Chủ đầu tư dự án HUD3 vừa bị truy thu và phạt thuế hơn 4 tỷ đồng
Cuối những năm 2010, CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD3 (HUD3) là một doanh nghiệp xây dựng có tiếng trên địa bàn Hà Nội; tổng tài sản tính tới cuối năm 2010 lên tới 850 tỷ đồng, doanh thu trong năm đạt 555 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) giai đoạn 2007-2011 từ 3-4.000 đồng, cá biệt năm 2009 lên tới 6.650 đồng, con số đáng mơ ước đối với bất cứ doanh nghiệp nào.
Bởi vậy, không khó hiểu khi cuối năm 2011, Hội đồng quản trị HUD3 liên tục công bố các mục tiêu quan trọng cho giai đoạn tài chính 2011-2015, với tham vọng tăng doanh thu gấp đôi lên 1.050 tỷ đồng vào năm 2015, tăng vốn chủ sở hữu gấp 3 lần lên 323,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế năm 2015 dự kiến ở mức 89 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, HUD3 tuyên bố tham gia đầu tư dự án Tây Nam Linh Đàm với số vốn 450 tỷ đồng, và dự án Tòa nhà HANEL-HUD3 tại địa chỉ 60 Nguyễn Đức Cảnh, Quận Hoàng Mai, Hà Nội với tổng mức đầu tư 630 tỷ đồng. Chỉ ít tháng sau đó, ngày 29/3/2012, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2012 Công ty nhấn mạnh sẽ sớm đầu tư dựán 60 Nguyễn Đức Cảnh và tiến hành khởi công vào quý III/2012.
Mặc dù vậy, tình hình kinh doanh của HUD3 không khả quan như kỳ vọng, cộng với việc phải dồn nguồn lực thực hiện dự án Tây Nam Linh Đàm khiến lô đất vàng 60 Nguyễn Đức Cảnh “đắp chiếu” suốt nhiều năm qua và phải dời kế hoạch khởi công sang quý I/2017, dự kiến hoàn thành quý I/2018.
Cuối năm 2016, dự án được đẩy mạnh thi công phần móng. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, các chủ đầu tư thường đẩy mạnh xây dựng phần móng để đáp ứng điều kiện bán căn hộ hình thành trong tương lai theo Luật Kinh doanh Bất động sản. Tốc độ triển khai sau đó nhanh hay chậm, có đúng tiến độ hay không thì lại tùy thuộc vào năng lực của chủ đầu tư.
HUD3 có “xoay” đủ vốn?
9 tháng đầu năm 2016, HUD3 ghi nhận lợi nhuận sau thuế 15,2 tỷ đồng, tổng tài sản 537 tỷ đồng, chỉ bằng 2/3 con số cách đây 7 năm, trong đó hàng tồn kho là 233 tỷ đồng, chiếm tới 43,4% cơ cấu tổng tài sản. Lợi nhuận sau thuế củaHUD3 những năm qua chỉ quanh ngưỡng 15 tỷ đồng, thua xa kế hoạch đặt ra cho giai đoạn 2011-2015, khiến tỷ lệ chi trả cổ tức giảm dần, từ mức 25% năm 2011 xuống 7,5% năm 2015 (dự kiến năm 2016 tiếp tục là 7,5%).
Lợi nhuận èo uột góp phần khiến quy mô vốn của HUD3 khá khiêm tốn trong ngành xây dựng.Vốn điều lệ của Công ty tính đến cuối quý III/2016 là 100 tỷ đồng.Lần gần đây nhất HUD3 tiến hành tăng vốn là năm 2009, khi vốn điều lệ được tăng gấp đôi từ mức 50 tỷ đồng.
Nguồn lực tài chính hạn chế so với các đối thủ khác khiến HUD3 không dễ dàng để thực hiện các dự án quy mô lớn, và bắt buộc phải phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính lẫn chiếm dụng vốn từ khách hàng trả tiền trước. Tính tới cuối tháng 9/2016, vay nợ tài chính ngắn hạn của đơn vị ở mức 113 tỷ đồng, gấp gần 4 lần đầu năm (32,6 tỷ đồng), trong đó vay cá nhân là 68 tỷ đồng; người mua trả tiền trước ngắn hạn là 74 tỷ đồng; con số này đã có thời điểm lên tới 242 tỷ đồng cuối năm 2015, chiếm 40% cơ cấu tổng nguồn vốn của HUD3.
Lệ thuộc quá lớn vào các nguồn lực bên ngoài chính là rủi ro lớn nhất đối với HUD3. Vay nhiều đi kèm với áp lực trả nợ, lãi lớn, trong khi nếu có rủi ro trong công tác bán hàng, không thu hút được vốn từngười mua thì nguy cơ dự án bị chậm tiến độ hoặc thậm chí bị đình trệ không phải là không thể xảy ra.
Lưu ý rằng mặc dù HĐQT Công ty ban đầu dự kiến khởi công dự án vào cuối năm 2012, song sớm nhất cũng phải 5 năm sau, tức là đầu năm 2017 thì dự án mới bắt đầu đi vào xây dựng phần thân.
Trong lúc này, áp lực về nguồn vốn có thể được giảm bớt bằng cách tăng vốn điều lệ, như HĐQT HUD3 đã đề ra hồi cuối năm 2011 (theo kế hoạch, vốn điều lệ tới cuối năm 2015 là 323,6 tỷ đồng). Kịch bản này đã được ‘mở đường’ khi Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD – Công ty mẹ của HUD3) năm ngoái tuyên bố sẽ giảm bớt tỷ lệ sở hữu tại đây từ mức 51% hiện nay xuống 20-30%.
Cổ phiếu của HUD3 hiện đang được giao dịch trên Sở GDCK TP.HCM với mã HU3. Chốt phiên 08/01, HU3 đứng giá ở mức 9.290 đồng/CP.
“Nhập nhèm”chức danh chủ đầu tư
Dự án 60 Nguyễn Đức Cảnh bắt đầu manh nha cách đây hơn 7 năm. Khi Công ty TNHH MTV HANEL (HANEL) và HUD3 ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 30/HĐHTKD-HUD3-HANEL; theo đó, HANEL sẽ góp vốn bằng chính mảnh đất có diện tích 6.163,6m2 tại địa chỉ 60 Nguyễn Đức Cảnh, với diện tích xây dựng là 2.670 m2.
Theo Quyết định số 11388/SXD-QLN ngày 09/12/2016 của UBND TP Hà Nội cho phép đưa dự án 60 Nguyễn Đức Cảnh vào kinh doanh, chủ đầu tư được xác định là HANEL, còn HUD3 chỉ là đơn vị hợp tác kinh doanh. Mặc dù vậy, một số sàn bất động sản ủy quyền chính thức phân phối dự án 60 Nguyễn Đức Cảnh như Địa Tín hay Địa ốc Phú Tài đều cho biết chủ đầu tư là HUD3.
Việc “nhập nhèm” chức danh chủ đầu tư khiến không ít khách hàng băn khoăn đối với dự án 60 Nguyễn Đức Cảnh, bởi khi ký hợp đồng mua bán hay đặt cọc căn hộ, người mua bắt buộc phải làm việc với chủ đầu tư theo quy định của pháp luật.
Nghi Điền/ANTT
>> Thanh tra 12 tập đoàn bất động sản lớn