Từ quê đến phố, Tết là đoàn viên

Tết quê - Tết Việt! Như những dòng sông muôn phương quần tụ về biển mẹ, và những dòng hải lưu sẽ cuộn chảy về với vầng mặt trời quê hương...

tet-nguyen-dan-1673318634018292874670-5960.jpg
Từ quê đến phố, Tết là đoàn viên

Cuối tháng 12/2023, tại trụ sở Liên hợp quốc, lần đầu tiên, Tết nguyên đán của người Châu Á được thừa nhận là “Tết” và chiếm vị trí chính thức trong số những ngày lễ tết trên thế giới (và tất nhiên sẽ đứng cùng danh sách với Tết Dương lịch vốn đã được thừa nhận rộng rãi trước đó).

Là tin vui cho những người yêu Tết, yêu dư vị đầm ấm, sum vầy, tưng bừng và rực rỡ chỉ có ở phương Đông “âm lịch”. Bao gồm những cảm xúc luôn tươi mới mà đầy ám ảnh trong ký ức của mỗi người. Bao gồm những ước nguyện hướng tới tương lai, hướng về cội nguồn.

Hứa hẹn một năm rất đặc biệt mà người Việt từ mọi châu lục trên thế giới có thêm lý do chính đáng để ăn Tết và về với Tết quê - Tết Việt! Như những dòng sông muôn phương quần tụ về biển mẹ, và những dòng hải lưu sẽ cuộn chảy về với vầng mặt trời quê hương.

Thế nên càng nghĩ nhiều một chút về Tết hôm nay, về những “biến tấu” đời thường mà chỉ Tết mới có, chỉ có mỗi Tết.

TẾT PHỐ QUÊ

Là cách mà người xa quê hôm nay, từ mọi vùng miền có được khi về quê đón Tết. Quê nghèo năm xưa nay đang chuẩn bị đón những cái Tết trù phú, rực rỡ, phong lưu hơn nhiều so với 5, 10 năm trước.

Những người con đi xa, ngày Tết luôn cố gắng về với cha mẹ, người thân, làm nên những cái Tết đoàn viên đúng nghĩa theo truyền thống, nhưng cũng có những nét mới, như việc phố hóa một phần Tết quê.

Từ màu sắc, cảnh vật ngoài đường làng ngõ xóm, đến đồ đạc để trang hoàng nhà cửa, quần áo trang phục, đến giường chiếu chăn màn, mâm cỗ ngày Tết của mỗi nhà, đều rực rỡ, ấm áp hơn về hình thức, phong phú và rất “chất” về nội dung!

Tôi cũng là một trong số những người con xa gia đình, đã may mắn được tham gia và hưởng thụ những Tết quê rất quê như vậy.

Tất nhiên tết ở đâu thì cũng luôn có “quá trình vận động” của chính mình!

Có một cái Tết tôi nhớ rất rõ khi chứng kiến bà chị yêu quý chui từ ô tô ra, cứ phải còng lưng xoa đầu gối mãi mới đứng thẳng lên được, chỉ vì cái xe ô tô gia đình loại nhỏ xíu mà chứa chật ních người và va li, túi lớn túi bé, hoa, quả, thậm chí cả rau dưa mang từ một tỉnh phía Nam về. Để có chuyến ăn Tết ở quê, cả nhà chị đã không để chừa bất cứ chỗ hở nào trong xe để chất kín đồ!

Một Tết khác, tôi bắt gặp cô bạn hàng xóm mở xe bước xuống với chất ngất toàn hoa tươi mua ở chợ Nhật Tân, những cành lay-ơn dài và những bó hồng thơm lộng lẫy, hoa cúc vàng ươm...

Chị kể, dọc đường, gặp tiết trời nắng ấm, hoa cứ nở và héo dần sau cốp xe, trên ghế xe, vợ chồng con cái cứ ruột gan xót xa nóng bỏng trên suốt mấy trăm cây số, chỉ mong nhanh về để cấp nước, đem chia sắc xuân Hà Nội cho các nhà khi mà chốn quê bây giờ nhà nào cũng chú trọng dành riêng ít nhiều một khoản tiêu tết cho việc mua hoa, sắm hoa!

Lại có năm, quê mổ lợn to, gói rất nhiều bánh chưng, nhà tôi vẫn cứ nhất thiết phải mang thêm bánh chưng và giò lụa Hà Nội về, mà phải là đồ ngon xếp hàng mua của Quốc Hương trên phố Hàng Bông cơ, để có chút hương vị Thủ đô trên bàn thờ báo cáo tổ tiên, rồi sau đó để cả nhà cùng hỉ hả thụ lộc, so sánh chất lượng, mùi vị cũng như tay nghề!

hs-nghi-tet-7652-2970.jpg

Tết cứ thế diễn ra, năm nào cũng hối hả chộn rộn tâm trí chỉ vì cái ý nghĩ nhỏ mọn là mang cái gì về mà nhất định phải là cái không chỉ bản thân mình thấy ưng, thấy hay, thấy hợp ý nhất!

Ông xã tôi không hề thua kém cạnh, có lần mua cả một góc ô tô su hào và bắp cải, khiến về chị dâu cứ trách mãi là mua nhiều quá để nó hỏng, ăn không hết, cho cũng không hết vì nhà nào gần sát tết cũng đi chợ sắm đủ cả rồi! Nay, ông ấy tiến bộ hơn, lại nhấc lên đặt xuống mấy chai rượu ngoại to nhỏ hoài dù biết người quê chỉ xuýt xoa thứ rượu cuốc lủi nhà nấu trong vắt sủi tăm thơm lừng đựng trong loạt chai thủy tinh nút lá chuối luôn sẵn sàng đợi nhấc lên bàn tiệc tất niên.

Điều ngày một khác là bây giờ ở quê sẵn đồ ngon tươi và sạch nhiều hơn ở phố, chợ búa ngày Tết cũng tưng bừng không thiếu thứ gì. Thế nên về quê không kích rích thứ nọ thứ kia như xưa, con cái cháu chắt có thời gian về Tết với cha mẹ ông bà, có thể tha hồ thưởng thức những thức ngon vật tươi của nhà trồng được, thậm chí khi về phố lại la liệt túi nọ xách kia mang theo. Ngược hoàn toàn với Tết xưa!

TẾT QUÊ PHỐ

Ngày thường đồ quê là nhất, ngày Tết càng nhất. Gì gỉ gì di cũng lấy từ quê mang ra. Từ những cô cậu sinh viên được cha mẹ ở quê lo lắng, sắm nắm, “chi viện” mọi thứ từ A đến Z, những bạn trẻ mới đi làm, đồng lương ít ỏi tùng tiệm không đủ cho thuê nhà và ăn uống, cuối tuần lại chờ điện thoại cha mẹ ở quê ra bến xe nhận thùng đồ, đến cả những gia đình khá giả, chỉ ăn đồ quê, đồ sạch, đồ đặt riêng từ hạt gạo, mớ rau đến con gà, con cá...

Bê nguyên cả Tết quê ra phố, từ ngọn rau mớ tép đến con lợn nhà nuôi, con dê đặt tận trang trại...Thương quê, yêu quê, hay “mê tín” đồ quê, là muôn kiểu người quê, người phố ngày Tết.

Mới mấy hôm trước, một cô nàng gốc quê xịn nhưng đã có ít nhiều thâm niên ở phố, kêu ca với tôi: “ Được một bà chị bên chồng sắm nắm gửi lên cho con gà ngon ăn Tết, thế nhưng còn nguyên lông, sợ quá, lại phải xách ra hàng gà ngoài phố thuê thịt hộ, không thì chẳng biết làm sao!”.

Còn ông hàng xóm về hưu thì nức nở khoe: “Về thăm quê, ghé chợ Tết ở quê gặp được mớ cá rô ta ngon tuyệt vời, đem lên đang ngại dao thớt thì may có cô giúp việc hàng xóm chuẩn bị về Tết tranh thủ mổ giùm, có chút tiền nhỏ biếu cô ấy, thế là sau đó cả nhà có món cá rán giòn chấm nước mắm gừng tuyệt cú mèo”!

Hehe, vậy là ngày thường và cả ngày lễ ở phố đều hội đủ đồ quê, cậy cả người quê nữa, thì Tết phố mới thực phong lưu và tiện lợi với người phố!

Mâm cơm ngày Tết đãi nhau, toàn khoe món này ở quê gửi lên, món kia ở quê thửa hộ, Tết ở nhiều gia đình phố cứ sang sảng nhắc đến quê không biết mấy lần, mấy lượt!

TẾT VIỆT MUÔN PHƯƠNG

Hành trang của người Việt khi đi ra thế giới, luôn có một nỗi quê chất chứa. Là những cái ngoái đầu nhìn về cố hương lần chót của những hành trình không hẹn trước ngày về. Là nắm đất nhỏ bé khi Bác Hồ của chúng ta đã hôn lên sau 20 năm ly hương lúc đặt chân lên Pác Bó địa đầu Tổ quốc.

Là giấc mơ và nỗ lực “sẽ làm gì đó cho quê hương bớt đói nghèo” của những doanh nhân Việt ở xa Tổ quốc mỗi lần về với Tết quê hương. Và với hầu hết những người trẻ hôm nay, xa nhà du học, xa nhà lập nghiệp ở những miền đất, những vùng trời mới, họ mang theo quê hương trong tim, trong cả những hành lý tha hương.

Đồ ăn, quần áo, sách vở và những lề thói, tập tục ngày tết của gia đình, làng quê, những tinh hoa, hương vị tết cổ truyền, là đặc trưng văn hóa việt… đều hiện diện trong đó.

Ra với thế giới, bằng cách nào đó để có được dù đơn sơ nhất sự “Tết Việt hóa” những ngày thường đầu năm nơi đất khách, rất nhiều gia đình Việt, sinh viên Việt ở nước ngoài nhờ đó đã cảm thấy mình ít nhiều được bù đắp, đỡ thiếu hụt, đỡ trống trải.

Vài năm trước, ngay trong thời kỳ cả thế giới đang khốn đốn vì nạn covid, đám bạn của các con tôi đã cùng nhau thiết lập một tiệm sách liên quốc gia, chỉ một mục tiêu rất thực tế: đưa tiếng Việt đến với thế hệ thứ 2.

Và một trong những cuốn truyện tranh đầu tiên, vô cùng rực rỡ, được đón chào tại nhiều gia đình Việt có con nhỏ ở khắp Pháp, Đức, Ý, Thụy sĩ... lúc ấy là cuốn truyện tranh về đề tài Tết Việt! Lại có cái bao lì xì đỏ kèm theo cuốn sách!

anh-man-hinh-2024-02-07-luc-110203-711.png
Tết quê - Tết Việt! Như những dòng sông muôn phương quần tụ về biển mẹ, những dòng hải lưu cuộn chảy về với vầng mặt trời quê hương

Khi giở từng trang sách này, lòng tôi cũng rưng rưng nhớ Tết, mong Tết của những đứa trẻ mang dòng máu Việt trên khắp thế giới dù ở nơi đâu vẫn không xa quê, không bị lạc lõng và xa ngái với những niềm vui sum vầy mà chỉ ngày tết quê hương mới có.

Tôi cảm thấy dâng lên niềm biết ơn sâu lắng trước những sáng tạo, dù nhỏ nhất, của những doanh nhân Việt hôm nay, khi có thể giúp ông bà cha mẹ và người thân của những đứa trẻ chưa nói sõi tiếng Việt có cơ hội tặng chúng những món quà ý nghĩa và thiết thực: những trang sách Tết đưa tiếng Việt đi muôn phương, những bộ đồ bà ba, áo dài tung bay những ngày tết theo bước chân con cháu khắp các châu lục...

Tôi cứ nghĩ mà thương vợ chồng đứa con đang ở xa quê, nhớ Tết lắm mà chưa về được vì con dâu đang ở cữ. Dạo hè, khi sang chơi với con, hành lý của tôi tất nhiên không thiếu một số món Việt mà con dâu đang mang thai nhắn là mẹ chịu khó mang cho con một ít. Vài cái bánh nướng trung thu, cặp bánh chưng, một ít măng khô, túi nấm hương kèm túi mộc nhĩ, mấy tệp bánh đa nem, mấy lạng cốm non... Có chị bạn lại nhắn: “ Mang cho tớ vài cái bánh khúc nhé, tớ thèm chết mất!”

Đồ Việt, chợ Việt ở Châu Âu, Châu Mỹ đều có, nhưng giá cả đắt gấp đôi, gấp ba. Mà cha mẹ sang con, có chút đồ quê cầm tay, sang thấy con nó vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngon thì còn gì vui bằng.

Và vui nhất là cặp bánh trung thu, chiếc bánh chưng trước đó đã được con dâu bày trang trọng để thắp hương Tổ tiên lên chiếc bàn thờ nho nhỏ. Đứa cháu bé xíu mới 4 tuổi cũng được bố mẹ nó dạy cho cách chắp tay thành kính trước ban thờ.

Yêu và thương biết mấy, khi Tết quê như vòng tay ấm áp níu giữ chúng ta gần lại với nguồn cội, tổ tiên. Dù ai đó vẫn cho rằng những tập tục đôi khi có phần hà khắc, nặng nề, ở đâu đó, đã đẩy xa lớp trẻ khỏi những lũy tre làng. Nhưng Tết vẫn hiện diện ở quê theo cách hồn hậu, ngọt ngào nhất, nơi có ngôi nhà nhỏ của ông bà, cha mẹ ta luôn mở rộng cánh cửa chờ đón những người con, căn bếp ám khói thơm lừng mùi gạo mới, mùi bánh chưng, mùi mứt gừng, mùi nồi nước tắm nấu từ lá mùi già, mùi hương trầm nghi ngút trên bàn thờ chiều Ba mươi Tết...

Về với cha mẹ, thắp nén hương lên bàn thờ gia tiên, cắm vào bình cành đào phai e ấp nụ, treo lên vách tường tờ lịch mới, đón năm mới bằng những lời chúc đẹp nhất, tại sao không!

Bao nhiêu vất vả, buồn bực, áp lực cả một năm dài đằng đẵng sẽ như tan biến. Chỉ thấy lòng nhẹ tênh, mắt cười môi cười, rạng rỡ bên nhau. Tại sao không!

Xem thêm

Người Việt rủ nhau đi nước ngoài du xuân “trốn Tết”

Người Việt rủ nhau đi nước ngoài du xuân “trốn Tết”

Năm nay, xu hướng du lịch dịp Tết Nguyên đán của người Việt có sự dịch chuyển từ du lịch tour nội địa sang du lịch các nước khu vực Châu Á. Theo thông tin của công ty du lịch, các tour du lịch nước ngoài hút khách bởi chi phí khá rẻ…

Có thể bạn quan tâm

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Black Friday là gì và tại sao người tiêu dùng lại “mê” ngày lễ mua sắm này đến vậy?

Black Friday là gì và tại sao người tiêu dùng lại “mê” ngày lễ mua sắm này đến vậy?

Black Friday, thường diễn ra vào ngày thứ Sáu sau Lễ Tạ Ơn tại Mỹ, là khởi đầu cho mùa mua sắm cuối năm ở nhiều quốc gia. Ngày này được biết đến với những đợt giảm giá lớn và ưu đãi hấp dẫn tại các cửa hàng và trang thương mại điện tử, thu hút hàng triệu người mua sắm trên toàn cầu…