Victoria Beckham thành lập thương hiệu mang tên mình vào năm 2008. Phân khúc khách hàng mà cô hướng tới là những người nổi tiếng và giới siêu giàu. Dù đối tượng mục tiêu rộng và lắm tiền nhiều của nhưng trong suốt 13 năm qua, thương hiệu này luôn luôn trong tình trạng lỗ nặng. Tính đến hết năm 2020, Victoria Beckham đã lỗ tới 72 triệu USD và sẽ còn lũy tiến trong năm nay. Đến thời điểm hiện tại, hãng vẫn còn thoi thóp nhờ dòng tiền đầu tư của David Beckham. Cựu danh thủ đã rót tới 31 triệu USD trong 3 năm để giúp vợ.
Nhiều năm thua lỗ, những nhà điều hành của Victoria Beckham tìm đủ mọi biện pháp để xoay chuyển tình thế: từ nâng cao dịch vụ, tập trung quảng bá trên các kênh kỹ thuật số cho đến giảm giá thành sản phẩm.
Trước bờ vực phá sản, nhà mốt này đã phải thay đổi chiến lược phát triển của mình. Nhà thiết kế người Anh đã chọn giảm chi phí giá thành sản xuất bằng cách tạo ra những thiết kế giản lược chi tiết, đơn giản trong phom dáng và sử dụng chất liệu vải ít tính năng để đưa ra mức giá phù hợp với người tiêu dùng. CEO của thương hiệu Victoria Beckham - Marie Leblanc de Reynies - cho biết những thay đổi là điều cần thiết và hướng đi mới của hãng trong tương lai để vực lại doanh thu sau thời gian dài kinh doanh thua lỗ. Việc điều chỉnh mức giá bán sản phẩm sẽ tăng thu nhập ròng cho công ty và mở rộng tập khách hàng mới.
Victoria Beckham quyết định giảm giá thành các sản phẩm thời trang. Ảnh: Elle
Cụ thể, thương hiệu sẽ giảm 20-40% giá thành các sản phẩm với hy vọng thu hút được nhiều khách hàng hơn. Bởi, nhu cầu mua sắm trang phục của khách hàng trong thời điểm dịch Covid-19 thiên về những món đồ thoải mái, giá thành tốt. Victoria Beckham tin rằng thị trường đang ở trong giai đoạn chuyển đổi khi nói đến thời trang.
Victoria Beckham phải giảm giá sản phẩm để cứu vãn thương hiệu. Mức giảm sâu nhất là 40%/sản phẩm.
Victoria Beckham cũng đã thực hiện theo mong muốn của cổ đông là cắt giảm chi phí sản xuất, tập trung quảng bá thương hiệu trên các kênh kỹ thuật số và điều chỉnh sản phẩm để gần hơn với tính thẩm mỹ, giá trị của Victoria. Nhưng trong đại dịch tình hình càng khó khăn hơn bao giờ hết. Theo các chuyên gia trong ngành thời trang đánh giá: thất bại của Victoria Beckham một phần nguyên do nằm ở trang phục có tính thẩm mỹ theo gu của nhà sáng lập nhưng chưa đủ tính sáng tạo tối cao của một nhà thiết kế thời trang thực thụ để nổi bật trong ngành công nghiệp luôn khao khát sự mới mẻ này. Victoria Beckham cũng chưa đủ thu hút trong tâm trí khách hàng, họ không có di sản những nhà mốt trăm năm tuổi để nằm trong “top” được chọn.
Công ty của David Beckham cũng bù số tiền hàng triệu USD vào khoản thua lỗ. Ảnh: WWD.
Trong chiến lược định vị thương hiệu tới đây, bên cạnh duy trì vị thế ở phân khúc sang trọng và giữ nguyên nét thẩm mỹ của mình, Marie LeBlanc de Reynies cho biết họ đang đặt cược vào mức giá phù hợp và thiết kế tương xứng để thu hút những người mua sắm mới: “Chúng tôi đã nhìn thấy một cơ hội lớn trên thị trường, đó là không gian cho một thương hiệu cao cấp giá cả phải chăng”. Victoria Beckham và Victoria sẽ hợp nhất thành một thương hiệu duy nhất, ra mắt với bộ sưu tập Pre-Spring 2022 vào tháng 11 năm nay.
Victoria Beckham và Victoria sẽ hợp nhất thành một thương hiệu duy nhất, ra mắt với bộ sưu tập Pre-Spring 2022 vào tháng 11 năm nay.
Giảm giá bán sản phẩm, lý do chính đáng thuyết phục khách hàng, nhưng nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức và định vị thương hiệu sau này. Rõ ràng bước đi Victoria Beckham trong việc giảm giá để tái cấu trúc thương hiệu có thể đưa thương hiệu vào tình thế càng nguy hiểm hơn.
Tồn tại trong ngành thời trang xa xỉ với những tên tuổi lớn trăm năm không phải là điều dễ dàng, nhất là với thương hiệu có lịch sử thành lập ngắn ngủi.