Trungnam Group: Dự án chống ngập 1.000 tỷ ở TP.HCM sau 7 năm vẫn “phơi nắng”, điện gió Đắk Lắk lỗ gần 1.300 tỷ đồng

Tính đến nay, Trungnam Group có 7 dự án điện mặt trời và điện gió, tổng công suất thiết kế 1.492,2 MW, sản lượng hơn 4 tỷ kWh. Trungnam Group còn là doanh nghiệp đứng sau dự án chống ngập 1.000 tỷ đồng ở TP.HCM...

Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1, nhà máy điện gió Ea Nam, Trung Nam Group, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, doanh nghiệp năng lượng, năng lượng điện gió.jpeg
Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam

Trungnam Group được thành lập vào 2004, xuất phát điểm là đơn vị trong lĩnh vực xây dựng. Sau 18 năm hoạt động, doanh nghiệp đã phát triển thành tập đoàn đa ngành hoạt động chính trong 5 lĩnh vực gồm năng lượng, hạ tầng - xây dựng, bất động sản, công nghiệp thông tin điện tử.

Tập đoàn được lèo lái bởi 2 doanh nhân khá kín tiếng là ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Tập đoàn bước vào lĩnh vực năng lượng tái tạo từ 2018 và đây là lĩnh vực tạo nên tiếng vang cho Trung Nam Group các năm gần đây. Phía công ty cũng khẳng định, năng lượng là mảng kinh doanh chính của công ty và Trung Nam Group cũng là nhà đầu tư năng lượng tái tạo có tổng số lượng dự án và công suất lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

MUA LẠI TRƯỚC HẠN 2.000 TỶ ĐỒNG TRÁI PHIẾU

Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) vừa ra thông báo trên cơ sở cân đối nguồn vốn, công ty lên kế hoạch mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu TNGCB2224003.

Theo đó, công ty sẽ chốt danh sách trái chủ vào ngày 12/10, ngày thực hiện mua lại là 17/10. Giá mua lại sẽ bằng tổng của mệnh giá trái phiếu cộng lãi chưa thanh toán và các chi phí phát sinh.

Theo tìm hiểu, lô trái phiếu TNGCB2224003 có tổng mệnh giá 2.000 tỷ đồng, được phát hành vào ngày 5/4/2022 với kỳ hạn 2 năm. Lãi suất phát hành là 10%/năm do Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect (mã chứng khoán: VND) làm đại diện sở hữu trái phiếu và lưu ký.

Tính đến thời điểm 31/12/2022, tổng dư nợ trái phiếu của Trungnam Group lên đến gần 24.300 tỷ đồng. Số nợ phải trả của doanh nghiệp này là 68.110 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 27.914 tỷ đồng. Như vậy, tổng tài sản của công ty cũng vượt mức 96.000 tỷ đồng.

Do khó khăn về tài chính, hồi tháng 8, Trungnam Group không thể thanh toán lãi trái phiếu cho lô TNGCH2224005 (1.000 tỷ). Lý do được công ty đưa ra là các nhà máy điện thuộc sở hữu của công ty mới COD cuối năm 2021 và vẫn trong giai đoạn cân chỉnh nên chưa vận hành tối đa công suất thiết kế.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng chung của điều kiện khí hậu cả nước, tốc độ gió thực tế trong năm 2022 thấp hơn mức trung bình dự kiến, khiến cho doanh thu các dự án điện gió không đạt theo kế hoạch.

Ngoài ra, tình hình lãi suất tăng cao, làm giảm dòng tiền ròng của các công ty dự án thuộc sở hữu Trungnam Group. Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cũng chậm thanh toán tiền điện cho các dự án của công ty.

Trong năm vừa rồi, Trungnam Group ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 255 tỷ đồng, giảm 84% so với kết quả năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/ vốn chủ sở hữu của công ty giảm từ 5,85% xuống 0,91%.

Ảnh chụp Màn hình 2023-10-15 lúc 13.32.50.png
7 dự án điện mặt trời và điện gió của Trungnam Group

Theo thống kê, tập đoàn có 7 dự án điện mặt trời và điện gió, tổng công suất thiết kế 1.492,2 MW, sản lượng hơn 4 tỷ kWh. Các dự án đã được khánh thành phần lớn trong năm 2021 và hoàn thành đi vào hoạt động vào cuối tháng 10/2021 để kịp hưởng giá ưu đãi FIT. Ngoài ra, đơn vị có 3 dự án thủy điện với tổng công suất 118 MW, sản lượng 435 triệu kWh.

Để thực hiện loạt dự án năng lượng mới nói trên, Trungnam Group cần nguồn vốn rất lớn. Xuyên suốt nhiều năm qua, Trungnam Group cũng như các công ty thành viên liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu với giá trị lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

DỰ ÁN ĐIỆN GIÓ THUA LỖ NGHÌN TỶ

Trong các dự án năng lượng của Trungnam Group, dự án Nhà máy điện gió Ea Nam đặc biệt gây chú ý vì đây là dự án điện gió trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk và là dự án điện gió lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Chủ đầu tư của dự án này là Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 và là công ty thành viên của Trungnam Group. Dự án nằm trên diện tích 600 ha thuộc các xã Ea Nam, Ea Khal và Dliê Yang (huyện Ea H’leo); có tổng mức đầu tư trên 16.500 tỷ đồng, sản lượng điện ước tính đạt 1,1 tỷ kWh/năm, đã hoàn thành trong năm 2021.

Đáng chú ý, chỉ trong vòng 1,5 năm trở lại đây, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 lỗ gần 1.300 tỷ đồng. Cụ thể, theo báo cáo các chỉ tiêu tài chính cơ bản của công ty, trong nửa đầu năm Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 tiếp tục báo lỗ nặng gần 400 tỷ đồng. Kỳ trước đó, doanh nghiệp này cũng báo lỗ 432 tỷ đồng. Riêng năm 2022, lỗ tới 859 tỷ đồng.

Ảnh chụp Màn hình 2023-10-15 lúc 13.02.22.png

Với kết quả kinh doanh “xám xịt” nêu trên đã kéo theo vốn chủ sở hữu của Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 tính đến cuối tháng 6/2023 còn 2.552 tỷ đồng, giảm so với con số 3.369 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng lên 4,72 lần, ứng với nợ phải trả hơn 12,045 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 3,74 lần, tương ứng nợ trái phiếu còn hơn 9.544 tỷ đồng. Tỷ suất sinh lợi (ROE) âm 15%, cùng kỳ âm 13%.

Song song với kết quả kinh doanh không khả quan, trong nửa đầu năm nay, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 còn chịu áp lực thanh toán lãi và thực hiện cam kết mua lại trái phiếu trước hạn đối với 8 lô trái phiếu có mã từ TD1CB2123002 đến 009. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 9.940 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, công ty đã thanh toán hơn 496 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu và 256 tỷ đồng tiền gốc. Tuy nhiên, việc thanh toán cả 8 lô này liên tục chậm so với ngày cam kết với trái chủ, nguyên nhân công ty đưa ra là do nguồn thu tiền điện về chậm hơn kế hoạch.

Trước đó trong giai đoạn nửa cuối năm 2021, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 đã phát hành 10 lô trái phiếu với tổng giá trị phát hành là 10.250 tỷ đồng. Các lô trái phiếu đa số có thời gian đáo hạn khá dài, tới 2034, 2035; lãi suất trung bình 9,5%.

CÁC DỰ ÁN ĐIỆN MẶT TRỜI “THI NHAU” GIẢM LÃI

Trong năm 2022, mặc dù không đến nỗi thua lỗ nặng nề như dự án điện gió nhưng lợi nhuận của các dự án điện mặt trời tại Trungnam Group cũng sụt giảm mạnh.

Ảnh chụp Màn hình 2023-10-15 lúc 13.20.41.png

Trong đó, Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 giảm 80% về 81 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu gần như không đổi, ở mức 2.423 tỷ. Nợ phải trả là 8.916 tỷ, trong đó dư nợ trái phiếu là 4.942 tỷ đồng. Tổng tài sản tính cuối năm 2022 là 11.399.

trung nam thuận nam.jpeg
Dự án Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam

Năm 2022, Công ty Cổ phần Điện mặt trời Trung Nam báo lãi sau thuế 251 tỷ đồng, giảm 12% so với năm trước đó. Vốn chủ sở hữu tăng 250 tỷ so với đầu năm lên 1.264 tỷ đồng. Nợ phải trả là 2.743, trong đó dư nợ trái phiếu là 2.287 tỷ. Tổng tài sản tính tới cuối năm 2022 là 4.006 tỷ đồng.

Đối với Công ty Cổ phần Điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh, chủ đầu tư dự án cùng tên đã báo lãi sau thuế gần 113 tỷ đồng năm 2022, tương đương với năm trước đó. Vốn chủ sở hữu chỉ nhích nhẹ 14 tỷ lên 1.534 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty này là 1.840 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu chỉ hơn 30 tỷ. Tổng tài sản ở mức 3.374 tỷ đồng tại cuối năm 2022.

trà vinh.jpeg
Dự án Điện mặt trời Trung Nam - Trà Vinh

MẮC KẸT TRONG “SIÊU DỰ ÁN” CHỐNG NGẬP 10.000 TỶ ĐỒNG Ở TP.HCM

Ngoài việc đầu tư vào các dự án năng lượng điện gió và điện mặt trời, Trungnam Group còn là doanh nghiệp đứng sau dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét tới biến đổi khí hậu”, có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập úng ở TP.HCM.

Quy mô của dự án gồm: Xây dựng 6 cống kiểm soát triều gồm Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định có bề rộng 40 – 160m; Xây dựng 1 trạm bơm tại cống Bến Nghé công suất 12m3/s, 1 trạm bơm 24m3/s tại cống Tân Thuận, 1 trạm bơm 18m3/s tại cống Phú Định; Xây dựng 7,8km đê/kè bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh ở các đoạn xung yếu; Các cống nhỏ có khẩu độ 1,0 m - 10,0 m từ Vàm Thuật đến Mương Chuối và Xây dựng nhà quản lý trung tâm cho toàn dự án và hệ thống SCADA.

Mục tiêu của dự án nhằm kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và khu vực trung tâm TP.HCM (các quận 1, 4, 7, 8, Nhà Bè, Bình Chánh...). Đồng thời chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước (bơm nước thoát ra từ các hệ thống thoát nước đô thị thoát ra kênh rạch).

Chủ đầu tư của dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP. HCM là Công ty TNHH Trung Nam BT 1547, là công ty do Trungnam Group thành lập để thực hiện dự án. Hình thức đầu tư là Xây dựng - Chuyển giao (BT).

Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 được thành lập vào cuối năm 2015, Chủ tịch công ty là ông Vũ Đình Tân (sinh năm 1979). Tháng 12/2019, công ty đã nâng vốn điều lệ từ 1.100 tỷ lên 1.200 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác cũng thuộc hệ sinh thái Trung Nam Group, Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (Trung Nam E&C) là nhà thầu thi công 7 gói thầu trị giá 6.564 tỷ của dự án này.

Dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét tới biến đổi khí hậu”

Dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét tới biến đổi khí hậu”

Dự án được khởi công giữa năm 2016, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2018, nhưng đã hơn 7 năm trôi qua dự án vẫn chưa đi vào vận hành.

Trước đây dự án đã từng tạm dừng thi công ba lần: lần một từ ngày 27/4/2018 đến 12/2/2019, lần hai từ ngày 30/8/2019 đến 27/4/2020, lần ba từ ngày 15/11/2020 đến 6-2-2022. Việc dự án phải tạm dừng và kéo dài do hết hạn hợp đồng BT, hết thời gian giải ngân tái cấp vốn đã gây thiệt hại rất nhiều cho nhà đầu tư và các nhà thầu tham gia.

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết, đến nay dự án đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc, cần khoảng 1.800 tỷ đồng để hoàn thiện 10% còn lại. Tuy nhiên, nhà đầu tư không còn đủ khả năng tài chính, thời gian vay kéo dài nên ngân hàng không tiếp tục cấp vốn.

"Thành phố đã đề xuất cơ chế thanh toán sớm từ phía địa phương để nhà đầu tư hoàn thành công trình. Song hiện tại do dự án chưa hoàn thiện để nghiệm thu nên chưa có cơ sở để chi", ông Mãi nói.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Những niềm vui lớn của cổ đông Masan Consumer trong năm 2024

Những niềm vui lớn của cổ đông Masan Consumer trong năm 2024

Năm 2024 thực sự là một năm bội thu đối với cổ đông Masan Consumer với những bước tiến vượt bậc, doanh nghiệp này không chỉ khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành hàng tiêu dùng mà còn mang đến những niềm vui bất ngờ cho các nhà đầu tư...

GS.TS. Phạm Hùng Việt giới thiệu công trình nghiên cứu khoa học công nghệ về giá trị khoa học và tính ưu việt của các bài thuốc dân gian có tác dụng điều trị bệnh gan, mật của các dân tộc vùng Tây Bắc

Cần sự chung tay nhiều bên để tài sản trí tuệ đi vào cuộc sống

“Chuyển giao tri thức và thương mại hóa tài sản trí tuệ không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của chúng ta trong việc tạo ra giá trị bền vững từ tri thức. Điều này đòi hỏi sự chung tay của nhiều bên, từ các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ quan quản lý đến các nhà đầu tư và tổ chức hỗ trợ”...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị 4 giải pháp để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% tổng vốn đầu tư công

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết việc giải ngân vốn đầu tư công vừa qua gặp nhiều khó khăn, nổi bật là vấn đề vật liệu thông thường phục vụ cho thi công các công trình lớn. Thứ trưởng cũng nêu ra các nhóm giải pháp để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% tổng vốn...