Trình Quốc hội đường vành đai 3 TP. HCM hơn 75.000 tỷ đồng, khởi công năm 2023

Dự án đường vành đai 3 TP. HCM được đầu tư công , tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương.
Trình Quốc hội đường vành đai 3 TP. HCM hơn 75.000 tỷ đồng, khởi công năm 2023

Chính phủ vừa có tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường vành đai 3 TP. HCM để Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Theo đó, đường vành đai 3 TP. HCM có tổng chiều dài 76,34 km (TP. HCM 47,51 km, Đồng Nai 11,26 km, Bình Dương 10,76 km và Long An 6,81 km) với điểm đầu là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc H.Nhơn Trạch, Đồng Nai) và điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (H.Bến Lức, Long An).

Dự án này được đầu tư công, tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương, trong đó có hơn 41.500 tỉ đồng chi cho giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và gần 26.000 tỉ đồng cho xây dựng và thiết bị.

Các địa phương nơi dự án đi qua có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bảo đảm công khai, minh bạch và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất. Khi dự án này được đầu tư, tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng hơn 640 ha, trong đó diện tích đất chiếm dụng ở TP. HCM lớn nhất với hơn 408 ha.

TP. HCM đang làm thủ tục báo cáo, trình HĐND thành phố chấp thuận chủ trương chuyển đổi gần 17 ha diện tích đất rừng để thực hiện dự án. Theo tiến độ dự kiến, công tác chuẩn bị dự án được thực hiện trong giai đoạn 2022-2023; triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ quý III/2022, hoàn thành vào quý II/2024.

Đáng chú ý, việc xây dựng hệ thống đường cao tốc và đường song hành được tiến hành từ năm 2023 đến 2026. Dự kiến khởi công quý IV/2023, hoàn thành cơ bản tuyến cao tốc năm 2025, hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026 và quyết toán vào năm 2027.

Với tính chất là các dự án quan trọng quốc gia, để bảo đảm tiến độ đầu tư, Chính phủ đề xuất áp dụng các nhiều cơ chế, chính sách đặc thù.

Về nguồn vốn đầu tư, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021 - 2025), điều chuyển số vốn hơn 17.000 tỉ đồng đã bố trí cho Bộ GTVT về các địa phương; sử dụng linh hoạt vốn ngân sách T.Ư và địa phương để thực hiện dự án.

Để thuận lợi trong triển khai đầu tư, Chính phủ đề xuất chia dự án thành 8 dự án thành phần và do các địa phương quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện. UBND TP. HCM là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án thành phần trong trường hợp điều chỉnh không làm vượt tổng mức đầu tư dự án đã được Quốc hội thông qua.

Về cơ chế chỉ định thầu, cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án thành phần.

Có thể bạn quan tâm