Sáng 11/7, Hội nghị đối thoại về chính sách ngân hàng và kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn quận Tân Bình - Tân Phú đã diễn ra với sự tham gia của nhiều tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp.
Đây là sự kiện do UBND quận Tân Bình phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP.HCM và UBND quận Tân Phú tổ chức nhằm kết nối, chia sẻ, nắm bắt và giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc, giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Ngay tại hội nghị này, các ngân hàng đã cam kết cho 34 doanh nghiệp, hộ kinh doanh vay gần 793 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi. Trong đó, hơn 508 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở quận Tân Bình và 284,6 tỷ đồng dành cho 17 doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở quận Tân Phú.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, đầu năm 2023, có 20 ngân hàng thương mại tại TP.HCM đã đăng ký gói tín dụng với tổng số tiền hơn 453 nghìn tỷ đồng. Tính đến hết tháng 6/2023, các ngân hàng đã giải ngân được hơn 375 nghìn tỷ đồng cho 86.351 khách hàng, đạt tỷ lệ gần 83%.
Nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi này chủ yếu được tập trung vào các lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP.HCM, chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp của của TP.HCM được thực hiện từ nhiều năm nay, đã mang lại lợi ích thiết thực, giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua được khó khăn, tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động và tăng nguồn thu cho ngân sách. Hầu hết các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, đảm bảo thanh toán các khoản nợ đúng hạn như đã cam kết với ngân hàng.
Trong năm 2022, có 13 ngân hàng trên địa bàn thành phố đăng ký gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với tổng số vốn đạt 434.280 tỷ đồng. Thông qua chương trình, đã giải ngân được 568.340 tỷ đồng, vượt 131% số vốn đăng ký và tăng 16,65% so với năm 2021. Trong đó, có những khoản vay lãi suất 6%/năm đối với ngắn hạn, dài hạn là 10%/năm.
Trong một diễn biến khác, Chính phủ vừa tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay, phấn đấu giảm ít nhất khoảng 1,5 - 2%, nghiên cứu thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng.
Các giải pháp cần hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát để ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chính phủ cũng yêu cầu xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn, cả năm khoảng 13-15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn.
Ngoài ra, đơn vị liên quan cần khẩn trương xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu; có các giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.