“Tình biên viễn” và chủ ý của Đỗ Quyên Hoa

Nổi tiếng với thương hiệu thời trang thêu tay, nhiều năm cùng đam mê nhiếp ảnh, tự nhận mình chỉ học “mỹ thuật bụi” nhưng lại đủ sức gây bất ngờ trong làng hội họa; dù ở lĩnh vực nào, nữ doanh nhân Đỗ Quyên Hoa luôn tâm niệm mang sự quyết liệt cùng nét tính nữ riêng biệt vào trong công việc đó.
“Tình biên viễn” và chủ ý của Đỗ Quyên Hoa

Người viết từng có cơ duyên gặp nhiều nữ doanh nhân, ai nấy hoặc duyên dáng mềm mại, hoặc sắc sảo khéo léo theo cách của riêng họ. Chỉ riêng Đỗ Quyên Hoa là một cá tính riêng, mà nếu có một từ gì để diễn tả, đành mạn phép gọi tạm là “quyết liệt”. Đó là một người đàn bà “quyết liệt” dốc cạn bầu nhiệt cho đam mê: từ đam mê thiết kế với thương hiệu thời trang thêu tay cao cấp Azelea nay đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường, cho đến mê hội họa với triển lãm “Tình biên viễn” nhận được nhiều lời có cánh từ giới mộ điệu.

Người họa sĩ và chủ đề Tây Bắc: Khi miền đất gọi

Trong những ngõ ngách cuộc đời khi người họa sĩ lượm lặt đề tài và phơi bày nó lên mặt tác phẩm, sẽ luôn có nhiều hơn những bi kịch, giận hờn, bất lực, căm phẫn… lẩn khuất một cách vi tế và len lỏi trong mạch ngầm sáng tạo. Nhưng về bản chất, điều duy nhất làm cho tác phẩm luôn hướng tới sự nhân văn và thiện lương là chủ ý của chính bản thể họa sĩ, thông qua hình khối - dù vuông tròn hay góc cạnh, và màu sắc - dù ảm đạm hay tươi sáng.

Tức là, dù chất liệu cuộc sống có hình thù và dư vị ra sao, chính bản thân họa sĩ phải là người quản trị và thanh lọc xúc cảm, để hướng tác phẩm tới bờ cõi của sự tích cực (và có đôi khi là sự cứu rỗi). Khi ngắm nhìn triển lãm tranh “Tình biên viễn” của Đỗ Quyên Hoa, sự thanh lọc và tinh thần tích cực đó thể hiện rất rõ cùng với bản sắc thiện lương đầy tính nữ của một nữ họa sĩ trải đời nhưng vẫn giữ cho riêng mình nhãn quan hồn nhiên chi sơ.

Trong dịp triển lãm “Tình biên viễn” hồi tháng 7 tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia, Đỗ Quyên Hoa trưng bày loạt 39 tác phẩm chủ đề Tây Bắc được sáng tác và hoàn thành trong hai năm diễn ra dịch bệnh. Người viết đến thưởng tranh, và trộm nghĩ: rượu Tây Bắc mềm môi, tranh Tây Bắc mềm chân. Sự níu gọi của cảnh vật, màu sắc thật khiến người ta khó dời chân đi, nhất là khi mọi sự được thanh lọc qua lăng kính hội họa đầy tính nữ và bút pháp hiện thực lãng mạn của riêng Đỗ Quyên Hoa.

Đỗ Quyên Hoa

Nói về mối duyên với Tây Bắc, Đỗ Quyên Hoa nhận định đó là một sự kỳ diệu, nhưng cũng thường tình. “Thời gian tôi tiếp xúc với Tây Bắc khá nhiều. Trừ hai năm dịch COVID-19, từ năm 2012, năm nào tôi cũng lên Tây Bắc mỗi năm 3-4 lần, có những lần ở lại chỉ 4-5 ngày, có lần ở lại lâu nhất là 2 tuần, có lúc đi cùng đoàn, cũng có lúc đi một mình. Tình yêu với Tây Bắc là một tình yêu có thật. Không phải một mình tôi mà rất nhiều anh chị em làm nghệ thuật đều có chung tình cảm đó, lâu không lên là nhớ, lên là không muốn về, về lại muốn lên ngay. Điều kỳ diệu của Tây Bắc nằm ở chỗ đó, không bao giờ làm cho người ta chán. Tây Bắc có một cái gì đó thôi thúc, giục giã, gọi mời và mong chờ mình”.

Sự thôi thúc của tình yêu và nỗi nhớ Tây Bắc trong khoảng thời gian dịch bệnh đã chắp bút cho Đỗ Quyên Hoa, chị vẽ không ngơi tay những diện mạo Tây Bắc mà chỉ cần nhắm mắt là hiện lên trong đầu: Dặm về, Cô bé và chim vành khuyên, Chiều mưa biên giới, Bát cơm mùa mới, Mùa hoa chuối rừng, Cổng nhà em Tươi ở Lô Lô Chải, Cái ngủ, Bình yên Tây Bắc, Yêu một ánh mắt...

Cùng chủ đề Tây Bắc, ở “Tình biên viễn” của Đỗ Quyên Hoa, người ta thấy núi rừng, nhà sàn, đường về, nắng chiều, sương sớm, ngựa thồ, những đứa trẻ… hiện lên qua những gam màu xanh - đỏ nội sinh rực rỡ xen lẫn bàng bạc chất biên cương, tầng tầng lớp lớp tạo độ biến ảo cho tranh. Sắc độ tương phản đẩy lên mạnh mẽ thông qua chất liệu sơn dầu hay acrylic, kết hợp với bố cục chặt chẽ và phương thức bắt khoảnh khắc nhà nghề của những tay nhiếp ảnh tạo thành hiệu ứng phân tách hình họa và tĩnh động. Mạch nguồn chất thơ tràn ra từ màu sắc tranh và nhịp độ cuộc sống yên bình trong ấy, sự lãng mạn được chưng cất từ chất liệu thực tại, trong gian nan và nghèo khó. Cảm thức biên viễn kết hợp với phương thức xử lý hình họa, làm chủ chất liệu thấm đượm hơi thở đương đại, làm nổi bật lên vẻ đẹp nguyên sơ, bình dị của một vùng đất đầy sức sống, giàu chất thơ.

Đỗ Quyên Hoa

Để hội họa không giẫm chân nhiếp ảnh

Tranh của Đỗ Quyên Hoa phảng phất góc nhìn của một nhiếp ảnh gia, nhưng nếu nói Đỗ Quyên Hoa vẽ trong mắt nhìn một nhiếp ảnh gia thì không hẳn thế. Cái đẹp của nhiếp ảnh khác hội họa, bởi nhiếp ảnh là khoảnh khắc, nhưng trong khoảnh khắc của nhiếp ảnh có thể thiếu nhiều thứ mà hội họa đòi hỏi.

Ngay khi bắt đầu nghiên cứu tư liệu chụp trước đây, tôi đã từng hỏi một họa sĩ có tuổi và có tiếng, rằng  làm thế nào để hội họa không giẫm chân lên nhiếp ảnh. Tôi nhận được một câu trả lời rất đơn giản: Hội họa phải ăn nhiếp ảnh. Tức là nếu nhiếp ảnh chỉ là tư liệu để ta chế biến một món ăn, thì hội họa cần nhiều hơn cái khâu chế biến đó, ta phải xào nấu lên để nó có hương vị, biến nó thành cái của mình, một cách chủ quan. Tất nhiên nhiếp ảnh cũng có yếu tố chủ quan trong đó, chẳng hạn cách chọn góc, làm ánh sáng… Cái khác là cách đặt vấn đề của mình, cũng con người đấy, đất đai đấy, căn nhà đấy nhưng cách đặt vấn đề phải toát lên sự có chủ ý, phải làm sao cho mỗi tác phẩm là một câu chuyện, hướng tới sự tích cực, thích ứng với hoàn cảnh và vượt lên trên hoàn cảnh, có thế nào phải sống thế ấy, sống hồn nhiên và lạc quan”, nữ họa sĩ chia sẻ.

Đỗ Quyên Hoa

Và vì thế, chủ ý của Đỗ Quyên Hoa trong chùm tranh về Tây Bắc là để mỗi nhân vật trong tác phẩm như tồn tại trong một vầng sáng, với gam màu tươi sáng, lung linh, nghèo khó nhưng không bi lụy. Và hơn thế nữa, Đỗ Quyên Hoa muốn ngòi bút của mình phải lột tả được toàn vẹn cái đẹp thánh thiện, hồn nhiên, trong veo của miền đất này, một vẻ đẹp miền xuôi bây giờ đã hiếm hoi lắm.

Đến một ngày nào đó, có lẽ chúng ta sẽ nhận ra rằng nghệ thuật về bản chất chỉ là một phương thuốc chữa lành”, trích lời nhà văn J. M. G. Le Clézio. Và Đỗ Quyên Hoa, có lẽ trong hành trình kiếm tìm và “chữa lành” thế giới hồn nhiên của bản thân chị, đã “tìm thấy” một Tây Bắc kỳ diệu đến vậy.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền trao thưởng cho các hộ nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất giỏi tại Buôn Eana

20 năm kết nghĩa giữa Phân bón Bình Điền và buôn Eana: Vẹn một chữ tình!

Chương trình kết nghĩa giữa Phân bón Bình Điền và buôn Eana không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ vật chất, mà còn tạo ra một mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ công nhân viên của công ty và người dân, cùng nhau vượt qua nhiều thử thách, xây dựng một cộng đồng vững mạnh, đoàn kết và phát triển…

Vì sao quế được xem là một trong những gia vị tốt nhất thế giới?

Vì sao quế được xem là một trong những gia vị tốt nhất thế giới?

Không chỉ có hương vị độc đáo và tinh tế, quế còn mang lại hàng loạt lợi ích sức khỏe như hỗ trợ giảm viêm, hạ đường huyết và cải thiện sức khỏe tim mạch. Từ xưa đến nay, loại gia vị luôn được đánh giá là một trong những lựa chọn hàng đầu cho các chế độ ăn uống lành mạnh…