Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) vừa chính thức trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chấp thuận chủ trương cho phép UBND TP. Đà Nẵng lập Đề án xây dựng trung tâm tài chính quy mô khu vực.
Theo văn bản của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp có ý kiến nhất trí và đề nghị Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép UBND TP. Đà Nẵng lập Đề án xây dựng trung tâm tài chính quy mô khu vực.
Về phía Ngân hàng Nhà nước cũng không phản đối. Tuy nhiên, cơ quan này đưa ra một số lưu ý để cân nhắc việc lập đề án cho thực sự phù hợp: “Việc phát triển Đà Nẵng thành trung tâm tài chính cần đảm bảo đưa ra các mục tiêu và giải pháp liên quan đến thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018”.
Trong đề án, Đà Nẵng đã có các kiến nghị về cơ chế, chính sách liên quan đến chính sách thuế, chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, xây dựng dự án khu phức hợp trung tâm tài chính, thương mại có khu vui chơi, giải trí, casino và chung cư cao cấp.
Cụ thể, TP. Đà Nẵng đã đề xuất xây dựng đề án bao gồm các dự án đầu tư thuộc nhiều lĩnh vực. Trong đó, tập trung vào dự án khu phức hợp trung tâm tài chính - thương mại - vui chơi giải trí - casino và chung cư cao cấp (Đà Nẵng Gateway).
Liên quan tới đề xuất này của TP. Đà Nẵng, Bộ KH&ĐT cũng đã đưa ra những lưu ý. Theo đó, khi xây dựng đề án, cơ quan chủ quản đề án phải thực hiện việc phân tích kỹ các nội dung liên quan. Đồng thời, phải có đánh giá các tác động của những cơ chế chính sách trên trong đề án. Ngoài ra phải cập nhật thêm diễn biến và tác động của dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu và tại Việt Nam đối với lộ trình thực hiện đề án.
Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP. Đà Nẵng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành để lập đề án cho phù hợp.
UBND TP. Đà Nẵng nghiên cứu và thuê tư vấn (ưu tiên tư vấn quốc tế) để lập đề án bao gồm các đề xuất về cơ chế, chính sách xây dựng trung tâm tài chính quy mô khu vực. Trong đó, cần nêu rõ cơ chế nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, các bộ ngành và TP.
UBND TP. Đà Nẵng lựa chọn nhà tài trợ và đơn vị tư vấn để xây dựng đề án theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Theo Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng Nguyễn Văn Phụng ““Mục đích của Đà Nẵng là xây dựng trung tâm tài chính quy mô khu vực đóng vai trò trong việc thu hút và chuyển tải vốn cho nền kinh tế. Một hệ thống hoạt động hiệu quả sẽ giúp phát triển tài chính theo chiều sâu, tăng trưởng và tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại và năng động”.
Dự án được quy hoạch trên tổng diện tích khoảng 8,4 ha tại đường Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà). Tổng vốn đầu tư khoảng 47.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD) huy động của các nhà đầu tư.
Trước đó, liên doanh Công ty Sakae Holding và Công ty TNHH Đầu tư SSF (Liên doanh SK-SSF) có Văn bản số 18092020/SK-SSF gửi Thủ tướng Chính phủ xin được tài trợ Đề án nghiên cứu khả thi xây dựng Trung tâm tài chính (Dự án Đà Nẵng Gateways) với số vốn đầu tư dự kiến hơn 2 tỷ USD.
Sau đó, ngày 6/1/2021 Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng có Công văn số 103/VPCP-QHĐP gửi Bộ KH&ĐT truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, có nội dung đề nghị Bộ KH&ĐT giải quyết kiến nghị của UBND TP. Đà Nẵng về Đề án nghiên cứu khả thi xây dựng Trung tâm tài chính Đà Nẵng Gateways.