Như vậy, chi cho phát triển bền vững đang dần được coi là khoản đầu tư mang lại lợi ích trong dài hạn. DN cũng ngày càng nhận thức được ý nghĩa quan trọng của mô hình kinh tế tuần hoàn và hướng đến trở thành những DN có mô hình tăng trưởng bền vững. Đó cũng chính là chìa khoá tạo nên một nền kinh tế xanh và thân thiện môi trường.
Kiên nhẫn sẽ “hái quả ngọt”!
Tại một phiên toạ đàm liên quan đến phát triển bền vững mới đây, ông Nguyễn Tuấn Quang, Cục Phó Cục Biến đổi khí hậu cho biết, để đạt các mục tiêu theo lộ trình về phát thải ròng bằng “0” và thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam phải đối diện với ba thách thức lớn.
Một làvấn đề tài chính khi từ nay đến năm 2050, Việt Nam cần đến hơn 380 tỷ USD. Hai là trình độ kỹ thuật và năng lực công nghệ, đặc biệt là ở lĩnh vực năng lượng tái tạo để giảm phát thải nhà kính còn hạn chế. Ba là cần xem xét, cân nhắc vấn đề quản trị, quản lý và đảm bảo công ăn việc làm và ổn định xã hội khi thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế.
“Tuy nhiên, DN biết tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu sẽ tiếp nhận được các mô hình kinh tế, tài chính mới; có cơ hội tham gia thị trường cac-bon cũng như tạo ra sự đổi mới về công nghệ, phát triển sản xuất, kinh doanh từ các nguồn năng lượng tái tạo để tăng tính cạnh tranh, tạo ra lợi nhuận bền vững”, ông Quang nhấn mạnh.
Nhưng vấn đề lớn hơn nằm ở chỗ, hơn 90% DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ luôn trăn trở với câu hỏi: “Làm thế nào để cân bằng cán cân tài chính giữa kinh doanh có lãi và chi phí đầu tư phát triển bền vững lâu dài để chờ hái quả ngọt”? Và có lẽ, thay đổi tư duy kinh doanh, xây dựng văn hóa phát triển bền vững của lãnh đạo cấp cao trong các DN là thách thức lớn nhất cần vượt qua. Sau khi hình thành được tư duy và văn hóa kinh doanh bền vững thì lại cần xây dựng và áp dụng chiến lược phát triển bền vững sao cho phù hợp với nguồn lực của DN trong mỗi giai đoạn phát triển.
Theo khảo sát của Hội đồng DN vì sự PTBV Thế giới (WBCSD), nhiều DN đang gặp khó khăn trong việc xác định những rủi ro trong công tác quản trị rủi ro hàng năm. Ngay tại Việt Nam, khảo sát từ hơn 100 KCN đang hoạt động trên cả nước theo tiêu chuẩn KCN bền vững, chỉ có 39% KCN kể trên có chính sách quản lý rủi ro môi trường, 10% KCN có chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và 13% có chính sách về chuyển đổi số. Các KCN quan tâm đến chính sách quản lý rủi ro (hay tuân thủ luật pháp) nhiều hơn các chính sách mang lại sự phát triển bền vững cho KCN và các DN tham gia. Trong số KCN được khảo sát, chỉ 22% KCN có chứng chỉ hệ thống quản lý, 76% KCN không có thông tin kiểm toán cấp DN. Các giá trị hoạt động của KCN chưa được đánh giá đầy đủ và chia sẻ rộng rãi.
Đến nay, theo VBCSD, tỷ lệ DN mới tham gia Chương trình CSI 2022 ghi nhận ở mức gần 25%. Đây là một con số hết sức đáng mừng. Thậm chí, con số này còn cho thấy những trái ngọt đầu tiên trên con đường “kiến tạo tư duy và thay đổi nhận thức” về hành trình kinh doanh gắn với phát triển bền vững trong cộng đồng DN.
Thống kê này đã phản ánh một thực trạng cho thấy, phát triển bền vững là con đường còn rất nhiều chông gai khi cần sự đầu tư bài bản từ quy trình hành động cho đến hệ thống tư duy của DN. Đây cũng là kết quả trùng với câu trả lời của rất nhiều chuyên gia quản trị hay lãnh đạo DN khi được hỏi về cách làm thế nào để DN có thể kinh doanh gắn liền với phát triển bền vững.
Tuy nhiên, trong mỗi câu trả lời cho câu hỏi ấy luôn kèm theo một lời khẳng định rằng, phát triển bền vững là cách để DNvươn ra biển lớn. Không chỉ cần đổi mới tư duy, chiến lược kinh doanh mà còn phải chủ động thúc đẩy các mô hình kinh tế mới nhằm tạo thêm không gian phát triển bởi thị trường của phát triển bền vững vô cùng đa dạng và rộng lớn.
ESG: Động lực dẫn dắt phát triển bền vững vượt trội
Việt Nam là một trong những quốc gia có sự cam kết mạnh mẽ về chống biến đổi khí hậu. Chính phủ luôn có nhiều chính sách hỗ trợ những DN muốn kinh doanh gắn với phát triển bền vững. Thậm chí, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với đại diện là VBCSD đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm giới thiệu các thực tiễn và mô hình kinh doanh bền vững khả thi với các DN Việt Nam.
Những hoạt động có thể kể đến như nỗ lực thúc đẩy hoạt động quản trị DN bền vững, lập và công bố báo cáo bền vững; thực hành mô hình kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy văn hóa kinh doanh đa dạng, hòa nhập, bao trùm. Thậm chí, Bộ chỉ số CSI – Bộ chỉ số DN bền vững luôn được cập nhật và thay đổi hàng năm – được coi như tiêu chí để đo lường sức khoẻ DN cũng như là một kim chỉ nam hữu hiệu hỗ trợ DN hiện thực hoá các mục tiêu của phát triển bền vững.
Theo báo cáo của VBCSD, sau 06 năm triển khai và hỗ trợ DN áp dụng Bộ chỉ số CSI vào DN, đã có nhiều tín hiệu tích cực được ghi nhận. Đơn cử như các DN ứng dụng CSI đã có năng suất lao động và trung bình hiệu suất sử dụng lao động cao hơn đáng kể; thu nhập trung bình của người lao động cũng cao hơn, đóng góp cho xã hội lớn hơn so với các DN chưa áp dụng.
Các DN ứng dụng bộ chỉ này cũng cho thấy sự “cải thiện về sức khoẻ” ở các khía cạnh về năng lực cạnh tranh, nghiên cứu và phát triển sản phẩm cũng như đảm bảo tốt hơn về nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào. Phần lớn các DN đã tham gia Chương trình bày tỏ mong muốn tiếp tục đồng hành và gắn bó với chương trình trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội từ biến đổi khí hậu như khẳng định của ông Quang kể trên thì DN không chỉ cần áp dụng Bộ chỉ số CSI mà còn cần cả áp dụng khung chuẩn mực ESG (Kinh tế - Xã hội – Môi trường) - một xu hướng dẫn dắt cho quá trình đầu tư vào phát triển bền vững trên toàn cầu.
Đánh giá về “động lực mới” này, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch chuyên trách VCCI - Chủ tịch VBCSD khẳng định, phải nhìn sâu vào bản chất của ESG thì mới thấy những yếu tố tưởng phi tài chính của khung chuẩn mực này lại có ý nghĩa tài chính rất lớn. “Một công ty đầu tư theo tiêu chuẩn ESG hay nói cách khác là đầu tư cho hoạt động quản trị DN khoa học, chuyên nghiệp là một công ty cam kết với sự phát triển bền vững. Để thực hành ESG cũng như quản trị DN hiệu quả cũng cần sự đầu tư và đặc biệt là sự chuyển đổi tư duy toàn diện từ phía lãnh đạo DN”, ông Vinh nhấn mạnh.
Một công ty đầu tư theo tiêu chuẩn ESG hay nói cách khác là đầu tư cho hoạt động quản trị DN khoa học, chuyên nghiệp là một công ty cam kết với sự phát triển bền vững.
Là một chuyên gia về quản trị DN, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam đồng thời là Phó Chủ tịch VBCSD cho biết, khi Chính phủ đã có cam kết về phát thải ròng, ESG không còn là trách nhiệm mà là một yếu tố để duy trì hoạt động kinh doanh liên tục và là cơ hội phát triển bền vững của DN trong bối cảnh mới. Đây không chỉ là câu chuyện của riêng các công ty đại chúng, công ty niêm yết mà là của chung tất cả các DN.
Đơn cử, việc DN áp dụng ESG ban đầu chỉ hướng đến hoàn thiện và nâng cao trình độ quản trị DN bền vững nhưng qua quá trình áp dụng, ESG trở thành yếu tố hỗ trợ tích cực DN nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế trên thương trường.
Chặng đường thay đổi tư duy và nhận thức về phát triển bền vững vào cộng đồng DN còn rất dài đặc biệt là khi chiến lược kinh doanh của mỗi một DN lại khác nhau và vì thế mà cách áp dụng những tiêu chuẩn về phát triển bền vững và chuẩn hoá các tiêu chuẩn ấy cũng khác nhau. Tuy nhiên, sự cần mẫn và nỗ lực không ngừng trong mỗi chặng đường phát triển sẽ giúp DN bước từng bước gần hơn đến hành trình chinh phục các tiêu chuẩn của phát triển bền vững.