Thua lỗ nặng, PRT bị cưỡng chế thuế hơn 144 tỷ đồng

Làm ăn thua lỗ, nợ thuế, công ty có vốn hoá ngàn tỷ bị cưỡng chế thuế hơn 100 tỷ đồng và phong tỏa tài khoản...

Cục thuế Tỉnh Bình Dương ra Quyết định cưỡng chế về thuế đối với PRT
Cục thuế Tỉnh Bình Dương ra Quyết định cưỡng chế về thuế đối với PRT

Cục thuế Tỉnh Bình Dương ra Quyết định về việc cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/ yêu cầu phong tỏa tài khoản đối với Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương - Công ty cổ phần (mã chứng khoán: PRT) do phía đơn vị nợ tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp tiền thuế đã quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế. Số tiền bị cưỡng chế lên tới hơn 144 tỷ đồng.

Căn cứ theo quyết định cưỡng chế của cục Thuế thì Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương sẽ có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản/ phong tỏa tài khoản của PRT lập tại ngân hàng với số tiền thuế nêu trên và nộp vào tài khoản số 7111 mở tại Kho bạc tỉnh Bình Dương.

Nếu số tiền trong tài khoản của PRT thấp hơn số tiền bị cưỡng chế thì phía ngân hàng sẽ phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi, trích tiếp số tiền phát sinh có trên tài khoản của người nộp thuế trong thời gian quyết định có hiệu lực.

Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (PRT) tiền thân là Xí nghiệp sản xuất hàng cao su 3-2 Sông Bé, được thành lập theo Quyết định số 06/QĐ-TU ngày 20/10/1982 của Tỉnh ủy Sông Bé.

PRT được phê duyệt cổ phần hóa năm 2017 với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và đến tháng 3/2018 đã chào bán thành công 30 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với giá bình quân 17.474 đồng/cổ phiếu, cao hơn 46% giá khởi điểm.

Về hoạt động sản xuất kinh doanh, căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ đã soát xét 2023, PRT ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 418 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ.

Giá vốn hàng bán 6 tháng đầu 2023 ở mức 363 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 87% doanh thu, trong khi 6 tháng đầu 2022 thì giá vốn chỉ chiếm hơn 65%. Hoạt động của các công ty liên doanh, liên kết trong nửa đầu 2023 ghi nhận con số âm, lỗ hơn 9 tỷ đồng so với cùng kỳ 2022 danh mục này đem lại lợi nhuận hơn 66 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp 6 tháng đầu 2023 lại ở mức 88 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ

Doanh thu giảm, chi phí tăng dẫn tới lợi nhuận sau thuế thu nhập âm. PRT ghi nhận lỗ ròng hơn 49 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt hơn lãi ròng hơn 230 tỷ đồng.

Tổng kết lại, tới thời điểm kết thúc bán niên, PRT chỉ hoàn thành được 29% kế hoạch về doanh thu, kế hoạch về lợi nhuận còn phải trông đợi vào nửa sau 2023.

Hiện tại, PRT đang phải tiếp tục nộp phạt liên quan tới vụ án “Vi phạm Quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tham ô tài sản” về hành vi áp đơn giá đất để thu tiền sử dụng đất tại các Khu đất 43ha và Khu đất 145 ha.

Dựa theo Bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội và Bản án phúc thẩm của Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội, văn bản chậm nộp của Cục thuế Tỉnh Bình Dương liên quan đến tiền sử dụng đất theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước thì tổng số tiền PRT phải nộp liên quan đến vụ án là hơn 1.060 tỷ đồng.

Số tiền đã nộp đến thời điểm 30/06/2023 là 919,5 tỷ đồng trong đó số tiền PRT đã nộp và được khấu trừ là 791,137 tỷ đồng và 128,356 tỷ đồng là số tiền các cá nhân có liên quan nộp khắc phục hậu quả được khấu trừ vào nghĩa vụ của PRT theo Quyết định của Cục thi hành án thành phố Hà Nội.

Ở một diễn biến khác, ông Nguyễn Văn Thiền - Thành viên Hội đồng quản trị liên tục chào bán cổ phiếu hiện có ở PRT, đợt gần nhất chào bán tổng cộng 1.313.000 cổ phiếu (tương đương nắm giữ 0,43%). Nếu đợt chào bán thành công, ông sẽ không còn là cổ đông của PRT nữa.

trading view.jpg
Thị giá cổ phiếu PRT thời gian gần đây

Trên thị trường chứng khoán, mã PRT đang trong diện bị cảnh báo. Chốt phiên 26/9, PRT giữ nguyên giá trị so với phiên trước đó 13.000 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hoá đạt mức 3.900 tỷ đồng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm