Trung Quốc mở cửa trở lại và câu chuyện về dòng vốn FDI vào Việt Nam

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vào Việt Nam ước tính hơn 198,2 triệu USD, chiếm 16,4% tổng nguồn vốn FDI...
Trung Quốc mở cửa trở lại và câu chuyện về dòng vốn FDI vào Việt Nam

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau 3 năm phòng chống dịch Covid-19 đang mở ra triển vọng tươi sáng về dòng vốn FDI của quốc gia này vào Việt Nam.

Thời điểm tăng trưởng đã đến

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Thế Anh chia sẻ tại tọa đàm “Điểm sáng đầu tư năm 2023”, Việt Nam vẫn đang là điểm sáng thu hút đầu tư bởi nhiều lý do.

“Ưu thế này đến từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia trên toàn thế giới, nguồn lao động giá rẻ cũng như sự dịch chuyển dòng vốn, đa dạng hóa các thị trường đầu tư của các nước lớn trên thế giới trong thời gian qua và xu hướng này tiếp tục duy trì trong thời gian tới”, ông Thế Anh nói.

Vị này cũng khẳng định thêm, Trung Quốc mở cửa trở lại sau 3 năm “bế quan toả cảng” để phòng dịch sẽ tạo nên một sức ảnh hưởng lớn đến Việt Nam. Thực tế, nếu nhìn lại các dữ liệu về nguồn vốn FDI của Trung Quốc đầu tư ở Việt Nam năm 2019, giai đoạn quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng thì dòng vốn dịch chuyển vào vào Việt Nam rất là lớn, thậm chí tăng đột biến. Sau thời điểm đó đúng vào thời điểm Trung Quốc đóng cửa nền kinh tế thì dòng vốn FDI của quốc gia này đổ vào Việt Nam giảm mạnh, xu hướng này rất rõ rệt.

Tuy nhiên, điều đáng nói chính là, dòng vốn này không tác động lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. “Số liệu đã cho thấy sự tăng trưởng đột phá về xuất khẩu của Việt Nam ra các thị trường lớn, kéo theo đó cũng là sự tăng trưởng đột phá về nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc. Xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các nguyên vật liệu có nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính vì vậy, sự mở cửa của Trung Quốc sẽ không tạo ra ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam đến các quốc gia khác", ông Anh nhấn mạnh. 

Top 5 giá trị xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Trung Quốc
Nhóm 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc nhiều nhất

Bên cạnh đó, trong 3 năm bế quan, khu vực dịch vụ của Trung Quốc có tốc độ suy giảm mạnh nhưng sau khi nền kinh tế mở cửa, tốc độ tăng trưởng của khu vực này sẽ tăng rất nhanh trở lại. Điều này tạo nên một lợi thế nhất định cho Việt Nam.

"Khi những khu vực đó sử dụng hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam thì đó chính là lúc xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng. Đó là lúc Việt Nam được hưởng lợi", ông Thế Anh nêu quan điểm. 

Bài toán thận trọng còn nguyên giá trị?

Từ năm 2019, khi nguồn vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh, giới chuyên gia đã từng đưa ra cảnh báo. Đơn cử, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu từng cho rằng, không ngoại trừ việc một số nhà đầu tư Trung Quốc sử dụng phương án đưa dây chuyền sản xuất sang Việt Nam để chế tạo hàng hóa rồi xuất khẩu sang Hoa Kỳ để tránh thuế nhập khẩu hay đưa hàng hóa từ Trung Quốc sang Việt Nam, dán mác Việt Nam để xuất sang Hoa Kỳ cũng để tránh thuế nhập khẩu cao…

Trong 3 năm trở lại đây, Trung Quốc luôn duy trì vị trí thứ 3 và thứ 4 trong số các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, vốn FDI hực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Xét trong cả năm 2022, Trung Quốc là quốc gia xếp thứ 4 về đầu tư FDI vào Việt Nam sau Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. 

Nguồn vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam qua các năm
Nguồn vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam qua các năm

Không chỉ có ông Hiếu, Đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường – Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội từng bày tỏ quan điểm rằng, nguồn vốn FDI từ Trung Quốc chảy mạnh vào Việt Nam là tín hiệu tích cực song cũng tiềm ẩn không ít rủi ro và nhấn mạnh về “khả năng trốn thuế cao của Trung Quốc với Mỹ” hay “mượn thương hiệu Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ”. Đây là nhận định tương tư như nhận định của Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu.

Cùng quan điểm tương tự, Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau từng đánh giá, làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ là cơ hội cho Việt Nam lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài tốt nhất nhưng cần tránh tình trạng chuyển giá, trốn thuế.

Trung Quốc mở cửa trở lại đồng thời tạo nên những cơ hội lớn trong gia tăng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia có thể khởi sắc sẽ kéo theo sự thuận lợi trong quá trình xuất khẩu của Việt Nam với các quốc gia khác. 

Mục tiêu của dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam là tạo ra sản phẩm có giá trị thặng dư cao hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài. Nguồn vốn FDI từ Trung Quốc cũng không nằm ngoài mục tiêu này. Tuy nhiên, với Việt Nam, câu chuyện sử dụng dòng vốn FDI này từ Trung Quốc như thế nào để tạo nên lợi thế cạnh tranh, hạn chế rủi ro và hướng đến mục tiêu gia tăng kim ngạch xuất khẩu ra các thị trường tiềm năng như Mỹ và khu vực Châu Âu chính là điều đáng bàn. Đây cũng chính là bài toán cần được Việt Nam chú trọng trong thời gian tới. 

Có thể bạn quan tâm