Trớ trêu việc đất nghĩa trang bị quy hoạch để xây... trường học

"Khi không có quy hoạch thì còn lo giữ đất xây trường, có quy hoạch rồi thì lại giành đất xây nhà để bán..." KTS Trần Huy Ánh, chuyên gia đô thị, Thành viên Hội đồng khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam chia sẻ trong bài viết gửi Thương Gia.

Những năm gần đây, câu chuyện xếp hàng lấy số hay đạp đổ cổng trường để xin học cho con không chỉ là phần nổi của giấc mơ đặt thế hệ tương lai vào những xuất phát điểm tốt nhất để tiến thẳng tới thành công. Sự gia tăng dân số không đồng bộ với sự phát triển tương xứng về cơ sở hạ tầng khiến ở một số khu vực nội thành Hà Nội xảy ra những chuyện dở khóc dở cười. Điển hình nhất là những hình ảnh "lễ bốc thăm" để được theo học... tại trường mầm non Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.

Nỗi khó hiểu của dư luận càng tăng thêm khi mới đây báo chí phản ánh, cũng tại quận Hoàng Mai, nhiều khu nghĩa trang được quy hoạch thành... trường học. Điều này tất yếu dẫn đến thực tế: Trường học vẫn thiếu, nghĩa trang vẫn là… nghĩa trang. Còn những xáo trộn, nhọc nhằn vì lớp học đông, học sinh phải học luân phiên hay không được học trường công... thì phụ huynh buộc phải gồng mình xoay xở.

KTS Trần Huy Ánh
KTS Trần Huy Ánh, chuyên gia đô thị, Thành viên Hội đồng khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam

Trên thực tế, Hà Nội đã ý thức được điều này. Từ những năm 2017, nghịch lý có nhà nhưng thiếu trường đã được công khai chất vấn tại cuộc họp Hội đồng Nhân dân Thành phố. Theo lý giải của cơ quan hữu trách, có hai nguyên nhân cơ bản, một là do quá trình triển khai, chủ đầu tư chỉ chú trọng xây nhà mà bỏ qua cơ sở hạ tầng xã hội; hai là, có tình trạng đưa trường học, nhà trẻ vào các khu vực khó giải phóng mặt bằng, ví dụ như... nghĩa trang, ao đình. Nghĩa là vấn đề nằm ở việc quy hoạch. Nhưng điều đáng nói chính ở khâu quan trọng này lại xuất hiện vấn đề.

Như tôi đã phát biểu thẳng thắn trên một số phương tiện truyền thông, từ năm 2002, Hà Nội đã đưa ra những quy hoạch điều chỉnh để có thêm quỹ đất để xây dựng trường học. Thế nhưng, khi không có quy hoạch thì còn lo giữ đất xây trường, có quy hoạch rồi thì lại giành đất xây nhà để bán...

Để giải thích thực tế này, có lẽ cần bắt đầu từ bản quy hoạch mạng lưới trường học Thủ đô tới năm 2010 định hướng năm 2020 công bố năm 2003. Tới năm 2008-2010, chúng tôi cùng các cấp chính quyền quận Cầu Giấy khảo sát đã thấy bản Quy hoạch này đưa các thông số dân cư rất thấp, số học sinh thấp. Vì thế, theo bản quy hoạch này, đất xây trường học có nơi chỉ đáp ứng 50%, và thừa đất để giao cho các dự án bất động sản thương mại.

Ai cũng thấy, giao đất làm bất động sản thì mang lại lợi ích cho nhiều bên, kể cả chỉ đề cập tới những lợi ích chính đáng, còn giữ đất xây trường học thì không thể mang lại lợi ích hữu hình như vậy.

Vấn đề thiếu trường càng trầm trọng hơn khi phần đất quy hoạch để xây trường học lại chính là các nghĩa trang, ao đình. Một lần nữa, trong công tác quy hoạch, phần khó lại được đẩy cho người dân. Để có đủ chỗ học cho con em mình, người dân buộc phải xem nhẹ hơn yếu tố truyền thống, tâm linh. Tại nhiều nơi, mâu thuẫn có thể sẽ nảy sinh giữa cư dân mới cần có chỗ học cho con em mình với cư dân cũ, bởi nghĩa trang là nơi cha ông họ nằm lại. Cái lý về việc không quy hoạch nghĩa trang trong nội đô không đủ sức thuyết phục khi quá trình đô thị hoá ở Hà Nội đang biến làng thành phố.

Người Việt coi trọng tổ tiên và lấy tâm linh để giữ thăng bằng ổn định trong đời sống cá nhân, gia đình, xã hội. Nghĩa trang hay đình chùa là các không gian vật chất hóa cuộc sống tinh thần người Việt. Để giải quyết mâu thuẫn giữa truyền thống và phát triển, nhiều thành phố khắp thế giới chuyển hóa nghĩa trang thành các công viên tưởng niệm rất thành công. Vấn đề vệ sinh đã có khoa học công nghệ giải quyết. Người Việt đã thay địa táng thành hỏa táng và nhiều tro cốt được lưu giữ trong các chùa trong phố… Vậy thì không có vấn đề gì khó xử.

Chẳng qua lợi ích đã làm lóa mắt các nhà phát triển bất động sản. Họ đã từng cam kết với cộng đồng địa phương chỉ lấy đất ruộng và giữ nguyên đất đình chùa nghĩa trang cho dân làng… Nhưng khi lấy đất sạch xây nhà bán hết rồi thì lời hứa gió bay. Đất xây trường được "khéo léo" đẩy vào các nghĩa trang để dành thêm được nhiều m2 cho đất xây nhà bán. Tiếc là bàn tay nhà quản lý đã chưa ngăn chặn được điều này.

Đã thế, khi quy hoạch đã được công bố, tuân thủ quy hoạch cũng không phải là nhiệm vụ tiên quyết. Chẳng hạn, căn cứ vào Bản đồ Quy hoạch chung Hà Nội đến 2020 toàn Thành phố Hà Nội, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã triển khai lập quy hoạch sử dụng đất 14 quận huyện. Bản vẽ quy hoạch sử dụng đất quận Hai Bà Trưng, vị trí công viên Thống Nhất đã tô một góc đỏ sẫm, chú giải là “đất công cộng”. Sau đó, lại có chuyện cấp phép cho khách sạn liên doanh xây vào. Dư luận phản ứng gay gắt nên khách sạn làm xong ba tầng hầm vẫn phải dừng lại từ 2009 và “đắp chiếu” đến nay.

Bản đồ nhòe mầu cùng với những cách diễn giải mơ hồ đã mở đường cho việc chiếm dụng tùy tiện đất Công viên Thống Nhất và các công viên Hà Nội.
Bản đồ nhòe mầu cùng với những cách diễn giải mơ hồ đã mở đường cho việc chiếm dụng tùy tiện đất Công viên Thống Nhất và các công viên Hà Nội.

Hay bản đồ sử dụng đất quận Tây Hồ cho thấy hơn 3 loại đất, nhưng chú giải màu đỏ trong bản đồ là "đất trụ sở" – khác với chú giải trong Quy hoạch chung và cũng không nhất quán trong cùng loại bản đồ sử dụng đất của các quận huyện khác trong cùng thời kỳ lập quy hoạch.

Khu vực Hồ Tây trong bản đồ Quy hoạch chung 198 (phê duyệt 1998) và bản đồ Quy hoạch sử dụng đất quận Tây Hồ (công bố 2004) có các chú giải loại đất khác nhau dẫn đến quản lý đất đai lỏng lẻo, tùy tiện.
Khu vực Hồ Tây trong bản đồ Quy hoạch chung 198 (phê duyệt 1998) và bản đồ Quy hoạch sử dụng đất quận Tây Hồ (công bố 2004) có các chú giải loại đất khác nhau dẫn đến quản lý đất đai lỏng lẻo, tùy tiện.

Rõ ràng, trong hơn 20 năm qua, các cơ quan quản lý quy hoạch, đất đai được xã hội tin tưởng và trao vào tay họ quyền năng lớn mà không đi kèm các định chế giám sát thích hợp. Vì thế tài nguyên đất đai, tài sản đô thị không được phân bổ phù hợp, dẫn đến thiếu hụt trường công lập không chỉ tại các khu đô thị mà toàn bộ các địa phương. Bên cạnh đó, có nơi bố trí được đất thì lại thiếu cơ chế triển khai dẫn đến thực trạng trường học công luôn thiếu so với nhu cầu. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này?

Hà Nội đang triển khai việc rà soát đánh giá quy hoạch chung và điều chỉnh tổng thể… Tuy nhiên các báo cáo đã công bố cho thấy nội dung rà soát đánh giá các tồn tại, đặc biệt là quy hoạch mạng lưới trường học rất mờ nhạt. Các chỉ tiêu dân số, nhu cầu… còn sơ sài và vẫn thiên về việc mở rộng đô thị tràn lan để phát triển bất động sản chứ không nhắm tới mục tiêu nâng cao chất lượng sống cho cư dân đô thị.

Hiện tại các vấn đề thiếu hụt trường học và các biện pháp khắc phục từ cấp thành phố tới cấp quận (như tại Hoàng Mai) vẫn là sự vụ, tình thế… mà chưa có chiến lược rõ ràng. Ngay Sở Giáo dục và Đào tạo (phía đưa ra nhu cầu); Sở Quy hoạch Kiến trúc (phía giải trình và có phương án khắc phục) hay Sở Tài Nguyên Môi trường (phía giữ đất và giao đất xây trường) vẫn chưa có ý kiến cụ thể… thì tình trạng quá tải, thiếu trường học sẽ còn nan giải, chưa nói tới yêu cầu đủ đất để tạo không gian giáo dục toàn diện có chất lượng.

Tóm lại, khi quy hoạch là công cụ phân bổ nguồn lực, tài nguyên đất đai có hiệu lực lớn, nếu công cụ này được thực hiện công tâm thì sẽ phát huy sức mạnh, đem lại lợi ích cho cộng đồng xã hội… Trong trường hợp ngược lại, sẽ dẫn tới những bất ổn, thiếu hụt hạ tầng như đã thấy. Do vậy, quá trình xây dựng quy hoạch và thực hiện nó cần được giám sát chặt chẽ. Cần có quy trình đối thoại  của các bên liên quan tới việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch một các minh bạch, có trách nhiệm, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách kịp thời, nhanh chóng thì mới hy vọng hạn chế những bất ổn như hiện tại, có những chuyển biến tích cực trong tương lai.

KTS Trần Huy Ánh
Chuyên gia đô thị, Thành viên Hội đồng khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam

Xem thêm

Hà Nội quy hoạch loạt dự án mới ở Nam Từ Liêm

Hà Nội quy hoạch loạt dự án mới ở Nam Từ Liêm

Khu đất hỗn hợp (ký hiệu HH) có diện tích khoảng 3.512m2 để xây dựng công trình dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở cán bộ chiến sỹ Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, Bộ Công an.   Chủ tị

Có thể bạn quan tâm