Vì sao chủ đầu tư dự án Dreamland Bonanza bị cư dân tố lừa đảo?

Chiều tối ngày 22/3/2021, hàng trăm cư dân dự án Dreamland Bonanza 23 Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) đã căng hàng loạt băng rôn tố chủ đầu tư lừa đảo và yêu cầu bồi thường, trả sổ hồng cho cư dân…
Vì sao chủ đầu tư dự án Dreamland Bonanza bị cư dân tố lừa đảo?

Cụ thể, hàng loạt băng rôn với nội dung như: "Vinaland phải bồi thường cho chúng tôi", "nhà Nam Từ Liêm nhưng lừa bán Cầu Giấy", "Vinaland trả lại quyền sở hữu đối với khối văn phòng", "BIC Việt Nam lừa đảo", "Trả sổ hồng", "Vinaland lừa đảo"…

Trao đổi với phóng viên, đại diện cư dân Dự án Dreamland Bonanza cho biết: “Cư dân tại đây nhận bàn giao từ tháng 5/2020, và chủ đầu tư hứa sau 5 tháng sẽ trả sổ hồng cho cư dân nhưng đến nay chưa có. Ngoài ra, lúc mở bán chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo khi giới thiệu dự án ở Cầu Giấy nhưng thực tế dự án lại ở Nam Từ Liêm khiến việc đăng ký cho con đi học của cư dân vô cùng khó khăn”.

Ngoài ra, đại diện cư dân cho biết, diện tích căn hộ chủ đầu tư không đo cho cư dân, hội nghị nhà chung cư được chủ đầu tư cam kết tổ chức trong tháng 3/2021 nhưng đến nay chưa được tổ chức mặc dù gần hết tháng 3.

Đây được xem là giọt nước tràn ly trước nhiều sai phạm của chủ đầu tư và đơn vị môi giới trong việc bán hàng, kinh doanh trong nhiều năm quá khiến cư dân và cả công ty thuê nhà tại đây bức xúc.

Trước đó, cư dân tòa nhà trên đã gửi đơn thư đến cơ quan thông tấn báo chí Về việc đảm bảo quyền lợi chính đáng của người mua căn hộ tại Chung cư Dreamland Bonanza.

Đơn thư của cư dân Dreamland Bonanza
Đơn thư của cư dân Dreamland Bonanza

Cụ thể, đơn thư của cư dân cho biết: Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi có đủ cơ sở để xác định phần lớn căn hộ tại Chung cư Dreamland Bonanza không nằm trong địa giới hành chính phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội như địa chỉ được ghi nhận tại các hồ sơ/tài liệu có liên quan (do nhân viên tư vấn của Công ty BIC Việt Nam cung cấp), Biên bản thỏa thuận tư vấn mua căn hộ với Công ty Cổ phần BIC Việt Nam, các bản quảng cáo về dự án và Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư với Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Vinaland. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến: tiến độ và thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử hữu căn hộ; thủ tục cư trú, hộ khẩu, hộ tịch, việc được học đúng tuyến tại quận Cầu Giấy cho con em của chủ sở hữu các căn hộ tại chung cư Dreamland Bonanza. Việc cung cấp thông tin về địa giới hành chính không trung thực được xem là hành vi vi phạm nghiêm trọng cam kết của Chủ đầu tư và có dấu hiệu của việc lừa dối khách hàng. Do đó, để đảm bảo các quyền lợi của cư dân chung cư Dreamland Bonanza, chúng tôi có đề nghị CĐT trực tiếp gặp mặt trao đổi các vướng mắc có phương án bồi thường chính đáng cho cư dân nhưng không nhận được hồi đáp về việc này.

Chủ sở hữu các căn hộ đã đóng 100% giá trị căn hộ (bao gồm phí tư vấn và giá trị căn hộ đã được tính theo diện tích tại Hợp đồng mua căn hộ chung cư) theo giá trị tại Biên bản thỏa thuận tư vấn mua căn hộ với Công ty Cổ phần BIC Việt Nam và Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư với Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Vinaland. Tuy nhiên, đến nay Chủ sở hữu các căn hộ chưa nhận được Giấy chứng nhận sở hữu căn hộ cũng như các thông tin về tiến độ cấp Giấy chứng nhận sở hữu căn hộ từ phía Công ty. Đơn thư của cư dân nêu rõ.

Được biết, dự án Dreamland Bonanza có nhà đầu tư thứ nhất là Công ty Cổ phần xây lắp giao thông công chính và nhà đầu tư thứ hai là Công ty CP Đầu tư Bất động sản Vinaland, đơn vị quản lý dự án và đầu tư tiếp thị là Công ty CP BIC Việt Nam. Quy mô dự án có tổng diện tích xây dựng là 2.165,5 m2 với 3 tầng hầm (diện tích tầng hầm là 12.336 m2) và 378 căn hộ có tổng diện tích sàn căn hộ là trên 43.340 m2. Dự án đã được được tiến hành ra mắt chính thức ngày 8/12/2017.

Biên bản thỏa thuận mua căn hộ nhưng dưới hình thức là "Tiền dịch vụ tư vấn" lên đến hàng trăm triệu đồng
Biên bản thỏa thuận mua căn hộ nhưng dưới hình thức là "Tiền dịch vụ tư vấn" lên đến hàng trăm triệu đồng

Theo tìm hiểu khi mở bán giá căn hộ tại dự án Dreamland Bonanza do Công ty CP đầu tư bất động sản Vinaland làm chủ đầu tư dao động từ 2 - 6 tỉ đồng (34 - 36 triệu/m2), nhưng tổng giá trị căn hộ lại chia thành 2 khoản thu: giá trị căn hộ trong hợp đồng mua bán (gồm VAT, chưa bảo trì) và phí dịch vụ tư vấn. Cụ thể, một căn hộ giá hơn 6 tỉ đồng thì khách chỉ cần đóng vào hợp đồng mua bán hơn 5 tỉ. Số còn lại được yêu cầu đóng theo nội dung “phí dịch vụ tư vấn”.

Theo bảng giá căn hộ của dự án này đang được các nhân viên môi giới tư vấn thì tổng giá trị căn hộ chưa gồm 2% phí bảo trì sẽ gồm giá trị trên hợp đồng mua bán và phí dịch vụ tư vấn (Công ty CP BIC Việt Nam thu). Tiền chênh giữa giá trị thực tế và giá trong hợp đồng mua bán 400 - 980 triệu đồng, được hạch toán vào phí dịch vụ tư vấn. Diện tích căn hộ càng lớn thì phí dịch vụ tư vấn này càng cao.

Ước tính sơ bộ, với cách thu phí dịch vụ trên thì BIC Việt Nam thu về ít nhất 115 tỉ đồng khi bán 378 căn hộ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chưa có thông tin gì về việc xử lý hiện tượng nêu trên của Chủ đầu tư và đơn vị bán hàng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…