VEPR: Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 2,8% trong năm nay

Theo VEPR, với điều kiện dịch COVID-19 tiếp tục được khống chế ổn định ở trong nước và kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 2,6-2,8% năm 2020.
VEPR: Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 2,8% trong năm nay

Theo thông tin được đưa ra tại Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 3 và 9 tháng năm 2020 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố mới đây, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cả năm 2,6-2,8% với điều kiện dịch COVID-19 tiếp tục được khống chế ổn định ở trong nước và kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc do các biện pháp phong tỏa được dần gỡ bỏ.

"Mức dự báo này thấp hơn so với ước tính trong báo cáo trước đây do việc dịch bệnh quay trở lại tại một số thành phố lớn ở miền Trung trong tháng Bảy làm gián đoạn quá trình hồi phục của ngành du lịch. Trong trường hợp bất lợi hơn khi các nước đối tác của Việt Nam phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa, kinh tế Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng trong khoảng 1,8 - 2,0%," trích báo cáo.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu báo cáo này còn nhấn mạnh, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch bệnh không chỉ trong nước mà còn trên thế giới.

Những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong phần còn lại của năm bao gồm kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh như mong đợi.

Cùng với đó là chi phí nguyên nhiên vật liệu duy trì ở mức thấp do suy giảm nhu cầu tiêu thụ và sản xuất; làn sóng dịch chuyển đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ thương chiến Mỹ-Trung và tận dụng các ưu đãi đầu tư tại Việt Nam...

Tuy vậy, theo phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất trắc. Sự tái bùng phát của dịch Covid-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa có thể kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng. Xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ.

Bên cạnh đó, điểm yếu của kinh tế Việt Nam còn đến từ các rủi ro nội tại như mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng, bị chững lại; sức khỏe hệ thống ngân hàng-tài chính tuy dần được củng cố nhưng còn dễ tổn thương; sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực đầu tư nước ngoài, thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu; tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bị ngưng trệ, môi trường và thể chế kinh doanh chất lượng còn thấp.

Ông Phạm Thế Anh cũng đưa ra kịch bản cơ sở có khả năng cao xảy ra. Theo đó, bệnh dịch sẽ không tái bùng phát trong nước trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế nội địa dần trở lại bình thường.

Trong khi đó, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế-tài chính quan trọng trên thế giới có thể tái xuất hiện cục bộ trên quy mô nhỏ ở một số quốc gia. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 2,6-2,8%.

Ở kịch bản bất lợi, nếu bệnh dịch trong nước vẫn được khống chế hoàn toàn trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế-tài chính quan trọng trên thế giới tái bùng phát mạnh, các nước phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa trong quý 4 năm 2020 dẫn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng và không có khả năng hồi phục trong năm 2020. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 1,8-2,0%.

Tuy nhiên, nếu dịch COVID-19 bùng phát trở lại trong nước trong quý 4 thì các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Xem thêm

2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021

2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Kế hoạch số 09/KH-NHNN góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, NHNN đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021.

Có thể bạn quan tâm