Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam vừa công bố báo cáo chiến lược tháng 9/2024 với chủ đề “Xu hướng tăng rõ ràng khi nới lỏng xảy ra”.
Tại báo cáo, nhóm chuyên gia cho biết về vĩ mô, kinh tế trong nước đang tiếp tục quá trình hồi phục nhờ sức tiêu dùng mạnh, xuất khẩu tăng trưởng trở lại và dòng vốn FDI vào Việt Nam duy trì đà tăng. Các chỉ báo sản xuất cũng ghi nhận kết quả tích cực.
Mặc dù giá hàng hóa vẫn tăng trong tháng 8, giá xăng dầu giảm đã kiềm chế lạm phát. Nhiều điểm sáng đã xuất hiện như tỷ giá bắt đầu hạ nhiệt, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng theo đó cũng hạ nhiệt theo.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm ngoái. Điểm đáng chú ý là số đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu tiếp tục tăng. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lưu ý tốc độ tăng trong tháng 8 chậm hơn so với tháng 7 nhưng vẫn ở mức cao.
Nhu cầu tiếp tục tăng trưởng nhẹ ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Có nhiều dấu hiệu cho thấy sản xuất tăng chậm hơn một lý do lớn là do tình hình tuyển dụng chưa hồi phục theo kịp.
Trong nhu cầu hàng hóa từ các nước xuất khẩu chính đã tăng trở lại khi nền kinh tế tại các nước xuất khẩu chủ lực đang hồi phục tốt hơn, xuất siêu tháng 8 là khá mạnh ở mức 4,5 tỷ USD.
“Nhập khẩu đang tăng mạnh với nhiều bằng chứng cho thấy phần lớn là do nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất tăng. Theo đó, chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng trưởng tốt trong những tháng tới và xuất siêu sẽ tiếp tục tăng theo”, nhóm phân tích cho hay.
Hoạt động đầu tư vẫn là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi vốn FDI đăng ký chậm lại trong tháng 8, nhưng vốn FDI giải ngân vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng. Theo các chuyên gia của Yuanta dự báo, dòng vốn FDI có thể chưa tăng mạnh khi chờ đến kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.
“Chúng tôi kỳ vọng dòng vốn FDI sẽ tăng trưởng tích cực hơn trong giai đoạn cuối năm. Tuy nhiên, vốn đầu tư công giải ngân 8 tháng đầu năm vẫn khá chậm, đạt 274.500 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch của Thủ tướng”, báo cáo nêu.
Các dữ liệu vĩ mô cho thấy điều kiện kinh doanh tiếp tục hồi phục và tăng trưởng mặc dù tốc độ chậm còn chậm.
Điểm tích cực là nhiều dấu hiệu cho thấy triển vọng vĩ mô sẽ khởi sắc tích cực hơn trong thời gian cuối năm 2024. Trong đó, sức mua vẫn mạnh, xuất nhập khẩu tích cực, đơn hàng và sản xuất tiếp tục tăng trưởng, tỷ giá hạ nhiệt nhờ xuất siêu tăng mạnh và đồng USD giảm trên thị trường quốc tế.
Theo đó, chỉ số CPI được kỳ vọng giảm khi chi phí nhập khẩu và giá xăng dầu đều giảm. Mặt bằng lãi suất đã hạ nhiệt mặc dù còn nhiều thách thức nhưng xu hướng sẽ khó tăng thêm nhờ tỷ giá USD/VND hạ nhiệt và kỳ vọng Fed giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu mua lại USD để tăng dự trữ ngoại hối .
Tâm điểm tháng 9 này sẽ xoay quanh cuộc họp của Fed (ngày 18/9) và câu chuyện giảm lãi suất.
“Chúng tôi giữ đánh giá tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 3 sẽ tiếp tục cao hơn quý 2, giảm nhẹ trong quý 4 do mức nền quý 4/2023 khá cao và tăng trưởng kinh tế cả năm đạt khoảng 6,2%, tương đương mức điều chỉnh hồi cuối quý 1”, báo cáo nêu rõ.
Theo đánh giá của Yuanta, thị trường chứng khoán vẫn đang trong giai đoạn tích lũy trung hạn. Nếu VN-Index vượt mức 1.300 điểm thì xu hướng dài hạn có thể rõ ràng hơn. Theo mô hình giá, nhóm phân tích cho rằng thị trường vẫn đang ở giai đoạn sóng tăng số 3 với chu kỳ sóng được hình thành từ cuối 2022 (đây là dự báo xuyên suốt trong xu hướng dài hạn của công ty chứng khoán này trong thời gian qua).
Xét về dài hạn, rủi ro xảy ra đối với thị trường đang ở mức thấp. Fed có khả năng sẽ giảm lãi suất trong tháng 9, cùng với đó là tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt là điều kiện để Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ duy trì lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Đồng thời, động lực tăng trưởng của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều mặc dù chậm do tác động từ đà hồi phục chậm của các nước lớn và ảnh hưởng từ thiên tai. Song, các chuyên gia vẫn đánh giá kinh tế đang ở chu kỳ hồi phục.
Định giá thấp cũng là yếu tố mà nhóm phân tích Yuanta muốn đề cập tại báo cáo chiến lược. Cơn bão Yagi có thể sẽ ảnh hưởng đến một phần dự phóng cho năm 2024, nhưng mức độ ảnh hưởng không nhiều và P/E dự phóng 2024 đang dưới mức 12.x cho thấy mức định giá hiện nay vẫn thấp.
Từ những yếu tố trên, công ty chứng khoán khuyến nghị các nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược mua và nắm giữ cho danh mục dài hạn. Một số nhóm ngành đáng chú ý gồm: công nghệ, vận tải, hóa chất, sản xuất dầu khí, ngân hàng, dược phẩm, sản xuất thực phẩm, nước - khí đốt, chứng khoán.