và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Trước mắt, yêu cầu các thành viên Chính phủ quán triệt thực hiện theo hướng: Đoàn kết, thống nhất cao; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ giải quyết những việc thuộc thẩm quyền; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân gắn với đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; đề cao trách nhiệm cá nhân của thành viên Chính phủ, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, bảo đảm chất lượng và thời hạn xử lý công việc. Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì khẩn trương tổng kết đánh giá và sửa đổi Quy chế, trình Chính phủ.

Về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các Bộ, cơ quan, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua, xác định rõ khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đề xuất những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, khả thi để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất, tập trung cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm; đồng thời bảo đảm mục tiêu, chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định của pháp luật và tránh sai phạm.

Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì tiếp tục rà soát kỹ, toàn diện hệ thống pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Yêu cầu các bộ, cơ quan khẩn trương xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được phân công; không để nợ, chậm, chất lượng kém khi ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành pháp luật.

“Có những văn bản mới ban hành nhưng không đi vào thực tiễn cuộc sống thì chúng ta cũng đề xuất, tháo gỡ, không để ách tắc. Không cầu toàn, không nóng vội, không câu nệ, bám sát thực tiễn, lấy hiệu quả làm thước đo”, Thủ tướng phát biểu.

Có thể bạn quan tâm