Xu thế chứng khoán ngày 7/3: Nhà đầu tư nên tạm thời hạn chế mở mua mới

Xu hướng ngắn hạn và trung hạn của thị trường vẫn duy trì đà tăng giá. Nhà đầu tư nên tạm thời hạn chế mở mua mới tại vùng giá cao hiện tại. Điểm mua chỉ nên diễn ra khi có các nhịp rung lắc giảm mạnh trong phiên...

Xu thế chứng khoán ngày 7/3: Nhà đầu tư nên tạm thời hạn chế mở mua mới

Chứng khoán 6/3, VN-Index sau khi tăng điểm khá hưng phấn cuối phiên trước đã tiếp tục hướng đến vùng giá quanh 1.275 điểm, tương ứng giá trung bình 1.255,11 điểm cao nhất năm 2023 và 1.295 điểm, giá cao nhất tháng 8/2022. Đây cũng là vùng giá cao nhất tháng 9/2022 và đã chịu áp lực điều chỉnh, với lực bán gia tăng mạnh hơn.

VN-Index sau đó rung lắc mạnh trong phiên tiếp tục kiểm tra lại vùng giá đỉnh năm 2023 quanh 1.255 điểm và phục hồi nhẹ trở lại. Kết phiên, VN-Index giảm 7,25 điểm (-0,57%) về mức 1.262,73 điểm, xu hướng điều chỉnh kiểm tra lại vùng giá cao nhất tháng 8,9/2023.

HNX-Index giảm 1,89 điểm (-0,80%) về mức 235,45 điểm. Độ rộng thị trường tiêu cực trở lại với áp lực bán ngắn hạn gia tăng khi có 295 mã giảm giá (4 mã giảm sàn), 193 mã tăng giá (14 mã tăng trần) và 132 mã giữ giá tham chiếu.

Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết đạt 27.055 tỷ đồng, tăng 4,69% so với phiên trước, trên mức trung bình. Khối lượng giao dịch trên VN-Index trên 1 tỷ cổ phiếu, thể hiện áp lực bán gia tăng, mở rộng trên nhiều mã khi VN-Index gặp vùng kháng cự mạnh và trong trạng thái quá mua ngắn hạn.

Khối ngoại bán ròng phiên thứ hai trên HOSE với giá trị 162,5 tỷ đồng, trong đó bán ròng khá đột biến ở cổ phiếu VHM; bán ròng khá mạnh trên HNX với giá trị 76,33 tỷ đồng.

Thị trường vẫn có tín hiệu xoay vòng ngắn sang các mã chưa tăng nhiều trong các nhóm ngành, thể hiện trong VN30 như dầu khí với GAS (+1,39%), PLX (+0,83%).. bia SAB (+4,07%).. bán lẻ MSN (+1,59%), khu công nghiệp BCM (+1,07%)... trong khi đa số chịu áp lực điều chỉnh với mức độ phân hóa mạnh như trong nhóm cổ phiếu ngân hàng với BVB (-2,65%), VPB (-1,77%), ACB (-1,25%), STB (-1,10%).... ngoài SGB (+2,22%), TCB (+1,30%), LPB (+1,13%)...

Các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán sau khi tăng mạnh cuối phiên trước ngoài BVS (+10,00%) bất ngờ tăng mạnh, thanh khoản đột biến vượt đỉnh năm 2023, DSC (+4,63%) thông tin chuyển niêm yết HOSE, CTS (+3,12%) tiệm cận đỉnh giá lịch sử... thì đa số chịu áp lực điều chỉnh như VDS (-2,86%), SHS (-2,20%), VND (-2,13%), VIX (-2,13%), BSI (-1,85%)...

Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh sau giai đoạn tăng giá tốt, đa số điều chỉnh, thanh khoản gia tăng trên mức trung bình với VGC (-3,04%), TIP (-2,97%), GVR (-2,69%), LHG (-2,52%)...

Nhóm cổ phiếu bất động sản ngoài một số cố phiếu tăng tốt trước những thông tin tích cực như VRC (+6,94%), HQC (+6,78%), NBB (+4,12%)... thì đa số chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản trên mức trung bình với CCL (-3,61%), TCH (-2,60%), DIG (-2,51%), HDG (-2,42%), NVL (-2,33%)...

anh-chup-man-hinh-2024-03-06-luc-195253-4406.png

Tránh mua đuổi trong các nhịp tăng nóng

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Trạng thái điều chỉnh xuất hiện lan rộng trên hầu hết các nhóm ngành, thể hiện áp lực bán tháo chốt lời mạnh mẽ, áp đảo trong hầu hết phiên giao dịch và quán tính điều chỉnh có thể tiếp tục tác động lên chỉ số trong những nhịp tới.

Mặc dù vậy, sau một chuỗi tăng điểm kéo dài thì diễn biến trên là điều có thể dễ hiểu và xu hướng tăng của VN-Index được kỳ vọng sẽ sớm được quay trở lại dưới sự vận động tích cực của dòng tiền với ngưỡng hỗ trợ gần được đặt quanh 1.240 (+/-5) điểm.

Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp tăng nóng, chỉ kê lệnh giải ngân một phần tỷ trọng gối đầu cho các vị thế đang nắm giữ khi chỉ số hoặc các mã mục tiêu quay xuống các vùng hỗ trợ gần.

VN-Index rung lắc mạnh trong ngắn hạn

Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

VN-Index kết phiên hình thành nến Spinning stop, đồng thời ghi nhận phiên giao dịch biến động mạnh với biên độ hơn 21 điểm và thanh khoản bán chủ động gia tăng mạnh.

Ở khung đồ thị ngày, các chỉ báo về xu hướng như CMF, DI+ và ADX vẫn đang ở vùng cao, cùng với việc MACD mới chỉ tạo 1 đỉnh cho thấy VN-Index vẫn đang trong nhịp tăng điểm trung hạn và việc thị trường xảy ra điều chỉnh, rung lắc là cần thiết để VN Index tiếp tục hướng lên các vùng đỉnh cao.

Ở khung đồ thị giờ, sau khi hình thành phân kỳ âm, MACD và RSI đều hướng xuống, cùng với việc ADX và DI+ đang có xu hướng xuống dưới 25 cho thấy xác suất VN-Index rung lắc mạnh trong ngắn hạn là hoàn toàn có thể xảy ra.

VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư giữ tâm trạng bình tĩnh và cân nhắc chốt lời từng phần đối với cổ phiếu cho dấu hiệu hụt hơi và đà tăng điểm yếu dần, đồng thời tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi những phiên điều chỉnh với biên độ rộng hơn giải ngân cố phiếu cho dấu hiệu thu hút dòng tiền ổn định thuộc nhóm ngành bán lẻ, ngân hàng, chứng khoán.

Nhà đầu tư nên tạm thời hạn chế mở mua mới

Chứng khoán Tân Việt (TVSI)

Trái ngược với chuỗi phiên tăng điểm trước đó, VN-Index phiên hôm nay không duy trì được đà tăng mà giảm điểm trở lại. Mặc dù tăng điểm rất tích cực ngay đầu phiên nhưng áp lực chốt lời gia tăng tại mức kháng cự đã khiến chỉ số giảm điểm ngược trở lại và đóng cửa ở mức thấp trong ngày

Xu hướng ngắn hạn và trung hạn của thị trường vẫn duy trì đà tăng giá. Nhà đầu tư nên tạm thời hạn chế mở mua mới tại vùng giá cao hiện tại. Điểm mua chỉ nên diễn ra khi có các nhịp rung lắc giảm mạnh trong phiên.

Hạn chế giải ngân mua mới

Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)

Thanh khoản phiên hôm nay gia tăng so với phiên hôm qua và ở mức cao ( tăng 1,3% so với mức trung bình 20 phiên) trong bối cảnh thị trường chung đóng cửa đảo chiều giảm điểm là một tín hiệu cảnh báo nhịp điều chỉnh.

Trên biểu đồ kỹ thuật xuất hiện mẫu hình nến đảo chiều “Bearish Engulfing” cho thấy đà tăng đang chững lại và khả năng cao sẽ hình thành nên tín hiệu điều chỉnh trong các phiên tới.

Chỉ số VN-Index đã test ngưỡng kháng cự, cộng thêm mẫu hình nến đảo chiều cho thấy tâm lý bán đang chiếm ưu thế hơn. Vì vậy, chúng ta cần hạn chế giải ngân mua mới ở vùng này, thậm chí căn nhịp hồi tăng điểm nhẹ để hạ bớt tỷ trọng

Tiếp tục xuất hiện những phiên giằng co

Chứng khoán Tiên Phong (TPS)

Tâm lý thị trường chịu ảnh hưởng bởi sự cố kẹt lệnh trong phiên hôm nay nên điểm số và thanh khoản có thể chưa phản ánh đầy đủ diễn biến giao dịch của nhà đầu tư. Do đó, việc theo dõi sát sự biến động của chỉ số trong phiên sáng mai là khá quan trọng để đưa ra nhận định về xu hướng thị trường.

Công ty chứng khoán cho rằng xu hướng chạm đáy của mặt bằng lãi suất vẫn là yếu tố tích cực hỗ trợ cho đà đi lên của thị trường trong khoảng 3-6 tháng tới. Tuy nhiên, trong ngắn hạn chỉ số có thể sẽ chịu tác động từ việc chốt lời của nhà đầu tư sau thời gian thị trường có sự tăng trưởng tích cực từ đầu năm tới nay.

Nhiều khả năng chỉ số sẽ xuất hiện những phiên giằng co với trạng thái gần như đi ngang để tích lũy cho đà tăng mới lên vùng kháng cự mạnh tiếp theo là 1.280-1.290 điểm. Vùng hỗ trợ của chỉ số hiện đang nằm tại 1.240-1.250 điểm. Dòng tiền sẽ có xu hướng dịch chuyển luân phiên giữa các ngành và các phân khúc vốn hóa lớn đến vừa và nhỏ.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm