Doanh nghiệp Việt đang quản trị “một mình một kiểu”

Việc duy trì mô hình quản trị lỗi thời khiến phần lớn doanh nghiệp Việt khó “nói chuyện” với các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài.
Doanh nghiệp Việt đang quản trị “một mình một kiểu”

Nỗi buồn của bà Mai Kiều Liên

Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông Vinamilk vừa qua, Tổng giám đốc Mai Kiều Liên đã phải nói tới cảm xúc buồn khi nhận chất vấn từ cổ đông về sự xuất hiện của ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Coteccons trong danh sách đề cử thành viên HĐQT Vinamilk, nhiệm kỳ 2017-2021.

"Chúng tôi chọn ông Dương vì cơ cấu mới trong HĐQT cần 3 thành viên độc lập, phụ trách 3 tiểu ban quan trọng là nhân sự, ban kiểm toán và lương thưởng. Ông Dương là một trong top 10 nhà lãnh đạo xuất sắc nhất của doanh nghiệp Việt, nhiều kinh nghiệm trong quản lý", bà Liên giải thích.

Cái khó của bà Liên khi giải thích cho cổ đông về sự xuất hiện của ông Dương không chỉ bởi những thông tin liên quan đến việc ông Dương đang hoạt động ở lĩnh vực không liên quan tới Vinamilk, mà còn bởi không nhiều cổ đông hiểu rõ về vị trí, vai trò của thành viên HĐQT độc lập. Ngay sau khi Đại hội đồng cổ đông Vinamilk bỏ phiếu thông qua vị trí thành viên HĐQT độc lập của ông Dương, nhiều lời bình từ các nhà đầu tư trên thị trường rằng, rất có thể đây là dấu hiệu sớm cho cú bắt tay giữa Vinamilk và Coteccons.

Phải nói thêm, không chỉ cổ đông lơ mơ về thành viên HĐQT độc lập, cho dù Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định rõ. Trong buổi công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2016/2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) tổ chức cuối tuần trước, nhiều doanh nghiệp vẫn đặt câu hỏi thành viên HĐQT độc lập là ai, ai sẽ đề cử nhân vật này…

Quản trị công ty của doanh nghiệp Việt Nam ở dưới mức trung bình

Việc Đại hội đồng cổ đông thông qua 3 nhân sự trong chức danh thành viên HĐQT độc lập là một thành công lớn của Vinamilk. Công ty đã bước sang mô hình một cấp - mô hình quản trị hiện đại phổ biến trên thế giới, thay cho mô hình truyền thống.

Nhưng với ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đây là tin mừng. Chỉ có 55 doanh nghiệp niêm yết có báo cáo thường niên bằng tiếng Anh.

“Luật Doanh nghiệp 2014 đã đưa vào mô hình quản trị công ty hiện đại để doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, số doanh nghiệp áp dụng đếm chưa hết bàn tay. Nhiều doanh nghiệp lưỡng lự thực thi vì không hiểu rõ phải làm gì. Như việc chọn thành viên HĐQT độc lập là do chính HĐQT của công ty tìm kiếm, như hoạt động săn đầu người, để giám sát hoạt động của HĐQT vì lợi ích của công ty, hoàn toàn khác với thành viên HĐQT được đề cử bởi các cổ đông để bảo vệ lợi ích của cổ đông, nhóm cổ đông đó”, ông Hiếu làm rõ.

Đáng nói là, theo ông Hiếu, mô hình truyền thống mà phần lớn doanh nghiệp ứng dụng chỉ tồn tại ở Việt Nam. Hệ quả, doanh nghiệp Việt đang không nói cùng tiếng nói về quản trị công ty với doanh nghiệp các nước.

Thực trạng này thấy rõ trong thứ hạng của Việt Nam trong Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN. Theo xếp hạng mới nhất, doanh nghiệp Việt Nam ở vị trí thấp nhất trong ASEAN 6, với điểm số 35,14 (điểm cao nhất là 84,53 của Thái Lan). So với 2 lần trước, điểm của Việt Nam có nhích lên, nhưng vẫn cách khá xa, tới hơn 22 điểm, so với vị trí kế trên là Indonesia.

Lý do níu kéo thứ hạng này là trách nhiệm thực thi của HĐQT công ty thấp. TS. Nguyễn Thu Hiền, Thành viên Hội đồng Đánh giá Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN cho biết. “Chúng tôi hỏi vai trò và trách nhiệm của HĐQT có nêu rõ trong báo cáo thường niên không, chỉ có 16% doanh nghiệp có. Luật Doanh nghiệp 2014 có yêu cầu, nhưng doanh nghiệp Việt không thực hiện. Rất nhiều nội dung khác cũng tương tự”, bà Hiền lý giải.

Cũng phải nói rõ, thứ hạng của Việt Nam dựa trên 55 doanh nghiệp niêm yết đủ điều kiện tham gia thẻ điểm này. Các nước khác đều chọn 100 doanh nghiệp có mức vốn hóa cao nhất thị trường chứng khoán.

“Vì chúng tôi chỉ tìm được 55 doanh nghiệp có báo cáo thường niên bằng tiếng Anh”, bà Hiền nói.

Theo Khánh An/baodautu.vn

Có thể bạn quan tâm