Tiêu dùng xanh: Yếu tố quan trọng tạo nên kinh tế tuần hoàn

“Chuyển đổi xanh” đang là một xu thế tất yếu của tất cả các nền kinh tế trên thế giới và Việt Nam không là ngoại lệ…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ktth1111-16635582144851818856680.jpg
“Chuyển đổi xanh” đang là một xu thế tất yếu

Chiều ngày 19/9/2023, tại hà Nội đã diễn ra Phiên toàn thể - Tọa đàm cấp cao được tổ chức với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023.

KHUYẾN KHÍCH THAY ĐỔI HÀNH VI TIÊU DÙNG

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam cho biết, kinh tế Việt Nam hiện đang đứng trước những thách thức rất lớn trong ngắn hạn và trung hạn về mặt tốc độ tăng trưởng.

Cả ba động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là tiêu dùng nội địa, đầu tư và xuất khẩu đều không theo hướng chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn. Nếu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng với ba động lực truyền thống này mà không có chính sách mang tính khuyến khích để thay đổi hành vi trong tiêu dùng, đầu tư và sản xuất kinh doanh thì chắc chắn các mục tiêu về chuyển đổi xanh sẽ không đạt được.

Ảnh màn hình 2023-09-19 lúc 16.41.33.png
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm giai đoạn 2011-2023. Nguồn: Tổng cục Thống Kê

Ngược lại, việc ban hành và thực thi các chính sách mang tính hành chính, phản ứng thụ động, bắt buộc chuyển đổi mô hình tăng trưởng không có lộ trình sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế một cách đáng kể.

Về chuyển đổi động lực tăng trưởng về tiêu dùng và sản xuất trong nước theo hướng kinh tế tuần hoàn, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, các chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nếu hoạch định theo hướng phân mảnh, về thể chế sẽ khó tạo động khuyến khích thực thi tự nguyện và nếu áp đặt một cách cứng nhắc sẽ làm giảm đáng kể năng lượng cạnh tranh của các nền kinh tế.

Hướng tiếp cận tốt hơn là hoạch định chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn theo hệ sinh thái dẫn dắt bởi các cụm ngành. Chính sách cần hướng tới việc phát triển các dịch vụ hỗ trợ trong hệ sinh thái để chính sách doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ thu được lợi ích từ việc tham gia một cách chủ động vào các hoạt động kinh tế tuần hoàn.

Theo ông Thành, về đầu tư năng lượng tái tạo, trong kế hoạch đầu tư công, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo cần được đặt lên ưu tiên hàng đầu và những cơ chế ưu đãi cao nhất cần được áp dụng cho việc thu hút đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước vào lĩnh vực này.

Ưu tiên chính sách thứ nhất là củng cố lưới điện để truyền tải điện tái tạo từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Lưới điện cũng cần được đầu tư theo hướng “thông minh” để có thể phản ứng linh hoạt với những biến động của cung và cầu. Chi phí cân bằng và ổn định lưới điện sử dụng pin lưu trữ đang giảm đi.

"Khác với quá trình lưu chuyển năng lượng tái tạo vốn mất nhiều thời gian, giải pháp cân bằng lưới điện dùng pin lưu trữ là xu hướng tất yếu đang được các công ty điện lực toàn cầu sử dụng ngày một phổ biến. Hệ thống lưới điện mạnh hơn và thông minh hơn sẽ giảm thiểu các sự cố mất điện và có giá cả phải chăng", giảng viên Trường chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam cho hay.

Tiếp theo, cần ưu tiên chính sách xây dựng một hệ thống đấu thầu giá điện cho các nhà sản xuất năng lượng tái tạo. Vì điện mặt trời và gió, cũng như hydro có chi phí vận hành thấp hoặc gần bằng không, còn lại chủ yếu là chi phí cố định, nên các nguồn phát này có lợi thế tự nhiên khi tham gia đấu thầu giá điện so với nguồn điện than hay khí đốt.

190920230240-nguyễn-xuân-thành.jpg
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam

"Dù các nhà sản xuất điện tái tạo luôn muốn có hợp đồng bao tiêu, nhưng họ cũng sẽ hài lòng với cơ chế đấu thầu giá điện công khai, minh bạch do trung tâm điều độ độc lập quản lý. Giải pháp thay thế cho cơ chế đấu thầu là hợp đồng bao tiêu dài hạn ở một mức giá xác định với các điều khoản giống các dự án năng lượng hóa thạch", vị chuyên gia đề xuất.

Giải pháp này sẽ giúp các dự án năng lượng tái tạo dễ tiếp cận vốn vay ngân hàng cũng như các khoản vay quốc tế có chi phí thấp và dài hạn hơn. Tuy nhiên, loại hợp đồng này sẽ tăng gánh nặng cho Nhà nước bởi khi đó rủi ro sa thải công suất điện sẽ được chuyển từ các dự án năng lượng gió và mặt trời sang đơn vị mua điện.

DOANH NGHIỆP SẴN SÀNG CHUYỂN ĐỔI

Hầu hết các doanh nghiệp đều hưởng ứng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tuy nhiên tình hình kinh tế đang còn nhiều khó khăn, nên bước đi này cần sự thời gian và sự phù hợp.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM, ngành bán lẻ và thương mại hiện đại của Việt Nam sau khi chịu những tác động, biến đổi tác động của đại dịch Covid-19, từ sau năm 2019 đến năm 2023, đang dần được vực dậy, dần đạt lại mức quy mô trước đại dịch...

Chủ tịch Hiệp hội cho biết, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hiện đang thực hiện cơ cấu lại hoạt động, nguồn hàng để phù hợp với nhu cầu, thói quen mới của người tiêu dùng theo hướng thông minh, tiết kiệm hơn. Đồng thời, cơ cấu lại hoạt động theo hướng đón đầu phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

anh-t48-49-ban-le-3.png
Ngành bán lẻ đối mặt với nhiều khó khăn sau dịch Covid-19

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng đang tái cơ cấu lại cấu trúc, vận động mạnh mẽ theo hướng số hóa, đáp ứng xu hướng thương mại hiện đại hiện nay. Trong thời gian tới, ông Nguyễn Anh Đức kiến nghị, cần có chính sách và quy mô hỗ trợ bài bản hơn để tạo niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng; đồng thời cũng cần thêm các chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Alexander Koch, Tổng Giám đốc Điều hành Công ty Bia Heineken Việt Nam nêu rõ, về phát triển tuần hoàn, Heineken Việt Nam tối đa hóa tính tuần hoàn ở các sản phẩm; áp dụng quy trình quản lý rác thải hiệu quả nhằm làm cho thế giới ngày càng xanh hơn; các sản phẩm của Heineken có thể tái sử dụng; giúp thương hiệu này ngày càng bền vững hơn và xanh hơn.

Đặc biệt, Heineken xác định yếu tố tuần hoàn không chỉ được áp dụng với nước ở nhà máy bia Vũng Tàu, trên thực tế, tất cả chất thải, sản phẩm phụ đều được đưa trở lại chuỗi cung ứng thông qua việc tái sử dụng, tái chế. Nhà máy là minh chứng điển hình cho thấy Heineken hướng tới mục tiêu phát triển xanh ở Việt Nam trong suốt 31 năm hoạt động.

190920230304-alexander-koch.jpg
Ông Alexander Koch, Tổng Giám đốc Điều hành Công ty Bia Heineken Việt Nam

Cũng tại diễn đàn, ông Alexander Boehmer, Trưởng Ban Hợp tác và Quan hệ toàn cầu, Khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tại Pháp đánh giá, Đông Nam Á là khu vực có sự phát triển năng động, có tầm ảnh hưởng lớn, trọng tâm. Trong đó ASEAN có mức tăng trưởng đạt 5,6% trong năm 2022; dự báo mức tăng trưởng chung đạt 4,2% vào năm 2023 và tăng lên 4,7% vào năm 2024.

"OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay dự báo gặp khó khăn nên hạ dự báo tăng trưởng GDP xuống 4,9%, dự kiến tăng lên 5,9% vào năm 2024", ông Alexander Boehmer chia sẻ.

Tốc độ phát triển kinh tế xã hội tích cực năm 2022 đã và đang góp phần cải thiện an sinh xã hội trong những năm gần đây; đồng thời nền kinh tế cũng cho thấy khả năng chống chịu với những cú sốc từ bên ngoài.

Theo OECD, những cải cách sâu hơn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh doanh, mở rộng hệ thống lương hưu và phúc lợi là cần thiết cho sự phát triển kinh tế- xã hội ở Việt Nam.

“Điều quan trọng, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và dạy nghề để nâng cao năng lực chuyển đổi số của người lao động”, ông Alexander Boehmer nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm