FLC Faros được ông Trịnh Văn Quyết "trang điểm" như thế nào?

Dưới “bàn tay ma thuật” của ông Quyết FLC Faros từ một công ty thua lỗ trong hệ sinh thái FLC, nhanh chóng trở mình thành Bluechip và góp mặt vào danh sách những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán...

FLC Faros được ông Trịnh Văn Quyết "trang điểm" như thế nào?

Những ngày gần đây, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến vụ án hình sự “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán", xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Trong đó, Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán: ROS) - doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong đại án này cũng là từ khóa được nhiều người chú ý.

Trước đó, kết luận 25/8/2022 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, ông Trịnh Văn Quyết, bà Hương Trần Kiều Dung (FLC Faros), và hai em gái của ông Quyết là bà Trịnh Thị Thúy Nga và bà Trịnh Thị Minh Huế đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách tăng vốn ảo cho FLC Faros rồi bán cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán.

Trong giai đoạn 2014 - 2016, các bị can nói trên đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của FLC Faros. Sau khi 430 triệu cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán, 4 bị can đã bán cổ phiếu và chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Dưới “bàn tay ma thuật” của ông Quyết cùng đồng bọn, vốn điều lệ và thị giá cổ phiếu của FLC Faros tăng “chóng mặt”. FLC Faros từ một công ty thua lỗ trong hệ sinh thái FLC, sau nhiều năm gần như không hoạt động đã nhanh chóng trở mình, biến hóa thành Bluechip và góp mặt vào danh sách những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán.

Vào tháng 9/2016, sau khi hoàn tất đợt tăng vốn khống lên 4.300 tỷ đồng, FLC Faros đã được dàn lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) “tiếp tay” niêm yết cổ phiếu trên HOSE với giá tham chiếu chỉ 10.500 đồng/cổ phiếu.

Sau khi lên sàn, FLC Faros tiếp tục tăng vốn thêm hai lần khác bằng cách trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2017 với tỷ lệ 10% và thưởng cổ phiếu vào năm 2018 với tỷ lệ 20%. Theo đó vốn điều lệ của FLC Faros nâng lên mức 5.676 tỷ đồng, tương ứng với 567,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành.

Chỉ sau một năm niêm yết, thị giá của ROS đã tăng gấp 20 lần, đạt mức 210.000 đồng/cổ phiếu. Kéo theo vốn hóa của FLC Faros tăng lên mức 101.000 tỷ đồng, trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 6 trên sàn HOSE. Thời điểm đó, chỉ có 6 doanh nghiệp có mức vốn hóa trên 100.000 tỷ gồm các ông lớn như: Vinamilk, Sabeco, Vingroup, Vietcombank và PV Gas.

Khi đó, vốn hóa của FLC Faros còn vượt một loạt doanh nghiệp trong rổ chỉ số VN30 như BIDV, Petrolimex, Vietbank, Masan Group, VPBank, Hòa Phát, MB, Thế Giới Di Động...

Với việc vốn hóa tăng "chóng mặt" chỉ trong một năm, rất nhiều quỹ ETF lúc đó đưa ROS vào rổ danh mục và thắng lớn nhờ vào việc đầu tư vào cổ phiếu này. Không chỉ các quỹ ETF, FLC Faros cũng đã đưa từng ông Trịnh Văn Quyết trở thành một trong những người giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Sau thời kỳ đỉnh cao, từ tháng 12/2017, giá cổ phiếu này đã liên tục trượt dốc từ một Bluechip trở thành một cổ phiếu penny trên sàn chứng khoán. Tới ngày 24/8, HOSE đã thông báo khả năng hủy niêm yết cổ phiếu ROS sau khi căn cứ mức độ và tính chất của các vi phạm công bố thông tin và quản trị công ty, với tình trạng hiện nay của ROS có thể khiến việc vi phạm có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư.

Đến ngày 5/9/2022, cổ phiếu ROS đã chính thức bị hủy niêm yết trên HOSE. Nguyên nhân HOSE đưa ra là FLC Faros đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch Chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Sau khi bị hủy niêm yết, hiện ROS vẫn chưa đủ điều kiện giao dịch cổ phiếu trên UPCoM. Ở phiên giao dịch cuối cùng, vốn hóa của doanh nghiệp này chỉ còn 1.400 tỷ đồng, mặc dù vốn điều lệ của FLC Faros lúc đó là 5.676 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, FLC Faros tiền thân là Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà, chuyên thi công đường giao thông, thi công nhà cao tầng và các công trình dân dụng khác. Doanh nghiệp này được thành lập vào năm 2011 với số vốn ban đầu là 1,5 tỷ đồng.

Ngày 13/5/2015, Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà đã đổi tên thành Công ty Cổ phần Xây dựng Faros. Đến gần cuối năm 2016, tức là khoảng 3 tháng sau khi niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, Xây dựng Faros mới có thêm chữ "FLC" trong tên gọi của mình như ngày nay.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...

“Cá mập” Pyn Elite Fund trở thành cổ đông lớn của Haxaco

“Cá mập” Pyn Elite Fund trở thành cổ đông lớn của Haxaco

Pyn Elite Fund đã nâng sở hữu tại Haxaco từ 5,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,8% vốn) lên thành 6,1 triệu đơn vị (tỷ lệ 5,7% vốn) qua đó trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp phân phối Mercedes-Benz chính hãng đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam...