Nút giao Dầu Giây giữa Quốc lộ 1 và cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây đồng thời là điểm khởi đầu của tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú.
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại họp kiểm điểm tiến độ chuẩn bị đầu tư Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương theo phương thức PPP (hợp đồng BOT).
Theo người đứng đầu ngành GTVT, đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú là Dự án cần thiết, có ý nghĩa rất quan trọng nhằm kết nối khu vực Đông Nam Bộ với Tp.HCM. Vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Thăng Long, Tư vấn và các đơn vị liên quan tập trung nghiên cứu, đáp ứng tiến độ yêu cầu để sớm triển khai thực hiện Dự án.
Liên quan đến phần vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ cho Dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT đồng ý phương án sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước để chi phí Giải phóng mặt bằng (GPMB), chi phí cơ quan có thẩm quyền và các chi phí hỗ trợ khác cho Dự án theo quy định của Luật PPP, nhằm tăng tính khả thi, thu hút nhà Nhà đầu tư tư nhân tham gia. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp nguồn vốn hỗ trợ cho Dự án này để báo Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đồng ý về nguyên tắc việc điều chỉnh cục bộ hướng tuyến đoạn qua rừng phòng hộ Tân Phú; đồng thời giao Ban QLDA Thăng Long chỉ đạo Tư vấn nghiên cứu cụ thể phương án điều chỉnh để thoả thuận, thống nhất với địa phương. Lưu ý phương án lựa chọn đảm bảo giảm thiểu ảnh hưởng chiếm dụng đất rừng phòng hộ và đẩy nhanh tiến độ, thủ tục triển khai Dự án trong giai đoạn tiếp theo.
Ban QLDA Thăng Long cũng được yêu cầu chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức đi khảo sát hiện trường, làm việc với địa phương ngay trong tháng 3/2021 để nghiên cứu lựa chọn phương án tối ưu để báo cáo Bộ GTVT.
Đơn vị tư vấn lập dự án cũng sẽ phải nghiên cứu các phương án bố trí mặt cắt ngang giai đoạn 1 (4 làn xe hạn chế), so sánh cụ thể để lựa chọn phương án tối ưu, đảm bảo yếu tố kỹ thuật, kinh tế và thuận lợi trong việc mở rộng giai đoạn hoàn chỉnh (4 làn xe hoàn chỉnh); trong đó có nghiên cứu phương án nền đường đầu tư quy mô giai đoạn hoàn chỉnh. Bộ trưởng Bộ GTVT thống nhất phương án đầu tư các công trình trên tuyến theo quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh.
Đối với phương án GPMB, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu nghiên cứu GPMB toàn bộ theo quy mô quy hoạch giai đoạn hoàn chỉnh ngay trong giai đoạn 1; đồng thời, giải phóng toàn bộ mặt bằng trong phạm vi (lõi) nút giao để hạn chế chia cắt dân sinh, sản xuất.
Giao Ban QLDA Thăng Long nghiên cứu, đề xuất phương án tổ chức triển khai sớm công tác GPMB ngay sau khi có nguồn vốn NSNN bố trí cho Dự án.
“Về tiến độ thực hiện, Ban QLDA Thăng Long phải hoàn thiện hồ sơ trình Bộ xem xét, quyết định trong tháng 4/2021”, Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.
Trước đó, vào đầu tháng 3/2021, Ban QLDA Thăng Long đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án thành phần 1: đoạn Dầu Giây – Tân Phú giai đoạn I, thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương.
Theo đề xuất của Ban QLDA Thăng Long, Dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú có điểm đầu (Km0) giao với Quốc lộ 1 tại Km1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc Tp.HCM - Long Thành – Dầu Giây, thuộc địa phận xã Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, cách ngã ba Dầu Giây khoảng 2,7km về phía Bắc (tại xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai); điểm cuối tại Km59+594, giao cắt với QL20 tại Km69+400, thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 59,6km được đầu tư hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100km/h, trong đó phân kỳ giai đoạn 1 xây dựng với quy mô 4 làn xe hạn chế, chiều rộng nền đường 17m), vận tốc khai thác 80km/h. Tổng mức đầu tư Dự án bao gồm cả lãi vay trong thời gian thi công xây dựng là 6.619,234 tỷ đồng.
Ban QLDA Thăng Long đề xuất đầu tư Dự án theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, trong đó nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện đầu tư xây dựng công trình dự án, thu hồi vốn thông qua thu phí sử dụng đường bộ; Nhà nước hỗ trợ kinh phí 1.300 tỷ đồng thực hiện Dự án. Với doanh thu từ thu phí lưu lượng trên cao tốc đoạn Dầu Giây - Tân Phú theo quy mô 17m và nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, Dự án đảm bảo khả năng hoàn vốn cho Nhà đầu tư trong khoảng thời gian dưới 15,5 năm khai thác.
Nếu được thông qua, chủ trương đầu tư, Dự án sẽ tổ chức lựa chọn Nhà đầu tư (bao gồm cả thành lập doanh nghiệp dự án và ký kết hợp đồng Dự án) từ quý IV/2021 - quý I/2022; khởi công công trình vào quý IV/2022; hoàn thành công trình và đưa vào khai thác vào quý I/2025.