Trên 12 triệu lượt ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Phát biểu trong Phiên họp thứ 23, chiều 11/5, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết đã có trên 12 triệu lượt ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)…
dự thảo luật đất đai
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Cụ thể, trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, bảo đảm thực chất và hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đã có trên 12 triệu lượt ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai.

Các nội dung được nhân dân quan tâm góp ý tập trung vào việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với trên 1,23 triệu lượt ý kiến; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với trên 1 triệu lượt ý kiến; tài chính đất đai, giá đất với trên 1,03 triệu lượt ý kiến; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với trên 1 triệu lượt ý kiến. Việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Nhân dân để hoàn thiện dự án Luật được Chính phủ thực hiện ngay trong quá trình lấy ý kiến.

Về thu hồi, trưng dụng đất, đây là nội dung nhận được nhiều ý kiến của nhân dân. Tiếp thu các ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 75 theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa. Quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất đối với các loại công trình công cộng từng lĩnh vực.

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu quy định cụ thể, luật hóa một số quy định trong các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai hiện hành đã được thực tế chứng minh là phù hợp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất thu hồi, tạo sự đồng thuận, giảm khiếu kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong tổ chức thực thi.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đã làm rõ nguyên tắc định giá đất, giá đất thị trường, căn cứ định giá đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất, các phương pháp định giá đất. Bổ sung quy định về tư vấn thẩm định giá đất.

Đồng thời Dự thảo Luật đã rà soát, bổ sung thời hạn sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, đối với đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản.

Đặc biệt, dự thảo đã quy định thời hạn sử dụng đất đối với các trường hợp dự án thời hạn hoạt động trên 50 năm theo quy định của Luật Đầu tư, thời hạn cho thuê đất công ích là 10 năm...

Trên cơ sở tiếp thu kiến ý kiến của nhân dân, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, làm rõ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn.

Trên cơ sở đó, Ban Cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương trước khi đưa vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ngoài ra, đối với các dự án Luật đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như Luật Giá, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Công chứng, Luật Các tổ chức tín dụng… Chính phủ kiến nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan thẩm tra các dự án Luật này phối hợp với Ủy ban Kinh tế rà soát, thống nhất quy định với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Có thể bạn quan tâm