Xu thế chứng khoán tuần 10/4-14/4: Cần thêm vài phiên tích lũy trước khi bứt phá

Xu hướng tăng giá ngắn hạn vẫn dự báo tiếp tục được duy trì nhưng chỉ số sẽ khó vượt ngay được vùng kháng cự ngắn. Chỉ số dự báo sẽ cần thêm vài phiên tích lũy ở vùng giá cao trước khi tiếp tục tăng điểm…
chứng khoán tuần

Chứng khoán tuần 3/4-7/4, VN-Index đã có tuần giao dịch đầu tiên của tháng 4, cũng như quý 2/2023. Với tâm lý tích cực trước những thông tin hỗ trợ trong nước VN-Index tạo khoảng trống tăng giá so với tuần trước khi mở đầu tuần ở mức 1.074,69 điểm và tiếp tục tăng điểm lên vùng giá 1.085 điểm. 

Sau đó VN-Index chịu áp lực rung lắc mạnh và kết tuần ở mức 1.069,71 điểm, tăng 5,07 điểm (+0,48%) so với tuần trước với thanh khoản cải thiện tốt. HNX-Index kết tuần tăng tốt hơn 1,98% lên mức 211,60 điểm với thanh khoản gia tăng mạnh. Độ rộng thị trường trong tuần tích cực tập trung nhiều vào nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán với mức tăng giá tốt.

Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 67.152,41 tỉ đồng, tăng khá mạnh 29,0% tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 38,7% so với tuần trước. Thanh khoản HNX tích cực hơn tăng 62,5% tương ứng với khối lượng tăng 62,6% so với tuần trước. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tuần thứ hai liên tiếp với giá trị bán ròng 736,18 tỉ đồng. Mua ròng trên HNX với giá trị 44,31 tỷ đồng.

Điểm nhấn trong tuần là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam  giảm các mức lãi suất điều hành có hiệu lực từ 03/04/2023 trong đó lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm. Ngân hàng Nhà Nước có công văn hướng dẫn triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33 Chính phủ, với quy mô khoảng 120.000 tỷ đồng. Đồng thời Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 10 sửa đổi nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai với nhiều điểm mới

Đây là động lực tích cực hỗ trợ cho thanh khoản của thị trường cải thiện và nhóm dịch vụ tài chính tiếp tục tăng điểm khá mạnh như BSI (+15,55%), VDS (+12,98%), FTS (+7,44%), AGR (+7,03%), MBS (+6,96%).. .

Nhóm bất động sản với nhiều thông tin hỗ trợ tiếp tục giao dịch sôi động, thanh khoản gia tăng tốt với nhiều mã tăng giá mạnh như DIG (+25,93%), VPH (+24,02%), NHA (+21,43%), L14 (+20,98%), CEO (+14,86%), SCR (+14,71%), NTL (+13,71%)...

Nhóm cổ phiếu khu công nghiệp, cao su cũng có diễn biến khá tích cực với nhiều mã phục hồi tăng giá như VGC (+6,76%), SZC (+6,10%), SIP (+5,62%), PHR (+3,49%)...

Các nhóm ngành khác đều phân hóa, duy trì tích lũy và không có nhiều điểm nhấn trong bối cảnh chờ các thông tin về tình hình kết quả kinh doanh quý 1/2023, kế hoạch kinh doanh năm 2023.

chứng khoán tuần

Cần thêm vài phiên tích lũy ở vùng giá cao

Chứng khoán Tân Việt (TVSI)

Chứng khoán tuần qua, VN-Index đóng cửa với cây nến giảm điểm với thân dài đi kèm giá đóng cửa ở mức cao trong phiên, cho thấy đà giảm đã chậm lại sau một phiên giảm mạnh ngày hôm qua.

Nhìn chung, nhịp điều chỉnh trong 2 phiên cuối tuần là rất cần thiết để lấp lại gap tăng giá trước đó và đồng thời hấp thụ lực bán chốt lời vừa qua. Về khung đồ thị tuần, mặc dù đóng cửa ở mức thấp nhưng nhìn chung vẫn là một tuần tăng điểm và không thay đổi xu hướng đi ngang trung hạn. 

Với diễn biến tích cực trở lại trong phiên cuối tuần, VN-Index trong tuần tới sẽ có nhịp kiểm tra lại ngưỡng kháng cự mạnh là đỉnh hồi phục đầu tháng 2 quanh vùng 1.085 – 1.095 điểm.

Xu hướng tăng giá ngắn hạn vẫn dự báo tiếp tục được duy trì nhưng chỉ số sẽ khó vượt ngay được vùng kháng cự ngắn. Chỉ số dự báo sẽ cần thêm vài phiên tích lũy ở vùng giá cao trước khi tiếp tục tăng điểm.

Áp lực điều chỉnh có thể tiếp tục xuất hiện

Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Về góc nhìn kỹ thuật, chứng khoán tuần qua, VN-Index kết phiên cuối tuần tạo nến dạng spinning sop cho thấy sự giằng co trong tâm lý nhà đầu tư sau phiên giảm điểm về quanh 1.065. Xét về khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo MACD và RSI mới tạo 1 đáy cho thấy áp lực điều chỉnh vẫn có thể tiếp tục xuất hiện ở các phiên tiếp theo. 

Tuy nhiên, với diễn biến hiện tại, thị trường nhiều khả năng sẽ có sự phân hóa và nhịp điều chỉnh này là cần thiết để VN-Index tiếp tục hướng lên các khu vực cao phía trên. Khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục bám sát thị trường, đặc biệt là tại vùng hỗ trợ 1.055 – 1.060.

Các nhà đầu tư có thể tận dụng cơ hội tại các nhịp rung lắc mạnh nhiều khả năng sẽ diễn ra trong những phiên tới để cân nhắc giải ngân mua vào cổ phiếu thuộc các nhóm ngành như chứng khoán, dầu khí, bất động sản khi tín hiệu mua chủ động gia tăng trở lại tại các vùng hỗ trợ.

Mở ra cơ hội hồi phục

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Chứng khoán tuần qua, VN-Index tiếp tục có phiên giảm điểm nhưng lấy lại được một phần số điểm đã mất về cuối phiên. Sau chuỗi tăng điểm liên tiếp, rủi ro mở rộng thêm nhịp điều chỉnh vẫn đang hiện hữu.

Mặc dù vậy, việc xuất hiện mẫu nến rút chân sau khi chỉ số về lại vùng hỗ trợ gần quanh 1.065 giúp mở ra cơ hội hồi phục trở lại trong phiên chứng khoán tuần kế tiếp. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục gia tăng một phần tỷ trọng trading khi chỉ số về quanh hỗ trợ gần.

Kiểm định ngưỡng kháng cự EMA5 tại 1.073 điểm

Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Về quan điểm kỹ thuật, các tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn vẫn duy trì ở mức tích cực với tất cả các chỉ số. Tuy nhiên, với việc đóng cửa trên EMA5, nhóm chỉ số đại diện phân khúc vốn hóa vừa và nhỏ là VNMidcap, VNSmallcap và HNX-Index đang có xung lực tăng mạnh hơn so với VN-Index và VN30.

Dự báo trong phiên giao dịch chứng khoán tuần tới, thị trường có thể sẽ thể hiện những nỗ lực tăng điểm để chỉ số đại diện VN-Index kiểm định ngưỡng kháng cự EMA5 tại 1.073 điểm. Nếu lực cầu đủ mạnh để hấp thụ tốt lượng cổ phiếu lớn về tài khoản, giúp VN-Index đóng cửa trên mốc này, đà tăng của thị trường sẽ được khôi phục và giúp chỉ số hướng lại lên vùng kháng cự quanh 1.085-1.090 điểm.

Ngược lại, nếu VN-Index chưa thể vượt qua kháng cự EMA5 khi đóng cửa, chỉ số sẽ cần thêm những nhịp tích lũy, củng cố trong biên độ từ 1.065-1.073 điểm, trong đó, mốc 1.065 điểm là hỗ trợ quan trọng của đường EMA100 ngày.

Rung lắc, giằng co là diễn biến chủ đạo 

Chứng khoán SSI (SSI)

Chứng khoán tuần qua, cung chốt lời tiếp tục đẩy mạnh gây áp lực lên thị trường, nhưng lực cầu hỗ trợ tốt giúp chỉ số VN-Index cân bằng trở lại và đóng cửa tại 1.069,7 điểm, giảm không đáng kể 1,2 điểm (-0,11%) theo phiên. Tính chung, chỉ số tăng 5,07 điểm (+0,48%) trong tuần qua.

Thị trường chung phân hóa mạnh với số mã tăng/giảm trên sàn HOSE ghi nhận tương ứng 159 và 219 mã. Riêng nhóm VN30 với 12 mã tăng giá, như GVR (+1,9%), SSI (+3%), MSN (+0,8%) và các mã Ngân hàng STB (+1,36%), ACB (+0,6%), MBB (+0,54%)…đã giúp chỉ số VN30 kết phiên tăng nhẹ lên 1.078,9 điểm.

Về quan điểm thị trường, trong ngắn hạn, rung lắc, giằng co có thể là diễn biến chủ đạo của VN-Index. Nếu quan sát kể từ đầu năm 2023, trạng thái đi ngang của chỉ số vẫn được duy trì với vùng cận trên là 1.082 - 1.090 điểm trong khi cận dưới là 1.020 điểm.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được ThuonggiaOnline trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Có thể bạn quan tâm