Việt Nam – Philippines thoả thuận hợp tác kinh doanh xuất khẩu xi măng

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Philippines của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam từ ngày 23 - 25/11/2022, lãnh đạo 2 bên đã có những ký kết đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng.

Thỏa thuận hợp tác kinh doanh xuất khẩu xi măng, clinker sang thị trường Philippines giữa Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) phối hợp với hai doanh nghiệp nhập khẩu là Công ty Fenix (CEZA) INT’L INC và Công ty Golden Falcon Trading Corporation được ký kết tại Manila, Philippines, với sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Theo đó, các bên đã thống nhất hợp tác xuất nhập khẩu xi măng, clinker của VICEM sang thị trường Philippines với sản lượng 6 triệu tấn xi măng, clinker trong vòng 3 năm, từ năm 2023 đến 2025.

Lãnh đạo VICEM cho biết, thỏa thuận được ký với 2 doanh nghiệp Philippines tạo điều kiện để doanh nghiệp xi măng Việt Nam tham gia sâu, rộng hơn vào thị trường cung ứng vật liệu xây dựng cho các công trình cơ sở hạ tầng của Philippines trong bối cảnh nguồn cung trong nước khá lớn.

xuất khẩu xi măng
Ông Bùi Xuân Dũng - Chủ tịch HĐTV VICEM và đối tác Philippines.

Hiện nay, nhu cầu về các loại vật liệu xây dựng trong đó có xi măng tại Philippines là rất lớn khi Chính phủ nước này đang đẩy phát triển kinh tế thông qua việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Philippines là thị trường nhập khẩu xi măng, clinker lớn với khoảng 15-17 triệu tấn/năm, nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 7 triệu tấn/năm, trong đó VICEM khoảng 1,5 triệu tấn/năm chiếm tỷ trọng 21,5%.

Những năm gần đây, thị trường xi măng Việt Nam đang trong tình trạng mất cân đối cung lớn hơn cầu. Trong đó, cung khoảng 120,7 triệu tấn trong khi nhu cầu xi măng trong nước khoảng 64 - 65,5 triệu tấn, lượng dư thừa buộc phải xuất khẩu. Dự báo năm 2023 và các năm tiếp theo vẫn dư cung khoảng 50 triệu tấn xi măng, clinker/năm phải xuất khẩu.

Trải qua hơn 120 năm xây dựng và phát triển và hơn 40 năm thành lập, hiện nay, VICEM có 10 nhà máy sản xuất xi măng với 16 dây chuyền sản xuất, công suất 21 triệu tấn clinker, hơn 25 triệu tấn xi măng/năm, tiêu thụ sản phẩm chính gần 30 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 33% thị phần trong nước và khoảng 23% thị phần xuất khẩu. Các nhà máy xi măng của VICEM có công nghệ hiện đại từ các nước EU, G7, được phân bố khắp đất nước.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Philippines đã quyết định không gia hạn biện pháp tự vệ đối với xi măng nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể, mức thuế tự vệ 2,7 - 32% đối với xi măng nhập khẩu vào Philippines hết hạn vào 22/10/2022.

Trong vòng 5 năm tới, các sản phẩm xi măng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không bị áp thuế tự vệ tại nước này. Với việc Philippines không áp dụng biện pháp tự vệ với xi măng nhập từ Việt Nam sẽ tạo thêm cơ hội để các nhà sản xuất xi măng trong nước tăng xuất khẩu trở lại vào thị trường này.

Số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 tháng qua, sản lượng xuất khẩu toàn ngành đạt gần 26 triệu tấn, trị giá 1,14 tỷ USD, giảm lần lượt 30% về lượng và 19,6% về trị giá so với cùng kỳ.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, xuất khẩu xi măng và clinker vẫn là cứu cánh cho các doanh nghiệp xi măng của Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu trong nước suy yếu và mất cân đối cung cầu như hiện nay.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...