Đại học Fulbright Việt Nam có diện tích 15ha được xây dựng tại Khu công nghệ cao Q.9. Nguồn: Fulbright Việt Nam
Xây trường, thành lập khu công nghệ cao tại Q.9
Ngày 6/6, Đại học Fulbright Việt Nam tiến hành lễ động thổ, khởi công xây dựng trụ sở chính đặt tại Khu công nghệ cao TP.HCM, Q.9. Trụ sở chính của Đại học Fulbright Việt Nam sẽ được xây dựng trên khu đất có diện tích 15ha. Sau khi đi vào hoạt động đây là trung tâm đào tạo hàng đầu của Việt Nam, tạo nên sự kết nối về giáo dục với Đại học Quốc gia TP.HCM gần đó.
Thêm một thông tin đáng chú ý về hạ tầng là TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho thành phố điều chỉnh chức năng quy hoạch sử dụng đất từ quy hoạch đất du lịch, di tích và danh thắng thành đất khu công viên khoa học và công nghệ. Với tổng diện tích khoảng 195ha, sau khi hoàn thành, đây sẽ là khu công nghệ cao thứ hai của TP.HCM, sau khu công nghệ cao hiện hữu tại P.Tân Phú, cũng tại Q.9.
Khu công viên khoa học và công nghệ sẽ là nơi kết nối tri thức giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ cao, tạo môi trường phát triển thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ, công nghiệp công nghệ cao chủ lực.
Thành phố dự kiến tạo nên khu vực nghiên cứu, thực nghiệm, cải tiến và chuyển giao công nghệ, có mối quan hệ mật thiết với khu công nghệ cao hiện hữu; là khu vực dành cho các doanh nghiệp kỹ thuật cao với mục tiêu áp dụng triển khai các thành tựu khoa học công nghệ mới nhất cũng như nghiên cứu cải tiến.
Dự kiến sau khi hoàn thành, cùng với khu công nghệ cao hiện hữu, khu công nghệ cao thứ hai này sẽ trở thành 1 trong 3 khu vực hạt nhân quan trọng trong cấu trúc đô thị sáng tạo phía Đông thành phố gồm các Q.2, 9 và Thủ Đức.
Tiềm năng bất động sản
Giới chuyên môn nhận định rằng, mặc dù đã phát triển mạnh thời gian qua, song dư địa về quỹ đất để phát triển dự án mới dọc các trục giao thông lớn vẫn còn nhiều. Cùng với chủ trương mới về phát triển thị trường của TP.HCM, dự báo xu hướng phát triển của thị trường bất động sản TP.HCM thời gian tới vẫn tập trung dọc các công trình giao thông, trong đó khu Đông sẽ dẫn đầu cho xu thế này.
Trong khi nguồn cung các khu vực khác tăng khá ổn định trong năm 2018 thì riêng khu Đông lại có sự khan hiếm nguồn hàng nhất định, đặc biệt là vào khoảng cuối năm 2018 khi hàng loạt dự án tại đây bị chậm triển khai theo kế hoạch. Điều này dẫn đến nguồn cung căn hộ tại khu Đông năm 2018 giảm 33% so với năm 2017, kéo theo số căn bán được cũng giảm 30%.
Nhiều dự án nhà ở chất lượng cho người dân có nhu cầu ở thực được xây dựng tại khu Đông
Dọc theo trục đường Mai Chí Thọ và cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc địa bàn Q.2, Q.9 sau khi các tuyến đường này đưa vào hoạt động, đã kéo theo làn sóng đầu tư của hàng loạt dự án mới như Khu đô thị Sala của Đại Quang Minh, dự án của Novaland, hay các dự án của Khang Điền…
Kể từ khi tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên được đầu tư, dù chưa chính thức đi vào hoạt động, nhưng dọc theo cung đường này, đã xuất hiện hàng loạt dự án bất động sản lớn, cung ứng cho thị trường hơn 77.200 căn hộ, chiếm hơn 40% tổng lượng căn hộ của thị trường TP.HCM.
Với các dự án đủ điều kiện bán hàng, nguồn cung tại TP.HCM năm 2019 phần lớn nằm ở phân khúc trung cấp, phân khúc bình dân dần khan hiếm, đặc biệt là cao cấp, siêu cao cấp do các dự án ở trung tâm bị rà soát, thu hồi. So sánh giá bán căn hộ tại Q.2, Q.9 ở thời điểm hiện tại với cách đây khoảng 2 năm, có thể thấy các căn hộ tại đây đã gia tăng trung bình từ 40 – 60% giá trị thậm chí có nhiều nơi tăng lên vài trăm phần trăm, và tính thanh khoản luôn đạt tỷ lệ hơn 90%.
Đặc biệt, các dự án đã và đang hoàn thiện nằm dọc những trục đường chính của khu Đông khi mở bán đều được người mua ở thực và nhà đâu tư đón nhận, hết hàng nhanh chóng.