Trên sân khấu chính là những làn điệu cổ, giọng ca điêu luyện được thể hiện bởi các liền anh liền chị của mấy mươi năm hát hội và ca diễn thường xuyên.
Trong tiết mưa xuân lất phất, đất trời như giao hòa, người người từng đôi dập dìu, cảnh vật trở nên thư thái hoà cùng những làn điệu câu ca, từ làn điệu mời trầu rồi là câu ca cổ... Những ai thương nhớ tình cũ hay yêu cái tình của chính mình thì đều cứ tìm về đây để nghe làn điệu giao duyên cổ mỗi khi xuân về!
Quanh trong khu lễ hội là sân khấu của các làng quan họ, mỗi làng mỗi vẻ riêng, không thể trộn lẫn. Từ những người nông dân hay những người làm ăn buôn bán, thậm chí là những ai thành đạt đã xa quê hay người tứ xứ thập phương đổ về dự hội đều chung nhau một sân hát. Họ hát để cho nhau nghe, để giãi bày nỗi niềm nhớ nhung quyến luyến hay chỉ đơn giản là để luyến láy cái tình mênh mang mà bao đời cha ông để lại....
Giữa đời thường, đâu dễ gì để bén duyên giữa những người xa lạ mà đặc biệt là tình nghĩa với nhau của họ cứ mãi còn, cứ mãi được ngợi ca đắm đuối. Trên mỗi sân diễn là mỗi nhóm ca hát đan xen, giọng ngọt ngào đến mức nức tiếng đi diễn sân khấu của làng.
Có những giọng liền anh, liền chị giờ đã thành "sư phụ"; cũng có những giọng ca non nớt, chấp chới ngân nga nhưng đều thể hiện sự thiết tha và cả những nét đẹp khó lý giải của âm nhạc ông cha. Khán giả lại là diễn viên vì sân khấu nào cũng dành xuất diễn cho khán giả xung phong. Cứ thế mà dòng quan họ làn điệu kim cổ có cơ hội trổ tài. Không thể không ngả mũ bái phục có những giọng ca đặc quê Kinh Bắc, thái độ khiêm nhường đến mức liền anh liền chị cũng phải vỗ tay tán thưởng rần rần.
"Mọi cơ quan thông tấn đều có mặt đưa tin, làm phóng sự về nét đẹp văn hoá rất đặc trưng này của Việt Nam.
"Nô nức đi hội" chính là cách dân gian nói về ngày Hội Lim! Ở đây, mỗi người như được tìm về bản ngã tâm tư chung riêng của mọi nỗi niềm.
Những người đi hội không quên vào đình thắp hương tạ ơn tiên tổ, cầu an đầu năm khi du xuân về Kinh Bắc. Có năm có chút nắng xuân, năm nay thuận tiết trời lất phất mưa bay, mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa. Sau rằm, các liền anh liền chị lại ra đồng cấy vụ xuân mới, lại ra chợ buôn bán tấp nập, lại vào nhà máy công sở để đợi chờ một năm mới gõ cửa, bắt đầu một năm sau tiếp tục du xuân, trẩy hội.
Bài và ảnh: Thuý Vân