Thương Gia một thuở - Vần thơ một đời

Cuộc đời của Nguyễn Thanh gắn bó với cái nghề hơn chục năm nay mới được gọi là: Thương gia (mà trước đó người đời dẫu biết "Phi thương bất phú" nhưng vẫn mỉa mai gọi: con buôn, nhà buôn).
Thương Gia một thuở - Vần thơ một đời

Vào thử mạng internet cái tên doanh nghiệp Viettranimex của anh quả là đáng nể phục: Từ thuở khởi nghiệp đến với các cánh rừng sâu núi thẳm Nam Phi, Lào, Myanmar để khai thác gỗ "Chúng mình một thủa rừng xanh / cơm sườn rang mặn bát canh rau rừng". Rồi chính anh tạo dựng nên buổi ban đầu của tập đoàn SSG với khu đô thị Saigon Pearl bên dòng sông Sài Gòn "viết tiếp trường ca / những khu biệt thự / trường quốc tế mở / Thảo Điền Thanh Đa / Mười lăm năm qua / mồ hôi nước mắt / tạo thành sức bật / những chân trời xa" nhưng sở trường của anh lại là xuất khẩu "Thế rồi hẹn nhé cùng anh / Bên nhau ta xuất dừa xanh quê mình", "lúa ban mai, gỗ rừng chiều / mừng xuất thêm gạo bao nhiêu tàu rồi".

Anh cũng đã và đang thành công ở các dự án đầu tư ra nước ngoài "Sáng Lào tối đã Quảng Tây / đời này chọn một kiếp này thương gia" - đó là hai tòa nhà thương mại quốc gia Việt Nam và Lào do công ty anh đầu tư tại thành phố trẻ Nam Ninh, Trung Quốc chuyên về triển lãm và hội chợ "cứ mỗi độ thu về / nắng mênh mang biên giới / dẫu không chờ không được / ta hội chợ Trung Hoa", là sự hợp tác nông nghiệp, khai khoáng ở Myanmar "Đây đường lên mỏ, đường lên mỏ / mồ hôi đã đổ núi chuyển rung / ta nắm tay nhau bàn tay thợ / mỏ đã vào ca rộn núi rừng", "Một đời vẫn mỏi vẫn mong / Mát đồng mát lúa mát lòng, cơn mưa".

Vì sao thơ lại gắn bó suốt chặng đường mấy mươi năm thương mại của anh như vậy?

Anh tâm sự: những năm Mỹ đánh phá Hải Phòng ác liệt nhất, thành phố vẫn quyết định thành lập "Lớp văn đặc biệt" - sau này đổi là hệ chuyên văn và nhà nước dẫu khó khăn vẫn trợ cấp hàng tháng cho mỗi học sinh số tiền tương đương 20kg gạo hồi đó. Thầy Mai Đắc Lượng phó giám đốc Sở giáo dục đã gặp gỡ 24 học sinh lứa đầu để dặn dò: "thành phố đầu tư không phải để các em sau này sẽ thành nhà văn nhà thơ. Mà sau này ở bất kỳ ngành nghề nào, cương vị nào các em với kiến thức và niềm đam mê văn học sẽ viết về nghề nghiệp của mình”. Thầy giờ đã đi xa lâu rồi nhưng lớp văn của anh và các thế hệ chuyên văn sau này đã làm được điều thầy mong muốn.

Trong "Nhật ký thương gia" với hơn một trăm bài thơ của mình có lẽ cái mà Nguyễn Thanh sâu nặng, tỏa sáng nhất vẫn là tình yêu đối với quê hương, với người thân và bè bạn.

Do nghề nghiệp phải đi đây đó giữa các châu lục thì quê hương vẫn luôn hiện hữu trong từng câu thơ "Bạn đi sứ, mình đi buôn / gặp nhau nỗi nhớ quê hương, nhớ nhà", "như da diết như chờ mong / trong tim ai cũng dòng sông quê mình", "Biển đâu đẹp nhất nhân gian / rặng dừa với những xóm làng quê hương", "Da diết tháng ba mùa con ong lấy mật / mượn cánh buồm thơ lục bát ta về" Tình yêu đó đúng như lời của nhà văn Nga Ilia Evenbua "những con suối đổ vào sông, sông đổ vào trường giang Vonga, dòng trường giang Vonga đổ ra biển cả. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm yêu miền quê trở thành lòng yêu tổ quốc". Quê hương với tác giả trước hết là những người thân.

Đó là niềm thương nhớ người ông nội kính yêu "Bên chùa Đồng Thiện thảnh thơi / nội về tiên tổ đất trời xót xa", "Cứ xanh rồi chín đỏ / trái vải quê Thanh Hà / mãi sinh sôi nẩy nở / dòng họ Nguyễn vươn xa". Ngay cả khi dự lễ tốt nghiệp của người con út, giọng anh như xao xuyến, nghẹn ngào "Và sớm nay như òa vỡ sân trường / tất cả bên nhau cái cười thân thiện / phút xao xuyến xin gửi về họ Nguyễn / hạnh phúc hôm nay trên đất Mỹ, khởi đầu".

Cả khi đau đớn xót xa trước sự ra đi mãi mãi của mẹ, của cha "Dẫu rằng sống gửi thác về / mà nghe khóc thảm tái tê lòng người / một lần nữa gọi: cha ơi / có nghe khúc nhạc tiễn người chiều nay", "Đời người rồi cũng hoàng hôn / nơi đây mẹ nghỉ chiều buông chuông chùa". Những hình ảnh về người mẹ vẫn còn mãi trong tâm khảm của con cái "Tuổi xuân lên với chiến khu / gánh hai đứa trẻ tản cư Đông Triều", "Tu tại gia lễ tại chùa / con đàn cháu chắt mẹ cho phước dầy". Để rồi hình tượng những Người Mẹ còn mãi với lịch sử dân tộc "Có nơi đâu trên trái đất này / mẹ của chúng ta hóa thành lịch sử / không tấm huân chương màu cờ rực rỡ / chỉ để lại đời tiếng Mẹ thân thương".

Với những người thầy, người cô hướng anh vào đời "Qua sông thuở ấy chuyến đò / mà như chở cả tuổi thơ êm đềm". Đó là những lời ân tình "Hãy bay đi những cánh chim / thành công thất bại lại tìm về đây / trong vòng tay những người thầy / lửa kia thắp lại tim lại, thầy ơi"

Cơ duyên và may mắn cho thế hệ anh được một nhà giáo - nhà thơ nổi tiếng Thúc Hà, không chỉ dạy kiến thức mà còn truyền cho anh cảm hứng văn học - một hành trang theo suốt cuộc đời "Chúng tôi được một nhà thơ / một nhân cách lớn một lò luyện văn / thầy không tỏa sáng thi đàn / gieo mầm ươm hạt tài năng cho đời".

Một trong những nỗi niềm tha thiết yêu thương nhất của anh là tổ ấm gia đình, là người vợ "Nhà em xanh xanh biếc rặng cau / hỏi anh ở phố có trầu - trầu không", "Anh của em cũng một thời hào hoa / tuổi xế bóng đưa vợ đi tổng quát / Ơi những cuộc tình cất lên tiếng hát / một đời thương quên cả nhà thương".

Anh dành nhiều trang thơ, vần thơ viết cho con và đặc biệt là hai cháu ngoại song sinh ở phương trời xa. Từng trắng đêm anh thức "Lời xưa như mãi vẫn còn / Chợt tin vui đến: mẹ tròn con vuông / Hương trầm cha thắp tạ ơn / mà sao mắt cứ rưng rưng lệ nhoà". Để rồi được bay sang với cháu "Sớm ra bé nhoẻn miệng cười / ngoài vườn cây lá xanh chồi thắm hoa / Một đời, hạnh phúc đâu xa / ban mai nụ nắng nụ hoa nụ cười" Và như bao người làm ông làm bà cứ phải đi xa vì con vì cháu  "Chiều nay cho bé / ra ngắm biển trời / có người ông ngoại / nhớ về xa xôi". Giọng thơ như sảng khoái hơn khi anh mừng sinh nhật bạn bè "Một thời duyên dáng tuổi xanh / một thời tan học lượn quanh Bờ Hồ / một thời tím một thời mơ / một thời để mãi ngẩn ngơ một thời". Trong cái ngày vui ấy "Cứ văn thơ tếu táo / đủ cả tuần ngồi xem / đời mỗi năm sinh nhật / đời vui bạn vui bè / đời mỗixuân mỗi trẻ / đời sao mà sướng ghê". Với những người bạn gái, thơ anh như thật đấy lại đùa đấy "Ỡm ờ thắt đáy lưng ong / ỡm ờ mắt biếc môi cong ỡm ờ / ỡm ờ như vẫn ngây thơ / trăm năm say cái lẳng lơ Thị Mầu".

Vui cả khi các nàng đã lục tuần "Làm đen lại mái tóc / dăm bộ đồ thời trang / nụ cười tươi trên miệng/ Nào ba lô lên đường". Chỉ duy nhất khi lớp thăm lại Sapa anh buông tiếng thở dài kín đáo "Bao giờ trở lại ngày xưa / anh thì trẻ lắm em vừa đôi mươi / chợ tình như chỉ hai người / để thương gia khỏi một đời: nợ duyên". Những tình cảm ấy lại thăng bằng, trong sáng ngay "Xin cảm ơn trời đất / xin Đức Phật độ trì / cho tôi và chúng bạn / thênh thang đường ta đi".

Anh đi nhiều, đi mãi - không chỉ "Con đường tơ lụa" xưa mà cả con đường thương phẩm nay để những ghi chép ở hải ngoại: Về với thôn trang, Thăm xứ Angkor, Bên dòng sông Pô lô mác, Con trai tôi, Mỗi bước đi đều vọng tiếng chuông chùa và chùm thơ về đội bóng U23 v.v.. như khái quát như vun đắp những tình cảm bè bạn xuyên quốc gia. Đó là sự ngưỡng mộ một chính khách tới thăm Việt Nam "Từ Nhà Trắng tới xứ này / lời ông như có men say lòng người / Ô ba ma - một nụ cười / tôi tin là cả triệu người tin ông". Với Cô gái Triều Tiên hát, lời thơ tha thiết nói hộ những khát vọng của bao thiếu nữ "Những điệu múa sắc màu /Quay tròn đèn hoa rực rỡ / tiếng kèn mãi còn nức nở / đôi miền Nam - Bắc Triều tiên". Để rồi tác giả như dự báo sớm "Một mùa xuân chẳng còn xa / Tổ quốc em một mái nhà - Cao Ly". Ngay cả đối với những người lính Mỹ ngã xuống, anh ở đến nghĩa trang quốc gia Washington với nỗi lòng thương cảm "Những người lính đã nghỉ ngơi / hoa hồng với những dòng người xót thương / Toà Bạch Ốc nhuốm hoàng hôn / lòng như khắc khoải Trường Sơn những chiều".

Anh thường nhắc câu nói nổi tiếng của nhà văn Lỗ Tấn "Trên đời này không có sẵn đường đi, chỉ có đi mãi thành đường".

Anh đã đi và đến với những thành công, thơ đã bay lên và rung động lòng người bởi tâm luôn hướng về đạo Phật "Hai mươi năm với xứ Chùa / chiều nay hạ cánh trong mưa ngỡ ngàng / lung linh đỉnh tháp chùa Vàng / thỉnh cầu Đức Phật mùa màng thêm bông", "Một chén nước một nhành hoa / cũng là công đức cũng là thành tâm" Để mãi cầu mong cho xứ sở này "Một dân tộc đã bừng tỉnh hồi sinh / muôn con suối đổ ra sông , dậy sóng / mỗi bước đi đều vọng tiếng chuông chùa".

Không chỉ dừng lại ở tình yêu đôi lứa, bè bạn, quê hươngmà với các bài thơ: Trắng, Tĩnh lặng, Một ngày đẹp nhất, Mừng ngày từ mẫu, Đường làng v.v… thể hiện cái sắc sảo, lý trí của anh khi nhìn những góc khuất của cuộc chiến tranh "Đã phân định bên thua, bên thắng / Đọng nỗi đau đời vành tang trắng - nhân dân" . Anh lên án sự vị kỷ, những toan tính cá nhân, những hạn hẹp đời người "Có nên chăng, mỗi một cuộc đời / cái chết lâm sàng dạy ta Tất cả / Đời ngắn ngủi mà người ham hố quá", "Nền văn minh lúa nước / ngàn năm chật hẹp bờ / Sống vị kỷ ngóng chờ / ngày ăn mày cửa phật".

Nếu như ở tập thơ trước "Lục bát viết ngang" mới chỉ dừng lại ở phác thảo và trải nghiệm "Một đời người gian truân / vần thơ mang vị đắng / một bầu trời đầy nắng / cánh chim thơ bay cùng" thì ở "Nhật ký thương gia" lần này thơ anh đằm thắm hơn, trí tuệ hơn.

Tuy nhiên, cũng như nhiều cây bút không chuyên khác - thơ anh ở một số bài còn sa đà vào kể lể, sự vụ nên chất thơ như loãng đi. Anh sở trường, có duyên về lục bát, cho dù "lục bát viết ngang" hay cắt câu thơ sáu - tám thành những vế thơ ngắn, súc tích rất sáng tạo nhưng cách gieo vần, nhả chữ chưa đúng niêm luật thể loại thơ hay nhất của dân tộc.

Với những ghi chép "chuyện thường ngày ở huyện" nhưng đậm chất nhân văn. Có người nói rằng: Nhà thơ nhà văn có thể đi buôn nhưng chắc sẽ không thao lược, giỏi giang, điều đó chưa hẳn đúng. Nhưng cuộc đời thương gia của Nguyễn Thanh phải lăn lộn với những toan tính làm ra lợi nhuận, phải trả giá cho những thành bại trong cuộc đời, chính anh đã từng vịn vào thơ để đứng dậy làm lại từ đầu và bước tiếp. Đã mang trong mình tố chất "chuyên văn", niềm đam mê thơ - mà đặc biệt là thơ lục bát, thì cuộc đời sóng gió thương trường ấy sẽ thắp lên những vần thơ rất lạ rất quen mà xao xuyến, lay động lòng người. Như chính tác giả Nguyễn Thanh đã mở đầu cho tập thơ của mình:

"Thương gia góc biển chân trời
Lượm câu lục bát tặng đời thân thương"

Sài Gòn, mùa hè 2018

Trần Thị Thắng

Có thể bạn quan tâm

Khám phá những lễ hội mùa đông đẹp nhất thế giới

Khám phá những lễ hội mùa đông đẹp nhất thế giới

Mùa đông là thời điểm tuyệt vời để khám phá các lễ hội độc đáo trên khắp thế giới. Từ hội chợ Giáng sinh ở London cho đến lễ hội ánh sáng Amsterdam, mỗi sự kiện đều hứa hẹn mang đến trải nghiệm khó quên…

Nhật ký Gapado: Tha thứ!

Nhật ký Gapado: Tha thứ!

Mang danh một nhà văn, tôi phải đến những nơi này, để hiểu thấu được từng nỗi đau của dân tộc tôi và của các dân tộc trên thế giới đã từng trải qua chiến tranh...

Nhật ký Gapado: Đảo mèo hạnh phúc

Nhật ký Gapado: Đảo mèo hạnh phúc

Vẫn tâm trạng háo hức của kẻ đang khám phá vùng đất mới. Sáng thường ngủ dậy muộn nên bữa sáng cũng gần với bữa trưa, xong xuôi tôi ngồi vào bàn viết để ngắm nhìn bầu trời trong xanh trước mặt và đám cây cỏ...

Nhật ký Gapado: Chào xứ Hàn bằng… đặc sản “mùi”

Nhật ký Gapado: Chào xứ Hàn bằng… đặc sản “mùi”

Ra khỏi nhà, khi bước chân đầu tiên của tôi đặt chân lên con đường đất dường như gặp lại tuổi thơ của mình và tôi đã nhìn thấy một cô bé 5 tuổi trong cánh đồng hoa bướm, cô bé đó như đang đuổi bắt một con bướm. Tim tôi đã ngân lên những nốt nhạc...

Khám phá xứ sở thần tiên ở phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ

Khám phá xứ sở thần tiên ở phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ

Từ những bậc thang travertine trắng xóa đến những hồ nước khoáng kỳ diệu, Pamukkale không chỉ là một kỳ quan thiên nhiên mà còn là nơi giao thoa giữa lịch sử, văn hóa và vẻ đẹp huyền bí của Thổ Nhĩ Kỳ…