Vạn Phát Hưng báo lỗ sau kiểm toán

Sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng đã chuyển từ lãi 4,4 tỷ đồng thành lỗ 821 triệu đồng...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Vạn Phát Hưng lần đầu báo lỗ sau kiểm toán
Vạn Phát Hưng lần đầu báo lỗ sau kiểm toán

Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng (mã chứng khoán: VPH) đã công bố báo cáo tài chính năm 2023 sau kiểm toán, theo đó, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đã “quay xe” từ lãi 4,4 tỷ đồng thành âm 821 triệu đồng.

Lý giải về sự thay đổi này, VPH đưa ra 3 nguyên nhân. Thứ nhất do giá vốn hàng bán bất động sản của khoản chi phí dự án trích trước nay đã thực hiện được điều chỉnh tăng.

Thứ hai, chi phí xây dựng cơ bản dở dang các năm trước hợp lý nhưng không hợp lệ và kết quả kinh doanh trong kỳ cũng tăng theo.

Cuối cùng, do điều chỉnh giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng giá vốn điều chỉnh tăng.

Ngoài ra, Công ty kiểm toán cũng nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của VPH. Bởi ngày 31/12/2023, tổng tài sản ngắn hạn trên báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ đang thấp hơn nợ phải trả ngắn hạn là 542 tỷ đồng, chủ yếu do các khoản vay tổ chức và các cá nhân, đồng thời dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính của công ty trên báo cáo tài chính riêng và hợp nhất đều bị âm.

Về vấn đề này, Vạn Phát Hưng cho biết, hiện nay tài sản ngắn hạn của công ty đang nằm tại các công ty con. Cụ thể, hàng tồn kho tại Công ty Cổ phần Bất động sản Nhà bè là khu đất 16,7ha với giá trị sổ sách là 865 tỷ đồng, tại Công ty Cổ phần đầu tư Định An là khu đất 2,2ha có giá trị 90 tỷ đồng...

Trong khi đó, các khoản vay lớn của công ty đều nằm ở công ty mẹ. Vì thế, chỉ số tài sản ngắn hạn trên nợ ngắn hạn ở công ty mẹ tương đối thấp, đạt khoảng 0,7 lần.

Trước đó, vào cuối năm 2023, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng (VPH) đã thông qua việc bán toàn bộ gần 9 triệu cổ phần công ty sở hữu tại công ty con là Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Du lịch C.T.C. Số lượng cổ phần này tương đương 99,8% vốn điều lệ công ty con.

Hội đồng quản trị công ty cũng cho biết, giá trị chuyển nhượng không thấp hơn giá gốc khoản đầu tư. Báo cáo tài chính của Vạn Phát Hưng cho thấy giá trị gốc khoản đầu tư vào C.T.C là 180 tỷ đồng. Như vậy, đối tác nhận chuyển nhượng cổ phần từ Vạn Phát Hưng phải chi trả ít nhất 180 tỷ đồng cho thương vụ này.

Có thể bạn quan tâm