Tính đến ngày 30-12-2016, vốn chủ sở hữu của Vinalines đã đạt mức 6.423 tỉ đồng, sau khi bị âm đến 8.727 tỉ đồng vào đầu thời điểm tái cơ cấu (2013). Con số này được đưa ra trong kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại Vinalines, do Bộ Giao thông Vận tải thực hiện. Báo cáo giám sát tài chính công ty mẹ - Vinalines trong 6 tháng đầu năm 2017 cũng ghi nhận kết quả này.
Sau 3 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu toàn diện Vinalines (2013-2016), hiện công ty mẹ đã giảm được 9.875 tỉ đồng trong tổng số 11.425 tỉ đồng tiền nợ (trong đó có 7.800 tỉ đồng là nợ gốc, còn lại là nợ lãi). Trong đó xóa được gần 4.900 tỉ đồng là nợ lãi, chủ yếu của Ngân hàng Phát triển (VDB) theo chỉ đạo của Chính phủ. Từ nay đến cuối năm, tổng công ty đặt mục tiêu xử lý tiếp 969 tỉ đồng nợ.
Như vậy, với vốn chủ sở hữu ở mức cao và dư nợ chỉ còn chưa đầy 29% so với tổng dư nợ trước đây, Vinalines đã chính thức thoát nguy cơ phá sản, sau nhiều năm chìm đắm trong nợ nần. Trên thực tế, lĩnh vực khó khăn nhất của doanh nghiệp là vận tải và khai thác cảng biển đã bước đầu có phục hồi. Từ mức lỗ 8.045 tỉ đồng (2012), đã cân bằng và có lãi từ năm 2016 (33 tỉ đồng). Số lỗ lũy kế nay còn 5.040 tỉ đồng (2013 là 23.032 tỉ đồng).
Ngay từ đầu năm 2015, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp đã đạt 253 tỉ đồng, đủ khả năng bù trừ cho các khoản đầu tư khác thua lỗ. Tại thời điểm 2015, Vinalines đã bắt đầu bước sang giai đoạn hòa vốn và nay là có lãi thực.
Theo phương án tái cơ cấu doanh nghiệp, chuẩn bị bán cổ phần lần đầu dự kiến diễn ra vào cuối năm nay, Vinalines đã được Chính phủ phê duyệt cho phép giữ lại 65% vốn nhà nước tại công ty mẹ và các cảng lớn (Hải Phòng, Đà Nẵng và Cảng Sài Gòn). Ngoài ba cảng này, hệ thống các cảng khác của Vinalines còn lại cũng làm ăn có lãi.
Theo Lan Nhi /TBKTSG
>> Vẽ lại bức tranh nợ, lỗ của Vinalines