Tín dụng đen vẫn khó xử lý hình sự

Phát biểu tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Phạm Huyền Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận cho biết, hoạt động tín dụng đen diễn biến ngày càng phức tạp gây phức tạp về trật tự xã hội, bất an cho
Tín dụng đen vẫn khó xử lý hình sự

Theo đại biểu Ngọc, hiện nay 3 loại tội phạm đang có mối liên hệ làm phức tạp về trật tự xã hội, gây bất an cho nhân dân là xã hội đen, tín dụng đen, cờ bạc.

Vị này cũng cho biết thêm, hoạt động tín dụng đen có từ Bắc vào Nam, từ Tây Nguyên xuống đồng bằng sông Cửu Long, ở đâu cũng có tờ rơi quảng cáo cho vay không cần thế chấp với lãi suất 2-30%, thậm chí 40% tháng.

 Mỗi món vay không quá 50 triệu đồng, được thỏa thuận lãi suất bằng miệng, không ghi vào giấy tờ hoặc biến tướng các khoản vay lớn bằng cách cho vay tiền mặt, nhưng ghi trong giấy tờ là thuê lại tài sản của chính mình như nhà, xe để đối phó với những quy định của pháp luật.

Theo phân tích, điều 201 Bộ luật Hình sự quy định cho vay lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất của Bộ luật Dân sự và mức thu lợi bất chính từ 30-100 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Như vậy, vay 50 triệu đồng lãi suất 20%/tháng trả 2 tháng cả gốc và lãi 70 triệu đồng vẫn chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự, trong khi chưa có quy định xử lý hành chính về hành vi này. 

Vì vậy, hầu hết các nhóm tội phạm khi bị phát hiện không xử lý được, nếu không có hành vi cưỡng đoạt tài sản hoặc bắt giữ người trái pháp luật. Do đó, nhiều người mất nhà, mất đất, khốn cùng vì tín dụng đen.

Trước đó, theo lời một luật sư, một trong những nguyên nhân khiến việc khó xử lý hình sự hành vi cho vay nặng lãi là tâm lý e sợ, không dám tố cáo của người dân. Để xử lý đối tượng cho vay nặng lãi, trước hết phải có người tố cáo, người bị hại.

"Thông thường chủ nợ thường thoát án mà chỉ xử lý được đối tượng được thuê đòi nợ về các tội danh như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, xâm phạm chỗ ở người khác.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu thực trạng, tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động tín dụng đen gắn với các tổ chức đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen không chỉ tồn tại ở đô thị mà đang len lỏi nhanh về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Phó tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận xét thời gian gần đây, tín dụng đen nổi lên như là một vấn đề xã hội lớn, len lỏi vào mọi ngõ ngách, nhất là ở các thành phố lớn, các địa phương phát triển, những địa bàn đông công nhân và sinh viên. 

Ông Hiểu cho biết, nhân viên của các cơ sở tín dụng đen tìm đủ cách tiếp cận công nhân lao động và sinh viên, nhất là những người đang gặp khó khăn.

Nhiều người đang cần tiền đã bị sập bẫy, phải thế chấp bản chính hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy tờ xe để được vay tiền với lãi suất 30%-60%, khi nhận tiền liền bị trừ lại phần lãi 1 tháng, còn lại chia đều trả góp mỗi ngày.

Khi người vay không có tiền để trả góp hàng ngày, liền bị đòi nợ kiểu xã hội đen: khủng bố tinh thần, chửi bới, đe dọa, đánh đập, đập phá tài sản, cưỡng đoạt tài sản… Nhiều người phải bỏ việc, chuyển nhà đi nơi khác hoặc không dám đến nơi làm việc do bị đòi nợ.

Từ những bất cập nói trên đại biểu Hiểu đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương quan tâm chỉ đạo lực lượng công an và quản lý thị trường phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các đợt truy quét tấn công tín dụng đen, sớm đưa ra xử lý một số vụ điển hình với hình phạt nghiêm khắc để răn đe và phòng ngừa chung.

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng hợp pháp của nhà nước cần chủ động, tích cực tiếp cận công nhân lao động và sinh viên với các thủ tục cho vay thuận lợi, nhanh gọn, giúp công nhân và sinh viên khi có nhu cầu thì cần được tiếp cận tiền, tài chính với mức lãi suất phù hợp với điều kiện thực tế vào cuộc sống của họ.

 >> Ngăn chặn nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi

Có thể bạn quan tâm