TP.HCM đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu

Sở Công thương TP.HCM đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu xuống còn 3 - 5 ngày, đồng thời đảm bảo chiết khấu tối thiểu 500 đồng/lít.

Sở Công thương TP.HCM vừa tham mưu cho UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng rút ngắn thời gian kỳ điều chỉnh giá xăng dầu.

Theo đó, Sở Công thương TP.HCM cho rằng nên rút ngắn thời gian kỳ điều chỉnh giá xăng dầu còn từ 3-5 ngày (kể cả ngày nghỉ) so với quy định hiện hành là 10 ngày để giá xăng dầu bám sát với biến động của thị trường thế giới.

Trước khi đề xuất này được thông qua, Sở Công thương TP.HCM cũng đề xuất giữ nguyên thời gian kỳ điều chỉnh vào đúng ngày 1,11,21 hàng tháng, ko chuyển sang ngày khác kể cả khi kỳ điều chỉnh rơi vào ngày nghỉ.

Trong trường hợp giá xăng dầu biến động phức tạp, bất thường, Sở Công thương TP.HCM đề nghị Chính phủ tạo cơ chế để liên Bộ Tài chính - Công thương được tự chủ rong việc quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu phù hợp.

Sở Công thương TP.HCM đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu
Sở Công thương TP.HCM đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu

Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng cho rằng, để khắc phục tình trạng thương nhân bán lẻ xăng dầu không nhập hàng vì kinh doanh thua lỗ, Bộ Công thương cần chỉ đạo thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận, đảm bảo mức chiết khấu tối thiểu 500 đồng/lít để các cửa hàng có thể duy trì hoạt động.

Ngoài ra, Sở Công thương TP.HCM cũng đề nghị tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu như chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức theo hướng phản ánh đầy đủ các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu. 

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), càng rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu thì càng tốt vì bám sát biến động giá thế giới, sẽ có lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với nhà nước, trong điều hành vĩ mô, thì cần cân nhắc. Bởi xăng dầu là huyết mạch của nền kinh tế, việc thay đổi liên tục sẽ khiến khó kiểm soát được lạm phát. Ngoài ra còn nhiều vấn đề từ nhập khẩu, phân phối… cần có cơ chế vận hành từ các bộ, ngành, doanh nghiệp…

Có thể bạn quan tâm