Trong các tháng đầu năm, Chính phủ và một số Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản có tác động đến lĩnh vực bất động sản như Nghị định số 08/NĐ-CP, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP, Nghị quyết số 31/NQ-CP, Nghị quyết số 33/NQ-CP, Thông tư 02/2023/TT-BXD, Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023, Công điện số 194/CĐ-TTg, Công văn số 178/TTg-CN, Văn bản số 2308/NHNN-TD…
Thị trường quý 1/2023
Trong quý 1, cả nước có 1 dự án nhà ở xã hội với quy mô 300 căn hộ được cấp phép mới, có 5 dự án với quy mô 1.908 căn đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai và có 4 dự án với quy mô 934 căn hộ đã hoàn thành xây dựng.
Đồng thời, thị trường có 397 dự án đang triển khai xây dựng với quy mô 453.426 căn trong đó đang triển khai xây dựng 152 dự án với quy mô 153.426 căn, đang thực hiện thủ tục đầu tư 245 dự án với quy mô 300.000 căn.
Đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, hoàn thành có 14 dự án với 5.909 căn, số lượng dự án bằng khoảng 50% so với quý 4/2022 và bằng khoảng 63,64% so với quý 1/2022.
Dự án đang triển khai xây dựng có 698 dự án với 398.592 căn, số lượng dự án đạt 149,79% so với quý 4/2022 và bằng khoảng 57,4% so với với quý 1/2022. Dự án được cấp phép mới có 17 dự án với 7.187. Còn dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai có 52 dự án với 23.690 căn.
Theo Bộ Xây dựng nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý 1/2023 vẫn còn hạn chế và có xu hướng giảm so với quý 4/2022.
Về dự án du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú có 8 dự án với 3.385 căn hoàn thành. Dự án đang triển khai là 56 dự án với 25.368 căn và dự án được cấp phép mới là 1 dự án.
Còn dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở có 11 dự án với 1.237 ô đất nền đã hoàn thành. Đang triển khai xây dựng 248 dự án với 66.523 ô đất nền và được cấp phép mới 6 dự án với 309 ô đất nền.
Như vậy, theo tổng hợp số liệu từ Sở Xây dựng các địa phương, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ là 39.133 giao dịch thành công, lượng giao dịch đất nền có 67.268 giao dịch thành công.
Qua số liệu tổng hợp cho thấy, trong quý 1/2023 có 106.401 giao dịch thành công, chỉ đạt 65,06% so với quý 4/2022 và 61,2% so với quý 1/2022. Lượng giao dịch giảm chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền, chỉ đạt 45,09% so với quý 4/2022 và 43,81% so với quý 1/2022. Tuy nhiên, lượng giao dịch đối với nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ tăng 272,72% so với quý 4/2022 và 192,54% so với quý 1/2022.
Những khó khăn vướng mắc chính
Hiện nay, có rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị đang triển khai thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc hoặc dừng triển khai thực hiện do nhiều nguyên nhân, theo Bộ Xây dựng các có 3 nguyên nhân điển hình gây nên thực trạng này.
Cụ thể, thứ nhất, liên quan đến pháp luật về đất đai, thực tế, nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc, triển khai chậm do quy định về phương pháp định giá đất. Nhiều trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định nhưng đã được chuyển mục đích sử dụng đất…
Thứ hai, liên quan đến pháp luật về quy hoạch, một số dự án có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên.
Thứ ba, nguyên nhân liên quan đến pháp luật về đầu tư về việc cho phép điều chỉnh tiến độ dự án, về quy định không cho phép chấp thuận chủ trương đồng thời lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại trong trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng "đất khác" nhưng không phải đất ở…
Để giải quyết triệt để, các cái vấn đề của thị trường bất động sản hiện nay, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam đã có một số kiến nghị nhằm khắc phục những khó khăn của thị trường.
“Việc xử lý các chính sách cần phải nhanh hơn, chi tiết hơn và cụ thể hơn, đặc biệt là đối với nhà ở xã hội. Vì trong thời điểm này nhà ở xã hội là sản phẩm cần thiết, là một phần để phục vụ cho các đối tượng thụ hưởng chính sách. Đây là đối tượng cần, khi các sản phẩm phù hợp như nhà ở xã hội có mặt trên thị trường, sẽ tạo điều kiện cho kích cầu giao dịch”, ông Đính nêu rõ.
Bên cạnh đó, Chính phủ và các cơ quan cần xây dựng, sớm ban hành các quy định quy trình để sớm ban hành các thủ tục cho các dự án đầu tư và đặc biệt là các nghị định kiểu như nghị định 10.
Trong đó, chú ý gỡ khó cho các khâu thủ tục chuyển nhượng dự án, đấu thầu, đấu giá, chủ đầu tư các quy định về phê duyệt giá đất, có thể nói vấn đề này nằm trong tỷ trọng cao nhất của những khó khăn mà thị trường đang gặp phải.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải tái cấu trúc, lựa tình hình của thị trường và năng lực để thực hiện điều này.