Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, trong 2 tháng đầu năm, sầu riêng là loại trái cây xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhóm hàng rau quả Việt Nam đang xuất khẩu vào Trung Quốc.
Xét trên tất cả thị trường, xuất khẩu sầu riêng tươi chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, chiếm 83% tổng trị giá xuất khẩu trái cây.
Tuy nhiên, mặt hàng này mới chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ 11/7/2022.
Trung Quốc cũng là quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới về tiêu thụ sầu riêng. Nhu cầu tiêu thụ sầu riêng tại Trung Quốc tăng bình quân 16% mỗi năm trong các năm qua.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang có tham vọng mở rộng diện tích sầu riêng. Trang web Produce report mới đây cho biết: Diện tích trồng sầu riêng ở tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) hiện đã vượt quá 2.000 ha, dự báo sẽ tung ra thị trường vào năm 2024 với nguồn cung hàng năm là 45.000–75.000 tấn.
Trong khi đó, tại Việt Nam, số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, chỉ trong 10 năm, nhất là vài năm gần đây, diện tích sầu riêng đã tăng thêm 53.780 ha (trên 300%).
Đặc biệt từ đầu năm đến nay, đang có tình trạng người dân đang tự phát chuyển đổi diện tích trồng các loại cây khác sang trồng sầu riêng. Tỉnh Lâm Đồng - thủ phủ sầu riêng, vào cuối tháng 2/2023 đã phải phát cảnh báo về việc người dân tự ý chuyển đổi diện tích trồng này.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị UBND các huyện, thành phố trong tỉnh khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp, không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng.
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý chất lượng cây giống sầu riêng, đảm bảo cung cấp cây giống đạt tiêu chuẩn chất lượng cho người dân.
Theo Cục Bảo vệ thực vật Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm 163 mã số vùng trồng sầu riêng và 67 mã số cơ sở đóng gói cho phía Việt Nam. Trong đó, 3 tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng và Tiền Giang được cấp nhiều mã vùng trồng nhất. Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 246 mã số vùng trồng và 97 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ yêu cầu của phía Trung Quốc.