Tìm giải pháp tháo gỡ hơn 4.000 xe hàng đang chờ ở các cửa khẩu

Để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa, lãnh đạo Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các cơ quan để tăng thời gian thông quan tại các khu vực cửa khẩu.

Chiều ngày 21/12 Tổng cục Hải quan tổ chức họp báo chuyên đề về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Tại buổi họp báo, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến sáng 21/12, tại Lạng Sơn, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 4.461 xe (giảm 137 xe so với ngày 20/12/2021).

Trong khi đó, cửa khẩu Chi Ma, Tân Thanh đã tạm dừng thông quan nên năng lực giải phóng hàng hóa tại cửa khẩu Hữu Nghị chỉ khoảng 100 xe/ngày. Vì vậy, xảy ra tình trạng có tài xế 'nằm chờ' suốt 20 ngày.

Tổng cục Hải quan đề xuất các bộ, ngành cùng tháo gỡ hàng nghìn xe hàng đang ùn ứ tại các cửa khẩu với Trung Quốc. (Ảnh: Int)
Tổng cục Hải quan đề xuất các bộ, ngành cùng tháo gỡ hàng nghìn xe hàng đang ùn ứ tại các cửa khẩu với Trung Quốc. (Ảnh: Int)

Cụ thể, tại cửa khẩu Hữu Nghị tồn 1.389 xe (chủ yếu chở các mặt hàng như mít, thanh long, ván bóc, linh kiện điện tử). Tại cửa khẩu Tân Thanh tồn 2.456 xe chủ yếu chở các mặt hàng như dưa hấu, thanh long, chuối xanh, mít, xoài. Tại cửa khẩu Chi Ma tồn 616 xe, chủ yếu chở mặt hàng tinh bột sắn.

“Hiện nay, do cửa khẩu Chi Ma, Tân Thanh đã tạm dừng thông quan nên năng lực thông quan hàng hóa ở Lạng Sơn chỉ khoảng 100 xe/ngày tại cửa khẩu Hữu Nghị. Tình trạng này gây ra nhiều vấn đề hệ lụy đến an ninh xã hội, cũng như vệ sinh an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản, thủy hải sản, nếu để lâu sẽ dẫn đến hư hỏng gây thiệt hại cho doanh nghiệp", ông Tuấn nhìn nhận.

Mới nhất sáng 21/12, phía cửa khẩu Đông Hưng, Trung Quốc phát hiện ca nhiễm COVID-19 và tạm dừng thông quan hàng hoá từ 0h ngày 21/12 đến khi có thông báo mới. Ông Tuấn đánh giá nếu áp dụng biện pháp này trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thông quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. 

Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan, cho biết, việc ùn tắc hàng hóa xuất khẩu có cả nguyên nhân từ phía Trung Quốc và Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, theo đó, một số cửa khẩu yêu cầu thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa, yêu cầu lái xe phải đi về trong ngày, niêm phong cabin xe dẫn đến tình trạng lái xe hàng hóa qua lại khu vực biên giới hạn chế, có những cửa khẩu chỉ đáp ứng 20- 25% so với lưu lượng thông quan hàng hóa so với bình thường. 

Bên cạnh đó, ở một số cặp cửa khẩu, phía Trung Quốc yêu cầu lái xe phải đi về trong ngày, niêm phong cabin xe, lái xe không được xuống xe và phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin và thực hiện xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR định kỳ 3 ngày/lần.

Về phía Việt Nam, nông sản của các tỉnh phía Nam đang vào vụ thu hoạch, sản lượng hàng hóa tăng và nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, Tết của thị trường Trung Quốc vào những tháng cuối năm tăng cao.

Trong khi đó, công tác thông tin về tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các khu vực biên giới đến doanh nghiệp xuất khẩu, thương lái không được đầy đủ, chi tiết dẫn đến hàng hóa vẫn tiếp tục được đưa lên cửa khẩu với số lượng lớn, không được điều tiết theo diễn biến tình hình thực tế", ông Âu Anh Tuấn nhìn nhận.

Khi Trung Quốc đưa ra thông báo dự kiến tạm dừng nhập khẩu trước và sau Tết Nguyên đán 14 ngày đối với xe lạnh để chuẩn bị các công việc trước và sau Tết, càng gây áp lực cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa lên cửa khẩu để kịp xuất khẩu trước thời gian trên.

"Để tập trung chống dịch, phía Trung Quốc chuyển một số cán bộ kiểm dịch hải quan sang hỗ trợ công tác kiểm soát người Trung Quốc nhập cảnh về nước ăn Tết nên lực lượng hải quan giải quyết thủ tục hàng hóa hiện nay rất mỏng", ông Âu Anh Tuấn nói.

Hiện cách thức mua bán hàng hóa nông sản vẫn không tuân theo các chuẩn mực thương mại quốc tế, nên thiệt hại nhiều năm qua vẫn nghiêng về phía người xuất khẩu Việt Nam.

Ông Tuấn cho biết ngay từ tháng 6, để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu, Tổng cục Hải quan đã có công điện số 14/TCHQ chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh biên giới thực hiện các giải pháp như: Khẩn trương tạo điều kiện và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh; phối hợp trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho doanh nghiệp.

Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa, lãnh đạo Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các cơ quan để tăng thời gian thông quan tại các khu vực cửa khẩu.

"Phối hợp với VCCI và thông qua các hiệp hội ngành hàng, sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo về việc phía Trung Quốc thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cả trên bao bì chứa đựng hàng hóa", ông Âu Anh Tuấn đề xuất.

Đặc biệt, ông Tuấn lưu ý các doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ từ khâu thu hoạch, phân loại, đóng gói, bốc xếp hàng hoá, đảm bảo không có virus Covid-19. Đồng thời, chỉ vận chuyển hàng hóa lên cửa khẩu khi đã ký hợp đồng mua bán với đối tác Trung Quốc. 

Ngoài ra, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan tiếp tục, thường xuyên đàm phán với Hải quan Trung Quốc ký kết Nghị định thư về việc giảm tỷ lệ kiểm tra kiểm dịch. Và cần xây dựng cơ chế để kiểm tra nhanh các chứng thư kiểm dịch động thực vật và thống nhất cơ chế giám sát an toàn thực phẩm đối với các lô hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...