Nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, sẵn sàng đấu thầu triển khai Dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa
Trong cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM ngày 5/3, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, cho biết dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa hiện có 5 nhà đầu tư quốc tế, rồi các nhà đầu tư trong nước để ý.
Nhiều nhà đầu tư có tiềm năng lớn đã đưa ra các cam kết để thực hiện dự án như ký quỹ, hỗ trợ bồi thường..., tuy nhiên, họ cũng đòi hỏi chúng ta phải có những chính sách ưu đãi để họ thực hiện dự án.
Cũng theo ông Hoan, đối với dự án Bình Quới – Thanh Đa, TP đã có chủ trương rà soát lại quy hoạch cũ trước đây để nghiên cứu rà soát, điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế. Những quy hoạch do nhà đầu tư trước đây đề xuất hiện nay không còn phù hợp nữa. Thành phố cũng có những chủ trương như cấp giấy phép xây dựng tạm cho người dân, xem xét điều chỉnh lại quy hoạch đất, tính toán cân nhắc làm sao để tạo tác động ít đến người dân.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đang nghiên cứu để tạo điều kiện cho người dân, xem xét để người dân có thể tự phát triển mà vẫn phù hợp với quy hoạch chung, làm sao tác động đến người dân thấp nhất.
Ngoài ra, thành phố và Sở KH&ĐT cũng đang nghiên cứu để chọn những tiêu chí ổn nhất nhằm tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Được biết, dự án Khu đô thị bán đảo Bình Quới - Thanh Đa là dự án có quy mô lớn được UBND TPHCM phê duyệt quy hoạch năm 1992 với tổng diện tích hơn 426 ha (toàn bộ địa bàn phường 28, quận Bình Thạnh), dân số khoảng 45.000 người.
Năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Đến năm 2010 thành phố thu hồi và giao lại cho một công ty lập quy hoạch 1/2.000 do dự án triển khai quá chậm
Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TPHCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng.
Tổng mức đầu tư nói trên chỉ bao gồm chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chính của toàn bộ dự án và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện thu hồi đất để thực hiện dự án. Trong đó, riêng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng dự kiến gần 22.800 tỉ đồng.
Đến tháng 10.2016, Công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi dự án. Theo quy định mới, dự án phải được tổ chức đấu thầu lại từ đầu để chọn lựa nhà đầu tư.