TP.HCM: Rộ tình trạng lừa đảo giao dịch bất động sản

Tình trạng một căn hộ, một nền đất bán cho nhiều người hay dự án thế chấp ngân hàng vẫn mang ra giao dịch với khách hàng… thời gian qua đang nở rộ nhiều nơi khiến cho người dân đã lỡ trót mua điêu đứn
TP.HCM: Rộ tình trạng lừa đảo giao dịch bất động sản

Cảnh báo dự án "ma" của UBND Xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn

Theo tìm hiểu của Thương Gia, hầu hết các dự án này xảy ra tại các quận, huyện ngoại thành như Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn…

Huyện Hóc Môn tràn lan giao dịch đất nông nghiệp

Theo phản ánh của một số người dân, tình trạng mua bán, giao dịch BĐS tại khu vực này diễn ra phức tạp, bát nháo. Nhiều trường hợp lừa đảo mua bán đất nông nghiệp, công viên… đã diễn ra công khai.

Mới đây, bà V.T.N (ngụ tại P.15, Q.Tân Bình) phản ánh đã đặt cọc 300 triệu đồng cho bà Phạm Thị Thu Thủy (P.15, Q.5) để mua một phần thửa đất số 641 tại xã Đông Thạnh (H.Hóc Môn) có giá gần 1,5 tỷ đồng.

Hợp đồng mua bán ghi rõ, trong thời hạn từ 4 - 7 tháng bà Thủy phải có nghĩa vụ đi công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang tên cho bà N.

Thế nhưng quá thời hạn nêu trong hợp đồng đặt cọc, bà Thủy vẫn không thực hiện hợp đồng theo cam kết. Khi đến xã Đông Thạnh tìm hiểu, bà N mới biết rằng đây chỉ là dự án ảo. Đó là thửa đất 641, diện tích sử dụng gần 10.500 m2 là đất lúa của ông Mai Văn Khỉ (H.Hóc Môn).

"Lãnh đạo xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn cho biết, tính đến thời điểm này chỉ riêng thửa đất trên có đến 50 đơn trình báo bị lừa tiền đặt cọc.

Hiện UBND xã đã tiếp nhận và chuyển qua cơ quan công an điều tra. Thửa đất trên, về mặt pháp lý vẫn thuộc quyền sở hữu của ông Khỉ và chưa chuyển nhượng. Trên phần đất đó cũng không có dự án nào cả. UBND xã đã thông báo thông tin này trên bản tin truyền thanh của địa phương để khuyến cáo người dân khi có nhu cầu cần liên hệ với UBND xã tìm hiểu thông tin cụ thể, tránh bị lừa.

Theo UBND H.Hóc Môn, các khu đất đang có dấu hiệu lừa đảo phân lô, bán nền tập trung tại các xã Xuân Thới Thượng, Nhị Bình, Đông Thạnh, Tân Thới Nhì và Tân Xuân.

Quận Bình Tân một nền đất bán cho nhiều người

Đây là một trong những địa bàn có nhiều phản ánh về tình trạng bất ổn trong các giao dịch BĐS trong thời gian qua.

Tuần qua, nhiều khách hàng kéo đến trụ sở Công ty Hoàng Kim Land tại Q.7, TP.HCM để tố cáo hành vi lừa đảo của công ty này. người các khách hàng này bị lừa khi mua đất tại dự án đường số 7, Khu dân cư Vĩnh Lộc, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân.

Khách hàng giăng băng rôn, biểu ngữ đòi tiền Công ty Hoàng Kim Land

Theo đó, mặc dù chưa thanh toán tiền đầy đủ cho chủ đất và chưa đầy đủ giấy tờ pháp lý để thực hiện triển khai dự án đất nền nhưng Công ty Hoàng Kim Land đã tự vẽ bản đồ, tiến hành phân lô, rao bán và nhận tiền đặt cọc hơn 35 khách hàng với số tiền lên tới hơn 60 tỷ đồng.

Điều đáng nói, Công ty Hoàng Kim Land còn bán một nền đất cho nhiều khách hàng khác nhau, cụ thể tại lô 19 có đến 3 khách hàng cùng làm hợp đồng góp vốn. Mỗi khách hàng đã phải đóng đến 50% giá trị lô đất, trung bình từ 900 triệu đến 1,5 tỷ đồng.

Hiện khách hàng vẫn đang tiếp tục đấu tranh với Công ty Hoàng Kim Land đòi quyền lợi chính đáng của mình. Dự kiến, ngày 17/5/2019 hai bên sẽ có buổi làm việc lần thứ 4 để giải quyết những tranh chấp này.

Quận Thủ Đức tự phân lô bán đất nằm trong quy hoạch trường học

Mới đây, UBND phường Linh Trung, quận Thủ Đức phát hiện Công ty cổ phần đầu tư Angle Lina (trụ sở tại số 92/B20 Tôn Thất Thuyết, quận 4) và Công ty BĐS Hoàng Ân Group (số 254 Linh Trung, KP.1, phường Linh Trung, quận Thủ Đức) tự ý vẽ phân lô tại bãi đất trống thuộc tổ 5, KP.6, P.Linh Trung để bán.

Đáng chú ý, vị trí bãi đất trống rao bán trên là khu đất nằm trong quy hoạch Đại học Quốc gia TP.HCM, đang chờ thực hiện chính sách giải tỏa đền bù. Nhận thấy sự việc có dấu hiệu lừa đảo, UBND phường thông báo đến người dân sống trên địa bàn và các khu vực lân cận biết để tránh bị kẻ xấu lừa đảo.

Trước tình trạng giao dịch BĐS bất hợp pháp trên, các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đã phải phát đi thông báo khẩn cấp gửi đến người dân, cảnh báo các cơn sốt ảo về đất nền đã và đang diễn ra tại các huyện ngoại thành trên địa bàn. Cảnh báo người dân cần cảnh giác các “dự án đất nền, nhà ở không hợp pháp” trên các trang mạng xã hội, qua hình thức phát tờ rơi và thông qua các dịch vụ môi giới BĐS, “cò đất”…

Các địa phương cũng yêu cầu cơ quan chức năng nắm tình hình an ninh trật tự tại khu vực, kịp thời ngăn chặn và tham mưu xử lý các tổ chức, tránh tình trạng bị kẻ gian lợi dụng trục lợi bất chính. Đồng thời, tập trung xử lý các trường hợp quảng cáo, tiếp thị mua bán đất nền, dự án sai quy định.

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…