Tranh luận trực tiếp Trump-Clinton lần 2: Cơ hội “phục thù” cho tỷ phú Trump?

Cuộc tranh luận lần thứ 2 giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump sẽ diễn ra ngày 9/10 tại trường Đại học Washington thuộc bang Missouri. Khác với lần trước khi các câu hỏi được đưa ra bởi ngườ
Tranh luận trực tiếp Trump-Clinton lần 2: Cơ hội “phục thù” cho tỷ phú Trump?

Cuộc tranh luận lần thứ 2 giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump sẽ diễn ra ngày 9/10 tại trường Đại học Washington thuộc bang Missouri.

Khác với lần trước khi các câu hỏi được đưa ra bởi người điều phối, cuộc tranh luận lần này sẽ được tổ chức dưới hình thức giống như một phiên họp thị trấn trong đó một nửa số câu hỏi sẽ được trực tiếp đưa ra bởi những người dân tham dự, số còn lại sẽ do người điều phối hỏi dựa trên các chủ đề được dư luận quan tâm nhiều trên mạng xã hội và các nguồn khác.

Những người tham dự sẽ là các cử tri chưa cam kết bầu cho ứng cử viên nào được Viện Gallup (tổ chức nghiên cứu cung cấp dịch vụ về tư vấn, quản lý nguồn nhân lực, điều tra thống kê đặt trụ sở tại Washington, Mỹ) chọn ra.

Mỗi ứng cử viên sẽ có 2 phút để trả lời và thêm 1 phút để thảo luận vấn đề mà người điều phối đưa ra và người điều phối lần này dự kiến là ông Anderson Cooper, một người dẫn chương trình của kênh truyền hình CNN.

Trump sẽ bị xoay vấn đề thuế, Clinton là về sức khỏe?

Tới thời điểm này vẫn chưa có các chủ đề cụ thể cho cuộc tranh luận nhưng qua theo dõi báo chí, truyền thông, dư luận và các mạng xã hội, chúng tôi thấy một số vấn đề có thể sẽ được đề cập tới tại buổi tranh luận và những vấn đề này có thể sẽ được các ứng cử viên xoay sang sử dụng để giành sự ủng hộ của cử tri và công kích nhằm giảm uy tín của đối thủ.

Đối với ông Trump, vấn đề lớn nhất vẫn là chuyện công khai thuế thu nhập cá nhân. Mới đây, ngày 1/10, tờ New York Times tiết lộ rằng ông Trump đã báo lỗ 916 triệu USD vào năm 1995 và nhờ khoản lỗ đó ông Trump đã tránh được việc phải đóng thuế thu nhập trong vòng gần 20 năm qua.

Ngoài vấn đề về thuế thu nhập, ông Trump còn có thể gặp 1 số thách thức khác như phân biệt giới, chính sách đối với người nhập cư, ngược đãi người lao động, và ngoài ra còn có thông tin ông Trump tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Cuba năm 1998, điều trái với lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba, và còn có cáo buộc công ty bất động sản của ông Trump cho thuê văn phòng đối với một ngân hàng Iran mà giới chức Mỹ cho rằng có mối liên hệ với chủ nghĩa khủng bố.

Còn đối với bà Clinton, dư luận và bản thân ông Trump sẽ có thể có những câu hỏi liên quan tới tình hình sức khỏe của bà, bê bối ngoại tình của chồng bà là cựu tổng thống Bill Clinton, cuộc chiến ở Libya, vấn đề sử dụng email cá nhân trong công việc thời bà Clinton còn làm Ngoại trưởng, và mối quan hệ của bà Clinton với Phố Wall.

Sau buổi tranh luận ngày 26/09, các tờ báo, mạng thông tin lớn của Mỹ tiếp tục có những điều tra dư luận đối với bà Clinton và ông Trump và tới nay tỷ lệ ủng hộ của cử tri tiếp tục nghiêng nhiều về phía bà Clinton.

Cơ hội để ông Trump lật ngược tình thế

Cuộc thăm dò do Politico/Morning Consult thực hiện cho thấy bà Clinton đang dẫn trước Trump 6 điểm phần trăm, so với mức chỉ 1 điểm phần trăm ở thời điểm trước cuộc tranh luận. Một cuộc thăm dò khác cho thấy ở bang Virginia, nơi nhiều cử tri còn dao động, chưa biết bỏ phiếu cho ai, tỷ lệ ủng hộ dành cho bà Clinton đã vượt ông Trump tới 7 điểm phần trăm.

Các cuộc thăm dò cho thấy bà Hillary đang dẫn trước ông Trump

Mặc dù các ý kiến có vẻ nghiêng về bà Clinton sau buổi tranh luận đầu tiên, những người ủng hộ ông Trump vẫn tin rằng ông còn khả năng để thay đổi, cho dù ông không thể hiện bất kỳ mối quan tâm nào với điều đó. Ưu thế của ông Trump có vẻ nằm ở lĩnh vực kinh tế - lĩnh vực bị cho là điểm yếu của bà Clinton.

Ngoài ra hiện tại, nhiều người Mỹ vẫn đang hoài nghi, thậm chí là không ưa cựu đệ nhất phu nhân. Đặc biệt, bà Clinton rất không được lòng cử tri trẻ. Đa số người Mỹ tin rằng nước Mỹ đang đi sai đường, và đây là một điều tồi tệ đối với Đảng Dân chủ cầm quyền.

Trong bối cảnh như vậy, ông Trump hoàn toàn có cơ hội thắng, nhất là với tỷ lệ cử tri ủng hộ ông hiện ở mức khoảng 40%. Trước đây, ông Trump từng bị bà Clinton dẫn trước với khoảng cách lớn về tỷ lệ ủng hộ, nhưng sau đó đã đuổi kịp đối thủ.

“Ông trùm” địa ốc vẫn còn đủ thời gian để làm điều đó thêm lần nữa. Ngoài ra, ông vẫn đang dẫn trước ở Ohio và gần hòa ở các bang Florida, Colorado, cùng một số bang khác. Nhưng kịch bản ông “Trump có thể xoay chuyển tình thế” phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng của ông Trump tự thay đổi mình để trở thành một ứng cử viên hoàn toàn khác.

Có thể có bất ngờ

Trong cuộc tranh luận tới diễn ra ở Missouri, hai ứng cử viên phải tiếp nhận các câu hỏi và tương tác với khán giả là người dân. Bà Clinton đã rất quen với việc này, trong khi ông Trump thì không.

Nếu ông Trump khiến mọi người bất ngờ bằng cách trở thành một ứng cử viên thân thiện, dễ mến trong cuộc tranh luận, thì đà suy giảm tỷ lệ ủng hộ của ông hoàn toàn có thể được đảo ngược. Nhiều ý kiến cho rằng cuộc tranh luận lần thứ 2 này sẽ gay cấn hơn lần đầu với nhiều vấn đề hơn và mức độ công kích nhau của cả 2 ứng cử viên sẽ nhiều hơn.

Tuy nhiên, dù vấn đề nào được đưa ra, cách xử lý tình huống, thể hiện chứng tỏ bản thân, và khả năng đưa ra các giải pháp phù hợp với nguyện vọng, ước muốn của cử tri sẽ là chìa khóa đem lại ưu thế cho mỗi ứng cử viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Từ nay cho tới hôm diễn ra tranh luận vẫn có thể có thêm những diễn biến và sự kiện mới có thể gây bất ngờ và đột biến và trong cuộc bầu cử được coi là độc nhất vô nhị trong lịch sử nước Mỹ thì không có gì là không thể.

Tuy nhiên, trên thực tế, các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình thông thường không có nhiều tác động đến các cử tri trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, có chăng là các cử tri còn đang do dự chưa biết chọn ai và các cuộc tranh luận như vậy sẽ cho họ thêm thông tin về các ứng cử viên để họ có thể đưa ra được quyết định cuối cùng.

Theo VOV NEWS

Có thể bạn quan tâm