TP.HCM: Tăng cường chống thất thu ngân sách nhà nước

Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách nhà nước TP.HCM vừa ban hành kế hoạch tăng cường công tác quản lý thu, đôn đốc thu, chống thất thu ngân sách nhà nước năm 2022.
TP.HCM: Tăng cường chống thất thu ngân sách nhà nước

Theo đó, Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách nhà nước TP.HCM yêu cầu tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý thu, tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp phù hợp, hiệu quả trong công tác thu ngân sách; Ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế.

Các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo và cùng phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước các nguồn thu trên địa bàn.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thuế có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng các chuyên đề có rủi ro cao về thuế, hướng đến tuyên truyền việc tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế. Mặt khác, thực hiện đôn đốc thu và khai thác các nguồn thu phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022.

Cụ thể, trong năm 2022, TP.HCM tăng cường quản lý chống thất thu ngân sách đối với lĩnh vực tư vấn, thiết kế, xây dựng; Lĩnh vực ngân hàng; Các cơ sở y tế. Đồng thời, kiểm tra hoạt động chuyển giá đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết; Quản lý thu đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; công tác thanh kiểm tra sau hoàn thuế; Quản lý thu đối với lĩnh vực nhà đất; quản lý thuế đối với hoạt động cho thuê nhà, cho thuê mặt bằng kinh doanh.

Sở Tài chính TP.HCM cho biết, tính đến cuối tháng 4/2022, tổng thu ngân sách nhà nước (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) ước thực hiện 168.177 tỷ đồng, đạt 43,51% dự toán năm và tăng 13,87% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong hoạt động thu ngân sách thành phố 4 năm gần đây.

Trong đó, thu nội địa ước đạt 124.267 tỷ đồng, đạt trên 46% dự toán, tăng 15,41% so cùng kỳ; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 43.900 tỷ đồng, đạt 37,68% dự toán, tăng 9,75% so cùng kỳ.

Đây là kết quả của việc thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế thành phố giai đoạn 2022-2025 với nhiều giải pháp quyết liệt hiệu quả nhằm khắc phục đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Cùng với tác động tích cực của các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp cũng như kích thích tiêu dùng trong nước mà thành phố đã triển khai thời gian qua.

Dù ghi nhận những kết quả khả quan, song lãnh đạo ngành tài chính thành phố cũng đánh giá hoạt động thu ngân sách trên địa bàn TP.HCM có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong thời gian tới.

Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết số thu nội địa trên địa bàn có thể bị ảnh hưởng đáng kể, do một số chính sách tài khóa lớn hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi mới có hiệu lực.

Cụ thể, Nghị định 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15. Trong đó có hướng dẫn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% có hiệu lực từ ngày 01/02/2022 sẽ tác động tích cực lên thị trường, giúp lưu thông hàng hóa tốt hơn. Tuy nhiên, chính sách này sẽ khiến thu ngân sách thành phố sẽ giảm đáng kể. Ước tính từ nay đến cuối năm ngân sách thành phố có thể sẽ giảm từ 8.000-10.000 tỷ đồng, bình quân giảm trên dưới 1.000 tỷ đồng/tháng.

Năm 2022, Trung ương giao thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP.HCM đạt khoảng 386.568 tỷ đồng, tăng 5,9% so với dự toán năm ngoái. Trong đó, số thu nội địa, kể cả dầu thô là 270.068 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 116.500 tỷ đồng.

Để hoàn thành mục tiêu trên, ngành tài chính TP.HCM cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, khu vực thu, sắc thuế để có phương án chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, dự báo số thu từng tháng, từng quý sát với thực tế phát sinh và áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro với nghiệp vụ quản lý thuế.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

2025 sẽ đầy thử thách với kinh tế và chứng trường Việt Nam

2025 sẽ đầy thử thách với kinh tế và chứng trường Việt Nam

Nửa đầu năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam dự báo sẽ đối mặt với nhiều biến động do tăng trưởng GDP có thể chậm lại và đồng VND chịu áp lực. Tuy nhiên, triển vọng tích cực hơn được kỳ vọng vào cuối năm khi các yếu tố này có thể đảo chiều, mở ra cơ hội phục hồi...

Chứng khoán Mỹ phục hồi sau dữ liệu lạm phát

Chứng khoán Mỹ phục hồi sau dữ liệu lạm phát

Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm vào thứ Sáu khi báo cáo lạm phát mới và bình luận từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm dịu bớt lo ngại về tình hình tăng lãi suất vào năm sau…